Chuyện chưa kể về nghị lực phi thường của cô giáo xinh đẹp mang HIV

Khi đã đi qua những nỗi đau cùng cực nhất của số phận, trái tim cô giáo Lê Thị Hoàn cũng theo đó mà ngày một mạnh mẽ, bình thản hơn trước khó khăn thử thách, sẵn sàng vươn lên để khẳng định vị trí của mình trong xã hội.

Những ai từng theo dõi câu chuyện cảm động về cuộc đời éo le đầy nước mắt của cô giáo Lê Thị Hoàn lây nhiễm HIV từ chồng, đăng tải trong một bài viết gần đây của chúng tôi, hẳn vẫn chưa quên hình ảnh người phụ nữ xinh đẹp nhưng cuộc đời lại nghiệt ngã, truân chuyên. Ba người thân yêu nhất trong gia đình của cô đều đã ra đi vì căn bệnh thế kỷ HIV và chính bản thân cô cũng mang trong mình một bản án tử hình giống như họ. 

Sự sống của cô có thể cũng mong manh, không biết sẽ kéo dài trong bao lâu nhưng không vì thế mà người phụ nữ ấy mất đi niềm tin, tình yêu và hy vọng ở tương lai. Mỗi ngày trôi qua là một ngày cô lặng lẽ, bền bỉ đấu tranh với những khó khăn, gian khổ để vươn lên làm chủ số phận.

“Chưa khi nào tôi hối hận vì đã yêu và quyết định lấy anh ấy làm chồng”

Nhắc lại chuyện quá khứ, cô Hoàn bình tĩnh chiêm nghiệm rằng mối duyên tình nghiệt ngã giữa cô và người chồng đã mất, có lẽ cũng chính là định mệnh của đời cô.

Cô Hoàn kể lại, gia đình cô vốn có người em trai nghiện ma túy, vì thế, khi biết chuyện chồng mình dương tính với cái chết trắng, cô vô cùng cảm thông và kiên trì khuyên chồng đi cai nghiện.


“Ngày ấy khi còn trẻ, tôi cũng được nhiều người theo đuổi nhưng rồi vì rất nhiều lý do, cuối cùng lại chọn yêu và lấy anh ấy làm chồng”, cô Hoàn bình thản nói về mối duyên nghiệt ngã cũng chính là định mệnh của đời cô

Vì trong nhà cũng có người nghiện ma túy nên mình rất hiểu, nhiều khi họ chỉ là nạn nhân của một phút bồng bột, ngây dại chứ không phải do bản chất con người ta xấu xa, hư hỏng. Bản thân chồng mình là một người rất hiền lành và yêu thương vợ con. Vì thế, mình đã từng rất tin tưởng có thể dùng tình yêu để cảm hóa, cứu anh ấy thoát khỏi lưỡi hái tử thần” – cô Hoàn chia sẻ.

Tình yêu và lòng thương cảm sâu sắc giữa những con người đồng cảnh ngộ đã khiến cô Hoàn kiên trì đến cùng với giấc mơ cai nghiện thành công cho chồng. “Khi mình mang thai, anh ấy đã một mình trên gác tự trói chân tay để cai nghiện. Mình đã hy vọng biết bao nhiêu vì đứa con ấy nhưng rồi tất cả mọi cố gắng cuối cùng cũng theo dòng nước trôi đi”.


Giây phút đời thường của cô giáo Hoàn sau những biến cố trong cuộc sống.

Theo lời cô Hoàn, trước đây, dù có em trai mắc nghiện nhưng cô không hình dung nổi ma túy lại có sức ám ảnh kinh hoàng đến như vậy. Cho đến khi cô nghe chồng mình kể về những cảm giác mỗi lần lên cơn thèm thuốc, cô mới dần hiểu rằng nỗi đau mà nàng tiên nâu để lại cho con nghiện thực sự là chuyện ngoài sức tưởng tượng của những người bình thường. 

Cô Hoàn kể, có một lần khi cả nhà đang ngồi ăn cơm, bỗng nhiên chồng cô chạy thật nhanh ra sau vườn, leo lên ngọn cây vải cao tít giữa tiết trời vô cùng nóng nực. Cô Hoàn hoảng sợ vì không biết chồng mình có vấn đề gì.

