Mới đây, câu chuyện chàng trai Tiền Giang được cho là "mặt búng ra sữa", sinh năm 2000 và chưa đủ tuổi kết hôn được chia sẻ trên khắp các diễn đàn. Bài đăng này nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý khi tiết lộ chú rể sinh năm 2000, lấy vợ hơn 10 tuổi.

Sau khi tìm hiểu, hai nhân vật chính trong ảnh được xác nhận là Phạm Hồng Mai (23 tuổi) và Lê Phát Phú (21 tuổi). Đôi trẻ đang sống tại Mỹ Tho, Tiền Giang. Trước khi cưới, họ yêu nhau hơn một năm, hoàn toàn đủ tuổi lập gia đình.

Chia sẻ với Zing.vn, chú rể tỏ ra khá bức xúc khi bỗng dưng bị lan truyền hình ảnh cùng thông tin sai lệch.

Phú cho hay anh mệt mỏi khi hàng ngày anh phải nhận vài chục cuộc điện thoại hỏi thăm về tuổi tác, cuộc sống của hai vợ chồng cũng vì thế bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Chú rể bị tung tin sinh năm 2000: Khổ sở vì trò hư cấu trên mạng-1
Phát Phú bức xúc khi các diễn đàn đăng tin anh sinh năm 2000, lấy vợ hơn 10 tuổi. Ảnh chụp màn hình.


Bịa chuyện để "câu like"

Chỉ bằng vài dòng chia sẻ đơn giản cùng câu chuyện bịa đặt với mục đích gây chú ý, không ít người trong cuộc từng trở nên khốn đốn, bị dân mạng chỉ trích nặng nề...

Tháng 1 năm nay, đôi vợ chồng ở Bắc Ninh bị lên án khi có thông tin cho rằng chú rể sinh năm 2000, cô dâu sinh năm 1989.

Tuy nhiên, sự thật là nam chính sinh năm 1993, vợ anh sinh năm 1995. Cả hai đều đủ tuổi kết hôn, không có chuyện chồng kém vợ tới 11 tuổi.

Hay như tháng 7 vừa qua, nhiều diễn đàn lan truyền vụ việc hai nữ sinh (có đăng kèm ảnh) bị công an huyện Tánh Linh (Bình Thuận) bắt giữ do cưỡng hiếp một thanh niên đến tử vong.

Hai cô gái được đề cập đến là Nguyễn Thị Tuyết Hạnh (19 tuổi) và Nguyễn Thị Thu Hà (20 tuổi), cùng ngụ xã Măng Tố, huyện Tánh Linh.

Tuy nhiên, sau vài giờ đăng tải, nhiều người bạn của Tuyết Hạnh - Thu Hà đã lên tiếng cho biết thông tin này hoàn toàn sai sự thật. Tất cả chỉ là trò đùa từ người lợi dụng mạng xã hội để tạo tin giả, bôi xấu hình ảnh của hai nữ sinh.

Chú rể bị tung tin sinh năm 2000: Khổ sở vì trò hư cấu trên mạng-2
Đám cưới của cặp "đũa lệch" ở Hà Tĩnh từng gây xôn xao. Ảnh chụp màn hình.

Cuối năm 2016, clip và loạt ảnh ghi lại đám cưới của cặp "đũa lệch" - chú rể có thân hình nhỏ bé và cô dâu là thiếu nữ trưởng thành - từng trở thành tâm điểm chú ý. Nhiều người cho rằng chú rể còn là học sinh, chưa đủ tuổi kết hôn.

Sau đó, danh tính của nam chính được xác định là Trần Long Nhật, 30 tuổi, dân tộc Lào, sống tại Hà Tĩnh. Còn cô dâu là Lê Thị Bé, 26 tuổi, cùng quê với nửa kia.

Long Nhật chỉ cao khoảng 1 m, nặng hơn 20 kg. Vợ anh có thân hình bình thường, tuy nhiên lại là đối tượng bảo trợ xã hội do bị thiểu năng trí tuệ.


Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói

Đáng nói, những sự việc như trên không chỉ xảy ra một lần, có trường hợp đã được đính chính, song cuộc sống của nhân vật chính vẫn không thể trở lại bình thường. Thậm chí, một số người còn phải chịu mang tiếng ác suốt khoảng thời gian dài chỉ vì vài dòng thất thiệt.

