Dinh thự dát vàng nổi tiếng nhất nhì miền Tây
Vài tháng trở lại đây, người dân miền Tây cứ tấm tắc khen hoài một dinh thự vừa hoàn thiện, có kiến trúc vô cùng nổi bật ở Cần Thơ: Dinh thự Lang Truyền.
Dinh thự này tọa lạc trên khu đất 3.000m2 tại xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, là nhà riêng của ông Nguyễn Ngọc Lang và bà Lê Thị Truyền.
Dinh thự Lang Truyền nổi tiếng miền Tây rộng 3.000m2.
Hai chủ nhân của dinh thự Lang Truyền.
Chủ nhân của dinh thự là doanh nhân kinh doanh ở thành phố Hồ Chí Minh, bỏ ra 150 tỷ xây dinh thự tại quê nhà để lâu lâu về nghỉ dưỡng.
Dinh thự cao 28m với 1 tầng trệt, 1 lửng, 1 tầng lầu và 1 tum, được thiết kế theo kiểu Đông - Tây kết hợp. Trong nhà, gỗ đỏ từ Lào được sử dụng cho nhiều hạng mục như cửa, cầu thang, trần nhà.
Nhiều chi tiết chạm khắc trong dinh thự được dát vàng.
Cảnh tượng "lóa mắt" ở sảnh chính.
Ông Nguyễn Ngọc Lang rất tâm đắc với dinh thự của mình, đặc biệt là cầu thang gỗ uốn lượn ở sảnh chính.
Ông tiết lộ, cầu thang này được lấy cảm hứng thiết kế từ chiếc cầu thang trong nhà Anandi - nhân vật trong phim Cô Dâu 8 Tuổi mà ông rất thích.
Cầu thang kiểu dáng "Cô dâu 8 tuổi".
Trần nhà được ốp gỗ rất cầu kỳ, sau đó dát vàng. Trên mái vòm, ông thuê người vẽ tranh kể về cuộc đời của vợ chồng mình, từ thuở cơ hàn đến nay.
Tranh vẽ trên mái vòm.
Đặc biệt, dinh thự có tấm bình phong và các trang trí, chạm khắc cầu kỳ tạo hình con khỉ, nhắc đến tuổi âm lịch của vợ chồng ông (tuổi Mậu Thân).
Bức bình phong cầu kỳ vừa chạm khắc vừa dát vàng.
Dinh thự có khu vực sân vườn, tiểu cảnh, hồ cá để chơi, thư giãn những ngày gia đình về quê, gặp gỡ bạn bè ở Cần Thơ.
Dinh thự rộng vậy nhưng chủ nhân chỉ xây 5 - 6 phòng, phòng nào cũng có diện tích siêu lớn, đảm bảo sự riêng tư cũng như không gian tối ưu.
Khu vực tiểu cảnh...
... và thủy đình trong dinh thự.
Chủ nhân là "con nhà nông dân", xây dinh thự để tự thưởng
Dinh thự Lang Truyền được xây trong 3 năm, đúng Tết dương lịch 2023 mới hoàn thiện và tổ chức tân gia. Ông Lang tiết lộ, ông nảy ra ý tưởng làm nhà ở quê trong thời gian nghỉ dịch Covid-19.
Khi đó, cả nhà sống ở thành phố Hồ Chí Minh, việc sinh hoạt, đi lại có phần hạn chế. Ở Cần Thơ, điền sản của gia đình cũng rộng, lại chưa xây cất gì.
Các chi tiết uốn lượn, cầu kỳ tạo nên dáng dấp sang trọng.
Ngoài là chỗ để gia đình sống, nghỉ dưỡng mỗi lần về quê, ông cũng muốn dinh thự của mình trở thành địa điểm check-in chụp ảnh của khách tham quan, tạo cơ hội buôn bán ăn uống cho người dân xung quanh.
"Mục đích cuối cùng vẫn là muốn địa phương mình phát triển hơn chứ không phải nghĩ đến việc kinh doanh kiếm lợi nhuận", ông Lang chia sẻ.
Dinh thự Lang Truyền về đêm.
Vốn là con nhà nông dân, thuở nhỏ cũng làm nông, đi lên từ cơ hàn, vất vả rồi mới chuyển sang kinh doanh, ông Lang bảo muốn xây dinh thự lộng lẫy để tự thưởng cho sự nỗ lực của hai vợ chồng.
Chủ nhân dụng công nhiều trong việc chọn lựa thiết kế và chất liệu xây dinh thự.
Ông cho hay, trong 3 năm xây dựng đại công trình của mình, nguyên vật liệu chất đầy xung quanh, ông chẳng cần thuê bảo vệ trông coi.
Bởi lẽ, người dân quanh đó thật thà, chất phác, không chút tơ hào. Khu vườn ăn quả quanh nhà cũng không hề suy suyển.
Không gian bên trong dinh thự.
Các phòng đều siêu rộng và nhiều chi tiết dát vàng.
Trước đó, ông đã nổi tiếng ở huyện Phong Điền, Cần Thơ vì tích cực xây cầu, làm đường, làm hẳn khu du lịch tặng người dân địa phương.
Khu du lịch tên Phố ông Lang rộng 30.000m2 theo mô hình công viên sinh thái miệt vườn được ông đầu tư tiền tỷ, nhưng lại... phục vụ miễn phí.
Một trong những công trình ông Lang tặng cho quê hương.
Lý do, theo ông tiết lộ là xuất phát từ tâm nguyện muốn báo đáp quê hương, thấu hiểu thiệt thòi của người dân nông thôn ít được thụ hưởng các hoạt động giải trí chất lượng. Có lẽ vì thế mà đại gia miền Tây này rất được bà con yêu quý.
Theo Sức khỏe và Đời sống