Đài tưởng niệm ở New York.
Trong ký ức của gia đình và bạn bè, anh Nguyễn Ngọc Khang là người hiền lành, tốt bụng, tận tâm và “truyền cảm hứng một cách kì lạ đến mỗi cuộc sống anh gặp trong đời”.
Bé An, con trai của anh Nguyễn Ngọc Khang, đứng bên ngoài Lầu Năm Góc năm 2001. Ảnh: Gia đình cung cấp
Anh Nguyen Ngoc Khang (1960-2001) sinh ra và lớn lên cùng bố mẹ và tám anh chị em tại miền Nam Việt Nam. Bố của anh Khang là cựu nhân viên Phòng Thông tin Hoa Kỳ tại Sài Gòn và đến Mỹ năm 1975. Năm 1981, anh Khang được bảo lãnh sang và cả gia đình đoàn tụ trên đất Mỹ.
Ngày định mệnh: vợ chồng cách nhau 6 km
Sau khi tốt nghiệp kỹ sư ngành Kỹ thuật điện tử tại đại học Maryland, anh Khang làm việc cho Cơ quan Hệ thống Thông tin Quốc phòng, rồi làm quản trị hệ thống tại Trung tâm Chỉ huy Hải quân thuộc Lầu Năm Góc.
Tên của bà Phạm Tú Anh được khắc trên công trình Đài tưởng niệm các nạn nhân trong vụ khủng bố 11/9/2001. Ảnh: Nyclips
“Tôi là người có tính cách rụt rè, còn anh Khang luôn vui vẻ, hoạt bát và yêu đời. Ði dự đám cưới là anh lên hát tặng cô dâu, chú rể, có khi còn kéo tôi lên hát cùng. Khi bé An mới được 3 tuổi, anh cũng kéo con trai lên hát. Anh luôn đàn hát khi rảnh, sống rất lạc quan”, chị Hồ Nguyễn Anh Tú, vợ anh, chia sẻ.
Chị Tú đến Mỹ năm 1987 và là bạn của em gái anh Khang. Hai người tổ chức đám cưới vào ngày 4/7/1993. Cả hai vợ chồng đều làm việc cho Lầu Năm Góc. Ngày 11/9/2001 định mệnh, anh Khang làm việc bên trong văn phòng, chị ở bên ngoài, cách đó khoảng 6 km.
Khi đang làm việc, chị nhận được tin vụ khủng bố: Hai chiếc máy bay số hiệu 11 của American Airlines và 175 của United Airlines bị không tặc khống chế, đâm vào tòa tháp đôi thuộc Trung tâm Thương mại Thế giới; một chiếc máy bay khác mang số hiệu 77 của American Airlines đâm vào Lầu Năm Góc. Tất cả cơ quan quốc phòng lập tức cho nhân viên ra về. Chị gọi anh nhiều lần không được.
“Về nhà, tôi tiếp tục gọi điện thoại cho anh mà không được. Tôi vẫn nghĩ anh không sao và có thể chỉ đang bị kẹt xe. Ðến 17h ngày 11/9, thấy TV chiếu chỗ bị sập ở Lầu Năm Góc và nghe thông báo rất nhiều người mất thuộc Bộ Hải Quân, nơi anh Khang làm việc nên tôi nhờ ba chở đi khắp các bệnh viện tìm. Tên anh không có trong danh sách bệnh nhân. Ðêm đó, tôi không ngủ được, chân tay run lẩy bẩy vì lạnh, dù lúc đó mới là đầu tháng 9”, chị kể.
Đêm 11/9/2001, Lầu Năm Góc liên tục gọi điện thoại cho chị, nói rằng hiện vẫn chưa có kết quả. Sáng 12/9, chị đến hiện trường nhưng không vào được vì khói vẫn còn dày đặc.
“Ban đầu tôi vẫn hy vọng anh Khang còn kẹt đâu đó, chờ người ta cứu. Nhưng đến khi chứng kiến hiện trường, tôi biết không còn tia hy vọng nào nữa. Người tôi dường như tê liệt. Tên anh Khang được Lầu Năm Góc đưa vào danh sách mất tích”, chị cho biết.
Ðến 16h ngày 12/9, một phái đoàn 5 người của Lầu Năm Góc gõ cửa nhà chị. “Tôi nhớ có một đại tá, một trung úy, một vị linh mục và hai người nữa. Họ lái chiếc xe của anh về nhà. Bé An lúc đó 4 tuổi, thấy xe ba về rất mừng, nhảy lên, chạy ra xe, dí mặt sát vào cửa kiếng tìm ba. Sau đó, ngày nào cháu cũng ngồi bên cửa sổ chờ ba về.
Sinh nhật của cháu là ngày 9/9, nhưng năm đó không làm đúng ngày vì chúng tôi sắp dọn sang nhà mới, định làm sinh nhật cháu đồng thời mời bà con và bạn bè đến ăn tân gia luôn. Nhưng không ngờ...”, chị nghẹn giọng.
Chờ đợi phép màu
Mấy ngày sau, Lầu Năm Góc mời cha mẹ anh Khang đến lấy mẫu ADN để nhận diện các thi thể, còn chị vẫn chờ kết quả từng ngày. “Mỗi ngày đều có báo cáo đã tìm được thi thể của những ai. Dù biết chắc không thể có phép màu nào nữa, tôi vẫn chờ đợi và hy vọng khi chưa có thông tin chính thức về anh Khang”.