Thực tế, các thông tin sai lệch có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. Không ít người đang có cuộc sống hạnh phúc, yên ổn, chỉ sau một đêm bỗng hóa thành kẻ ác, bị mọi người nghi ngờ, xa lánh.

Trưa 22/7, nhiều clip kèm hình ảnh ghi lại cảnh người dân ở thôn Thái Phù, (xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) bao vây, hành hung hai phụ nữ lớn tuổi vì cho rằng họ bắt cóc trẻ em.

Dù lực lượng công an địa phương có mặt để can thiệp, xác nhận họ không phải đối tượng bắt cóc trẻ em, đám đông vẫn không chịu buông tha. Hai người này chỉ biết la hét, ôm đầu chịu đòn.

Chú rể bị tung tin sinh năm 2000: Khổ sở vì trò hư cấu trên mạng-3
Hai người phụ nữ nghi bắt cóc trẻ con bị người dân vây bắt và đánh đập. Ảnh chụp màn hình.

Việc bịa đặt thành câu chuyện hoàn toàn sai lệch về ai đó, vu oan cho người vô tội... chỉ để phục vụ mục đích "câu like", nổi tiếng hiện là chiêu trò gây sốc mới, rất độc ác của một số người sử dụng mạng xã hội.

Không chỉ là những bài viết vô thưởng vô phạt, họ còn bịa đặt tình huống khiến dư luận hoang mang, cuộc sống của người trong cuộc bị ảnh hưởng nặng nề.

Chia sẻ với Zing.vn về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh - chuyên viên tâm lý xã hội, Học viện Giáo dục Việt Nam - cho hay một phút "câu like" không đem lại nhiều lợi ích, song chắc chắn sẽ gây ra hậu quả khó lường đối với cuộc sống của người thật, việc thật.

"Một lần nữa, lời nhắc nhở về sự tỉnh táo đối với dân mạng là không thừa, khi mà trình độ 'câu like' giờ đây đạt đến 'cảnh giới' bịa hết chuyện này tới chuyện khác, bất chấp vấn đề đạo đức", bà Hằng nói.

Nữ chuyên gia tâm sự người xưa có câu "Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói", tức là trước khi nói gì phải suy nghĩ thấu đáo, kỹ càng. Những ai sử dụng mạng xã hội nên học sự cẩn trọng ấy của người xưa nếu muốn chia sẻ, bình luận thông tin có thể ảnh hưởng xấu tới người khác.

"Khi chia sẻ điều gì, mọi người cần chắt lọc thông tin và nghĩ xem có tác dụng gì hay không? Chỉ trích vào phần đen tối của người khác cũng không làm chúng ta tốt lên. Thay vì quan tâm đến cái xấu của người khác, hãy quan tâm tới cái xấu của mình, rồi xử lý nó dần dần", bà Hằng bày tỏ.

Luật sư Chu Bảo Khánh (làm việc tại một công ty luật ở Hà Nội) nhận định trong trường hợp của chú rể ở Tiền Giang bị tung tin đồn sai sự thật, rất khó khởi kiện bởi không có thiệt hại cụ thể để chứng minh.

Những thông tin đăng tải trên diễn đàn chưa gọi là tội Vu khống nên không thể xét xử theo luật hình sự hay dân sự. Tuy nhiên, Lê Phát Phú được quyền yêu cầu các trang mạng cải chính.

Chàng trai này có thể yêu cầu tòa án đưa ra phán quyết để xác nhận lại thông tin là không đúng. Nếu gây thiệt hại cho bản thân hay gia đình, ngoài việc đăng tin đính chính, anh có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Đám cưới của đôi trẻ ở Tiền Giang Hồng Mai và Phát Phú tổ chức đám cưới trong sự chúc phúc của hai bên gia đình.

Vị luật sư cho biết thêm nếu hành vi tung tin sai sự thật đủ yếu tố cấu thành tội phạm của tội Vu khống thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 122 Bộ luật Hình sự, với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 7 năm tù.

Theo đó, người nào bịa đặt, lan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm; nếu phạm tội thuộc khoản 2 Điều này thì bị phạt tù từ 1 năm đến 7 năm.

Luật sư Bảo Khánh đưa ra lời khuyên mạng xã hội là ảo, nhưng những hậu quả nó gây ra cho cuộc sống con người là thật. Bởi vậy, trước khi viết điều gì đó lên mạng, hãy cân nhắc thật kỹ lưỡng. Đừng để một phút nông nổi của bản thân làm ảnh hưởng đến cả đời người khác.

Theo Zing