Chồng giỏi kiếm tiền nhưng cũng giỏi "bới lông tìm vết"

Thực tế thì "con chuột sa chĩnh gạo" là tôi cũng chẳng vui sướng gì khi đã lấy anh đâu!

Người ta nói chẳng sai, “được cái này thì mất cái kia”, trời cho tôi đường công danh, tiền tài hưng vượng bao nhiêu thì lại khiến tôi khổ sở vì đường gia đình bấy nhiêu. Từ nhỏ, tôi đã mất cha, một mình mẹ nuôi nấng cho tôi ăn học.

Sau khi tốt nghiệp đại học, mẹ còn gom góp tiền cho tôi học thêm bằng thạc sĩ. Nhưng rồi tôi chẳng may lại bị u xoang, mẹ phải bán hết đất ở quê, dốc hết vốn liếng cho tôi ra nước ngoài chữa bệnh, nên thành ra đến 30 tuổi khi tôi lấy chồng, mẹ con tôi chẳng còn chút vốn liếng, tài sản nào.

Chồng tôi là kỹ sư nông nghiệp của một trung tâm lớn, anh là người có năng lực, đường công danh rộng mở và khá giỏi giang. Tôi kết hôn với anh ai cũng ví chuột sa chĩnh gạo vì anh có nhà riêng, có tiền tài danh vọng và rất mực yêu thương vợ.

6 tháng sau khi kết hôn, tôi thấy mẹ khổ sở vì phải sống nhà thuê, nhà trọ nên ngỏ ý với chồng đưa mẹ lên ở cùng. Chồng tôi không ra mặt phản đối nhưng anh lại đồng ý miễn cưỡng. Điều đó, chỉ nhìn qua tôi đã nhận ra, nhưng đành nhắm mắt làm lơ để mong mẹ đỡ khổ.

Từ ngày mẹ tôi lên sống cùng, vợ chồng tôi chẳng phải để ý gì đến con cái, nhà cửa vì có mẹ trông nom, quán xuyến. Nhưng chồng tôi luôn nhăn nhó mỗi lần bạn bè đến chơi phải giới thiệu mẹ vợ với mọi người. Tôi biết, chồng chỉ nhìn vào cách ăn mặc, giọng nói đặc sệt địa phương của mẹ mà cảm thấy khó chịu vô cùng.

vợ chồng
Anh góp nhặt những việc làm của mẹ khiến anh không hài lòng để về
tố với tôi,kèm theo thông điệp “bảo bà ngoại đi nhé”. (Ảnh minh họa)


Tôi nhận ra điều đó chứ, nhưng đâu thể bắt anh chấp nhận và thay đổi một sớm một chiều. Hơn nữa, chồng tôi sống trong nhung lụa từ bé, nên làm sao thấu hiểu được một người phụ nữ nông thôn phải vất vả, nhặt nhạnh từng đồng bac lẻ để nuôi con ăn học một mình vất vả, đáng thương và đáng trân trọng đến mức nào.

Tôi còn nhớ, 20/10 năm ngoái, mẹ lên sống với vợ chồng tôi vừa tròn 1 tháng. Vợ chồng tôi đi mua quà cho mẹ chồng, chị em gái thậm chí bà cô, bà dì bên nhà chồng từ trước cả tuần. Tôi ngỏ ý muốn chồng tự tay mua tặng mẹ một món quà gì đó. Thì chồng tôi gạt phắt, anh nói “Ôi dào, bà ngoại làm gì biết 20/10 là ngày gì đâu mà quà với  cáp. Mua gì lạ mà ngon về nấu cả nhà ăn là được”.  Lời nói của chồng như xát muối vào lòng tôi, chẳng khác nào anh chê mẹ tôi quê mùa, ít học, ít hiểu biết chỉ biết đến bếp núc, ăn uống mà thôi.  