Ðến một ngày cuối tháng 9, hung tin cuối cùng cũng được xác nhận. “Nhân viên của Lầu Năm Góc chính thức gọi điện báo tin anh đã mất nhưng chỉ tìm được một phần thi thể. Họ nói chờ thêm một thời gian nữa mới có thể hoàn tất công việc tìm kiếm. Tuy nhiên, gia đình quyết định làm đám tang cho anh ngày 6/10 và để cốt trong chùa Giác Hoàng ở Washington, DC”, chị Tú kể.
“Một thời gian dài sau vụ khủng bố, tôi vẫn chưa biết phải nói với con trai như thế nào về chuyện bố của cháu sẽ không bao giờ trở về nữa. Cháu được sinh ra trên đất Mỹ, tuy không biết chiến tranh là gì nhưng giờ mới lên 4 tuổi đã mất bố”, chị đau đớn.
Gần ngày Giáng sinh năm 2001, phần thi thể còn lại của anh Khang được thu hồi, chôn cất cùng với 24 quan tài khác dưới chân Ðài Tưởng niệm nạn nhân vụ 11/9 trong Nghĩa trang Quốc gia Arlington, bang Virginia, gần nơi gia đình sinh sống.
Mỗi năm, cứ tới ngày 11/9 và sinh nhật anh 19/12, chị và bé An đều đến nghĩa trang Arlington và đài tưởng niệm bên Lầu Năm Góc cầu nguyện cho anh.
Dù là một người theo đạo Phật, luôn tâm niệm sống với tấm lòng từ bi hỷ xả, chị vẫn cảm thấy rất khó để tha thứ cho những kẻ khủng bố đã gây ra cái chết của chồng cùng gần 3.000 nạn nhân khác.
Ngày 2/5/2011, chỉ một ngày sau khi Tổng thống Barack Obama chính thức lên tiếng xác nhận trên toàn nước Mỹ rằng tên trùm khủng bố Osama bin Laden đã bị tiêu diệt, chị ngay lập tức cùng con trai đến nghĩa trang thắp một nén hương cho chồng. Cuối cùng, sau 10 năm dài đằng đẵng kể từ vụ khủng bố kinh hoàng 11/9/2001, chị đã có thể cảm thấy yên lòng.
Nữ nạn nhân từ Princeton
Bà Phạm Tú Anh (1959-2001), sống tại thành phố Princeton, bang New Jersey, làm việc cho Fred Alger Management, cũng thiệt mạng tại Trung tâm thương mại thế giới khi hai chiếc máy bay đâm vào tòa tháp đôi.
Ông Frank Durham, nhà đầu tư vào một nhà máy làm bia mà bà Tú Anh muốn xây ở Virgin Islands, nhận xét: “Khi gặp Tú Anh lần đầu, chúng ta dễ nhận thấy cô là một con người năng động, luôn tươi vui.”
“Tú Anh là người giàu nguyên tắc từ khi còn nhỏ. Tôi còn nhớ cô không cao lắm nhưng có một cá tính mạnh mẽ, trung thực và thẳng thắn,” một người bạn cũ của bà viết trên trang web tưởng niệm các nạn nhân vào ngày 11/9/2010.
Năm 1975, Phạm Tú Anh đến Mỹ cùng gia đình. Tại đây, cô gái trẻ gặp gỡ Tom Knobel khi cả hai cùng làm việc cho công ty Dow Chemical ở Texas vào đầu những năm 1980. Năm 1994, hai người chuyển về sống ở thành phố Princeton. Ba năm sau, Tú Anh vào làm cho công ty Fred Alger Management trong vai trò chuyên gia phân tích.
Cuộc sống của hai vợ chồng vô cùng hạnh phúc. Niềm vui càng như được nhân lên gấp nhiều lần khi Tú Anh mang thai và sinh con gái sau 10 năm làm đám cưới. Tuy vậy, niềm vui làm mẹ chưa trọn vẹn thì chị Tú Anh bất ngờ ra đi, bỏ lại người chồng và đứa con gái còn đang đỏ hỏn.
11/9/2001 quả là ngày định mệnh oan nghiệt khi đây mới là ngày thứ hai Tú Anh đi làm lại, sau khi nghỉ 6 tháng thai sản. Một năm sau, ông Tom Knobel đưa con gái về sống ở thành phố Homer, New York.
Ông Tom Knobel cùng con gái thắp nến mừng sinh nhật 6 tuổi. Ảnh do gia đình cung cấp.
Ông Tom Knobel tự hào nói về người bạn đời của mình: “Vợ tôi luôn muốn giúp đỡ những người vô gia cư, tị nạn bởi cô hiểu hơn ai hết sự mất mát, phải chống lại số phận nghiệt ngã, bắt đầu lại từ đầu là như thế nào trong tâm thế một người di cư."
"Cô biết cân bằng một cách khéo léo và tế nhị trong trách nhiệm giúp đỡ những gia đình theo cách phù hợp với họ trên một vùng đất mới, trong một truyền thống văn hóa mới”, ông nói về người vợ đã mất.
Theo Zing