Hiện nay, dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, nhiều tỉnh thành đã giãn cách xã hội. Chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo: Dịch bệnh có nguy cơ làm gia tăng tỷ lệ người thừa cân béo phì nếu không có chế độ dinh dưỡng hợp lý.

TS.BS. Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, trong mùa dịch này, mỗi người nên tự nâng cao hệ miễn dịch của cơ thể bằng cách duy trì chế độ sinh hoạt khoa học, ăn uống đầy đủ, đa dạng, giữ thể trạng tốt để chống lại virus cũng như các tác nhân gây bệnh bên ngoài.

Chuyên gia gợi ý chế độ dinh dưỡng trong mùa dịch COVID-19-1
Mọi người nên tăng cường rau xanh trong bữa ăn . (Ảnh minh họa).

"Mọi người nên duy trì chế độ ăn lành mạnh, cân bằng giữa các thành phần protein, lipid và gluxid. Gluxid (tinh bột) nên chiếm khoảng 50-60% tổng năng lượng. Nên bổ sung thêm protein từ cá bởi trong cá có omega-3 và các loại chất béo không no", BS Sơn nhấn mạnh.

Cũng theo BS Sơn, Bộ Y tế đã có khuyến khích người dân áp dụng công thức dinh dưỡng 4–5-1 vào bữa ăn hằng ngày bên cạnh việc tăng cường vận động và giữ gìn vệ sinh cá nhân cũng như môi trường sống, để mỗi người sẽ là "một lá chắn thép" vững chắc trong công cuộc chiến đấu với COVID-19.

Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam gợi ý chế độ ăn cân đối 4 yếu tố như sau:

Cân đối giữa 3 nhóm chất sinh năng lượng trong chế độ ăn (Carbohydrate; protein; lipid); Cân đối về protein (giữa đạm động vật và thực vật); Cân đối về lipid (giữa lipid động vật và lipid thực vật); Cân đối về vitamin và khoáng chất.

Cũng theo BS Sơn, mỗi ngày, chúng ta nên ăn ít nhất 5 nhóm trong 8 nhóm thực phẩm bao gồm: Nhóm lương thực: gạo, bột mì; Nhóm hạt các loại; Nhóm sữa và các chế phầm từ sữa; Nhóm thịt các loại, cá và hải sản; Nhóm trứng và các sản phẩm từ trứng; Nhóm củ quả màu vàng, da cam, rau xanh thẫm; Nhóm rau củ quả khác; Nhóm dầu ăn, mỡ các loại.

"Tôi lưu ý dinh dưỡng một ngày phải cân đối, an toàn, tuy là ăn ít nhất 5 trong 8 nhóm thực phẩm nhưng mỗi nhóm không nên ăn quá nhiều. 1 bữa ăn hoặc dinh dưỡng trong một ngày cần sự hài hòa giữa các nhóm chất và thực phẩm", BS Sơn nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo BS Sơn, mọi người nên kết hợp lựa chọn thực phẩm an toàn kể cả tươi sống và thực phẩm công nghiệp: Nên chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; Chọn thực phẩm có công bố chất lượng đầy đủ; Đọc kỹ thông tin về giá trị dinh dưỡng của thực phẩm trên bao bì; Chọn sản phẩm có bao bì rõ thông tin thành phần nguyên liệu và hạn sử dụng; Quy trình sản xuất minh bạch đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm; Không nên tích trữ nhiều để luôn sử dụng được sản phẩm tươi mới.

Chuyên gia cũng đặc biệt lưu ý, để tăng sức cường đề kháng chống lại dịch bệnh diễn biến phức tạp, mọi người phải uống nhiều nước, giữ ấm cơ thể, nghỉ ngơi đầy đủ và đặc biệt cắt giảm thực đơn các món chiên, nướng, tăng cường ăn rau xanh, trái cây. Đặc biệt, vận động thường xuyên tại nhà như: Tập yoga, nhún nhảy theo nhạc, leo cầu thang….

Theo Dân Việt