Rồi tôi vẫn mua tặng mẹ chiếc áo và những vật dụng cá nhân mới. Chồng tôi nhìn thấy mẹ tôi vui vẻ, hào hứng với món quà của con gái thì cười mỉa, nhưng tôi thây kệ. Bởi tôi biết, chồng tôi tâm địa không phải xấu xa, keo kiệt mà vì anh vô tâm, ích kỷ và coi thường người khác.

Rồi càng ngày, mẹ ở lâu, chồng tôi không chỉ dừng lại ở thái độ mà còn có những lời nói, hành động khiến tôi vô cùng khó xử, nhưng thật may, trước mặt mẹ, anh không hồ hởi, vồ vập nhưng cũng không có hành động sỗ sàng, quá đáng. Anh góp nhặt những việc làm của mẹ khiến anh không hài lòng để về tố với tôi, kèm theo thông điệp “bảo bà ngoại đi nhé”.

Mới đầu là việc nấu ăn không hợp, anh nói: “Em dành thời gian dạy bà ngoại mấy món thành phố đi. Cứ chặt to, kho mặn như ở quê, anh không nuốt nổi”. Rồi đến việc, mẹ không thạo sử dụng đồ dùng điện tử, anh tố: “Em xem, trời lạnh vậy, bà ngoại không bật điều hòa để con bé rét thâm môi đi. Nó mà bị viêm phổi, bà có chăm nổi không?”. Hay: “Em dạy bà ngoại dùng bàn là hơi đi nhé, quần áo đi làm của anh toàn đồ đắt, bà ngoại là bàn là thường, sơ sẩy hỏng hết. Tiền triệu chứ chả chơi”…

vợ chồng
Tôi thương mẹ và cũng khó xử vô cùng. Một bên là mẹ, một bên là chồng
tôi chẳng biết làm sao. (Ảnh minh họa)


Mà thực ra, từ chuyện lau nhà, quét dọn, đến việc đi lại nói năng, anh đều để ý từng li từng tí và gần như anh chẳng hài lòng về chuyện gì cả. Trước mặt mẹ không nói, nhưng cứ nhìn thấy tôi là tố đủ điều. Nhiều khi tôi ngán ngẩm, mệt mỏi nói liều: “Anh đi mà nói mẹ. em nói mẹ không tiếp thu đâu” thì anh nổi đóa, nói tôi bảo thủ, bao che để mẹ chậm phát triển, trì trệ và làm anh khó chịu.  

Ngày của mẹ năm nay, khi vợ chồng tôi đi mua đồ cho bà nội, chồng tôi nói mua đồ luôn cho bà ngoại nhé. Làm tôi mừng rớt nước mắt, nhưng ở trung tâm mua sắm, chồng tôi bảo: “Chả có đồ gì hợp với mẹ đâu. Để anh chở em về chợ cóc gần nhà xem có món gì hợp không”.

Tôi hỏi lý do thì anh đáp: “Toàn đồ sang trọng, mẹ thì quê một cục, nếu để mẹ dùng người ta nghĩ khoe mẽ, kịch cỡm, lại có cớ để cười, chế giễu”. Tôi gượng cười, quay đi không dấu nổi nước mắt, bởi trong mắt chồng, mẹ tôi vẫn quê mùa, thô kệch, chẳng xứng với những thứ sang trọng kia.

Tôi thương mẹ và cũng khó xử vô cùng. Một bên là mẹ, một bên là chồng tôi chẳng biết làm sao. Thà rằng, trước mặt mẹ  tôi, anh cứ tỏ thái độ luôn thì bà còn biết cách anh đánh giá về mình, để bà còn sửa chữa. Đằng này, từng tí một, anh đều tố, mách và yêu cầu tôi “chỉnh” mẹ. Thực lòng, tôi có nói rồi, nhưng mẹ lại nghĩ tôi khắt khe, khó tính hoạch họe mẹ đủ đường, rồi lại khóc tủi, than thân.

Đã có ai rơi vào hoàn cảnh như tôi chưa? Xin mọi người cho tôi lời khuyên.

Theo Trí thức trẻ

Tin tức mới nhất