"Anh ấy nói chỉ vì thoáng thấy bóng bạn nghiện cũ đi qua nên anh ấy phải chạy đi trốn vì chỉ cần gặp lại hắn ta, cơn thèm thuốc sẽ trỗi dậy, dày vò anh ấy trong đau đớn, khổ sở và bức bối vô cùng" – cô Hoàn tâm sự.

Luôn ở bên cạnh chồng những lúc anh gặp khó khăn, vì thế cô Hoàn hiểu rất rõ những nỗi đau mà chồng mình phải chịu đựng. Chưa khi nào cô thấy hối hận vì đã lấy anh làm chồng. Ngay cả khi biết mình vì chồng mà lây nhiễm HIV, tuy đau khổ nhưng cô không hề có nửa lời oán trách.

“Dù quãng đường hai vợ chồng chung đôi rất ngắn ngủi nhưng ngẫm lại, tôi và anh ấy, giống như bao cặp đôi khác, cũng đã cùng nắm tay nhau, đi hết những cung bậc cảm xúc của đời người. Nghĩ thế nên đến khi anh ấy ra đi, tôi thấy mình cũng dễ dàng chấp nhận thực tế hơn”.

Sau khi chồng mất, dù gia đình chồng tha thiết giữ ở lại, cô Hoàn vẫn quyết định dọn ra ở riêng. Hiện cô sống một mình trong khu tập thể giáo viên của nhà trường.

Cô Hoàn hiện đang sống rất vui vẻ với vai trò giảng dạy dưới mái trường THCS Mỏ Trạng (Yên Thế - Bắc Giang).

Nhắc đến chuyện gia đình, cô Hoàn tâm sự: “Bố mẹ chồng tôi vẫn khỏe, thỉnh thoảng giỗ tết hoặc khi có công việc, tôi lại về thăm họ. Còn bố mẹ ruột của tôi vẫn sống ở quê Cao Thượng cùng chị gái tôi. Tôi công tác liên miên ở trường, chỉ đến dịp cuối tuần mới về thăm gia đình được”.

Theo cô Hoàn, mẹ cô là người rất kiên cường, mạnh mẽ. “Có lẽ ở tuổi như bà, việc phải chứng kiến cảnh con cháu ra đi trước là điều rất đau đớn. Mẹ ít khi tâm sự với tôi nhưng bằng cách mà bà giấu nỗi đau vào trong lòng và luôn cố gắng lo toan cho gia đình, tôi tự thấy mình còn phải học hỏi mẹ rất nhiều ở ý chí ngoan cường và khả năng chịu đựng”.

Dù mạnh mẽ, kiên cường nhưng tình yêu thương chồng vẫn trở thành nỗi ám ảnh lớn trong cuộc đời cô giáo Hoàn. “Sau này, khi anh ấy mất đi, cũng có người thật lòng yêu tôi, dù họ lành lặn nhưng vẫn bất tất cả để chấp nhận bệnh tình của tôi. Tôi đã rất cảm động nhưng rồi duyên nợ cũng không đủ để thành đôi, thành cặp” – cô Hoàn chia sẻ.

Theo cô Hoàn, điều khiến cô cảm thấy hối tiếc nhất chính là cái chết của đứa con gái đầu lòng. “Tôi chỉ tiếc có một điều là giá như, tôi biết bệnh tình của mình sớm hơn, tôi sẽ không đời nào để cho con mình phải chịu đựng những hệ lụy từ bố mẹ”.

“Bây giờ tôi chỉ khác mọi người là mỗi ngày phải đều đặn uống thêm một viên thuốc”

May mắn hơn những người khác, cô Hoàn được bạn bè, đồng nghiệp và những người xung quanh hết lòng động viên, tạo điều kiện để cô hòa nhập với cộng đồng. Theo cô, đó cũng chính là nguồn sức mạnh to lớn giúp cô vững vàng và mạnh mẽ hơn trước những nỗi đau nghiệt ngã của định mệnh.

“Lúc biết tôi “có H”, hầu hết các thầy cô, học sinh và phụ huynh đều đồng ý giữ tôi ở lại. Có phụ huynh còn trực tiếp xin ban giám hiệu nhà trường chuyển tôi sang làm chủ nhiệm lớp học của con trai ông ấy. Điều ấy khiến tôi vô cùng xúc động và nó cũng như một phép màu, kéo tôi ra khỏi nỗi đau, ủ dột. Tôi hiểu rằng, tôi còn phải tiếp tục sống vì rất nhiều người khác”.


Cô Hòa và học trò trong những tiết học ở trường.

Hơn 10 năm qua, cô Hoàn luôn lấy công việc giảng dạy để lấp đầy mọi khoảng trống thời gian, khiến cô tạm quên đi những nỗi đau và mất mát trong quá khứ. Bên cạnh đó, tình yêu thương tha thiết của cô dành cho các thế hệ học trò đã giúp cô kiên trì phấn đấu, nâng cao trình độ chuyên môn, trở thành giáo viên giỏi các cấp, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

“Tôi luôn tự nhủ bản thân phải cố gắng gấp 5, gấp 10 so với người bình thường, đơn giản vì tôi không muốn học sinh của mình mặc cảm khi giới thiệu tôi là cô giáo của các em” – cô Hoàn giãi bày. “Tôi cũng thầm cám ơn số phận vì nếu không rơi vào hoàn cảnh như vậy, chưa chắc tôi đã có được động lực và quyết tâm lớn đến thế”.


Vượt lên hoàn cảnh, nhiều năm qua, cô Hoàn liên tục đạt danh hiệu Giáo viên giỏi các cấp, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Vì dành nhiều tâm huyết với nghề phấn trắng bảng đen, cô Hoàn nhận được những tình cảm yêu quý hết mực từ phía học trò và phụ huynh. “Tôi chỉ ấn tượng nhất là có những lần đến thăm nhà các em học sinh ở mãi tận bản xa, phụ huynh còn kỳ công giã bánh dày để tiếp đón cô giáo. Tôi rất cảm động và yêu quý sự hồn hậu, chất phác của người dân vùng cao này”.

Chia sẻ về cảm nhận đối với cô giáo Hoàn, tất cả các em học sinh lớp 12A2, trường THPT Mỏ Trạng (Yên Thế - Bắc Giang) đều cùng chung quan điểm rằng đó chính là người mẹ thứ hai của họ. 

“Con yêu mẹ nhiều lắm, người mẹ thứ hai của chúng con” – Nông Thị Hậu, một nữ sinh lớp 12A2 chia sẻ. Trong khi đó, Vũ Văn Hải, một nam sinh khác cho biết: “Em rất khâm phục cô, một người có thể vượt qua những nỗi đau lớn để tiếp tục sống bình thản, nhân văn với cuộc đời. Cô rất xinh đẹp và giảng văn hay vô cùng (cười)”.



“Con yêu mẹ nhiều lắm, người mẹ thứ hai của chúng con”...

Nói về cuộc sống hiện tại của mình, cô Hoàn tâm sự: “Bây giờ tôi chỉ khác mọi người là mỗi ngày phải đều đặn uống thêm một viên thuốc. Nó là loại thuốc dành cho bệnh nhân HIV và phải được uống đều đặn, đúng giờ. Tôi rất hợp thuốc nên sức khỏe hiện tại tương đối ổn. Có điều loại thuốc này thường đốt cháy mỡ trong cơ thể, nên dù ăn rất nhiều, tôi vẫn không béo lên được (cười)”.

Nhắc đến nguyện vọng trong tương lai, cô Hoàn thành thật nói: “Cuộc sống của tôi giờ rất thanh thản, vì thế ngoài học trò và bố mẹ già, tôi cũng chẳng còn gì lo lắng. Ở vùng núi này, chất lượng đào tạo của các em còn chưa cao nên điều tôi hy vọng nhất là có thể nhìn thấy học sinh của mình ngày một thành đạt nhiều hơn”. 
 

Theo Trí Thức Trẻ


Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao