Chùm ảnh gây sốc cho thấy chúng ta đang tự giết mình… mỗi ngày

Với nhiều người, ô nhiễm môi trường vẫn là điều gì đó xa vời, trừu tượng, nhưng thực tế nó đã tiến sát tới, đe dọa mạng sống những người bạn yêu nhất!

Con người coi mình là giống loài đặc biệt, tiến hóa cấp cao và luôn có khao khát tạo nên môi trường sống tốt hơn, điều kiện sống ngày càng tiện nghi và thuận lợi. Nhưng với tư cách là những sinh vật của Trái đất, chúng ta đang phá hoại nhiều hơn là cải thiện. Chúng ta đẩy nhiều giống loài khác đến vực tuyệt chủng, làm ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu, để sự sống chung trên Trái đất gần vào chỗ chết.

Mỗi ngày qua đi, mỗi người đều làm những việc tưởng như bình thường và nhỏ bé, và có lẽ sẽ chẳng nhận ra được hậu quả việc làm của mình, chỉ biết ngồi than thở và trách móc khi nhiệt độ sao cao quá, mưa bão sao dữ dội quá, nước biển dâng sao cao quá…cho đến khi thấy được một số hình ảnh kinh khủng này:

ô nhiễm bắc kinh
Quang cảnh mờ mịt và những chiếc khẩu trang đã trở thành điều quá quen thuộc ở Bắc Kinh. (Ảnh: Internet)

ô nhiễm bắc kinh
Nhiều người dân phải trang bị cho mình những bộ lọc không khí, mua không khí sạch với giá cao để hít thở mỗi ngày. (Ảnh: Internet)

Mức cho phép của chỉ số chất lượng không khí vào khoảng 25 microgram / mét khối nhưng ở Bắc Kinh, Trung Quốc, con số thực tế thậm chí có lúc vượt quá 700-900 microgram / mét khối. Hít thở không khí này độc hại tương đương hút 40 điếu thuốc mỗi ngày. Vì lý do này, Bắc Kinh nổi tiếng là thành phố ô nhiễm.

Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng nên biết trên trang web Aqicn.org chuyên cung cấp chỉ số không khí của các thành phố trên thế giới thì vào đầu tháng 3, mức độ ô nhiễm của Hà Nội cũng đã xấp xỉ với Bắc Kinh - với chỉ số là 388 microgram/mét khối, mức bị đánh giá cực kỳ nguy hại, mọi người không nên ra đường. Và sống trong môi trường ô nhiễm nặng kéo dài, sức khỏe của con người chắc chắn bị suy giảm, mắc phải nhiều bệnh nguy hiểm và lão hóa nhanh.

Dịch xuống phía Nam một chút là đất nước Indonesia với những trận cháy rừng kinh khủng!

ô nhiễm indonesia
Những trận cháy rừng khủng khiếp ở Indonesia thường xuất phát từ việc con người chủ động đốt rừng làm nương rẫy. (Ảnh: Internet)

ô nhiễm indonesia
Đây là một trong những bằng chứng rõ ràng cho thấy chỉ một hành động ích kỷ rất nhỏ thôi có thể gây hậu quả nghiêm trọng thế nào. (Ảnh: Internet)


Chỉ số tiêu chuẩn ô nhiễm (PSI) ở Indonesia cũng nằm ở mức báo động, cao hơn gấp nhiều lần mức độ cho phép, vượt xa các thang đo, khiến hơn 40 triệu người phải hít khói độc mỗi ngày, nửa triệu người bị nhiễm trùng hô hấp, nhiều loài sinh vật khác cũng trực tiếp bị đe dọa, tình hình khói mù, giảm tầm nhìn phải mất nhiều tháng mới có thể khắc phục và trong lúc đó, nhiều trường học phải đóng cửa, nhiều chuyến bay phải hủy bỏ...

Không chỉ vậy, khói bụi từ Indonesia còn khiến các nước xung quanh như Singapore, Malaysia bị ô nhiễm nặng đến mức nguy hiểm, buộc các trường học phải đóng cửa và cơ quan y tế phải cảnh báo người dân nên ở nhà, hoặc cần mặt nạ chống độc khi ra đường. Vụ cháy rừng ở Indonesia vào cuối năm ngoái gây hiện tượng mù khô ở Sài Gòn thậm chí bị gọi là tội ác môi trường lớn nhất thế kỷ 21.

Ở một nơi khác trên thế giới, Brazil phải trải qua thảm họa khai khoáng lớn nhất trong lịch sử!

ô nhiễm brazil
Lượng lớn chất thải độc hại đã bị xả thẳng ra sông, biển lớn. (Ảnh: Internet)

ô nhiễm brazil
(Ảnh: Internet)


Thủy ngân, thạch tín, chì và nhiều kim loại nặng khác đã bị xả thẳng vào sông Rio Doce sau vụ vỡ đập chứa của một công ty khai thác quặng sắt. Hậu quả của tai nạn này là hơn 500km sông lớn bị ô nhiễm nghiêm trọng, hơn 60 triệu mét khối bùn đỏ lẫn chất thải độc hại ảnh hưởng trực tiếp đến 3,2 triệu người cùng các loài động thực vật bên bờ sông trong ít nhất một thế kỷ, với thiệt hại ước tính bằng tỉ USD. Ngoài ra, các chất thải độc hại còn theo dòng sông, đổ ra biển, làm ô nhiễm môi trường biển trong bán kính lên đến 200km.

Vốn là một quốc gia đa dạng sinh học quý giá nhất nhì của thế giới, Brazil đã bị các chuyên gia cảnh báo về sự mất cân bằng sinh thái, đứt gãy chuỗi thức ăn và một số động vật quý hiếm sẽ sớm bị tuyệt chủng.

Chúng ta đang sống chung trên cùng một Trái đất, chia sẻ với nhau nguồn nước và bầu không khí, và tất cả đều liên quan, ảnh hưởng đến nhau. Bạn không làm sai không có nghĩa bạn sẽ thoát được hậu quả tàn khốc! Và một việc tốt dù nhỏ nhoi sẽ không trở nên vô nghĩa nếu diễn ra bền bỉ, kiên trì và có sự hợp sức! Hãy nhớ rằng Việt Nam với địa thế nằm uốn mình ven đại dương sẽ là một trong những nước sẽ phải “tự sát” đầu tiên vì biến đổi khí hậu để hành động ngay!

Theo Tri Thức Trẻ



Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao