Thực chất, đây là một nghi thức cầu may mắn, bình an trong lễ hội xuân Ná Nhèm, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn.

Lễ hội Ná Nhèm là nghi thức, nghi lễ thờ cúng Thành hoàng gắn liền với sự tích đánh giặc giữ làng và các hoạt động văn hóa, các trò chơi, trò diễn của người Tày xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn.

Tại lễ hội Ná Nhèm, người dân thực hiện nghi thức rước sinh thực khí nam (tàng thinh) - nữ (mặt nguyệt) độc đáo để cầu may mắn, bình an. Lễ hội Ná Nhèm là một trong nhiều lễ hội phồn thực tại Việt Nam.

Lễ hội phồn thực, thờ sinh thực khí thể hiện tín ngưỡng phồn thực của người Việt xưa. Lễ hội là nơi gửi gắm ước vọng của dân làng về sự sản sinh, sinh sôi, dồi dào. Tín ngưỡng phồn thực xuất hiện nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt các quốc gia có nền kinh tế nông nghiệp.

Chuyên gia nói gì về lễ rước sinh thực khí nam gây xôn xao MXH?-1
Nghi thức rước tàng thing cầu may mắn, bình an trong lễ hội xuân Ná Nhèm, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn. Ảnh: MXH.

Theo tục lệ, mỗi năm tàng thinh và mặt nguyệt của Lễ hội Ná Nhèm sẽ được làm mới. Từ năm 2012–2015, tàng thinh có kích thước to bằng khoảng cái phích. Năm 2016, tàng thinh to bất thường (80 kg), dài khoảng 1 m và sơn màu hồng.

Năm 2017, tàng thinh được làm bằng gỗ nghiến, nặng khoảng 60 kg, dài 1m. Năm 2018, tàng thinh được làm bằng gỗ dổi, đường kính khoảng 22 cm, chiều dài 1m30, trọng lượng trên 50kg.

Năm 2019, tàng thinh dài khoảng 1m30, đường kính khoảng 20 cm và nặng khoảng 30 kg. Năm 2023, tàng thinh được làm bằng gỗ nặng khoảng 60 kg, dài đến 1.3m.

Nhà nghiên cứu văn hóa, TS. Trần Hữu Sơn cho rằng Việt Nam thuộc nền văn minh lúa nước nên nguyện vọng đầu tiên của người dân luôn hướng về việc sinh sôi, nảy nở, được mùa.

“Việc thờ khí thực tồn tại ở nhiều dân tộc. Các lễ hội phồn thực có tính phổ biến ở Việt Nam và cũng phổ biến trên thế giới. Điều đáng nói là thời các cụ chỉ làm khí thực mang tính biểu tượng nhưng hiện nay lại được làm quá rõ ràng, cụ thể", TS Trần Hữu Sơn nói. Ông băn khoăn về hình thức phục dựng này.

Chuyên gia nói gì về lễ rước sinh thực khí nam gây xôn xao MXH?-2
Lễ hội Trò Trám (Phú Thọ) là một trong các lễ hội phồn thực ở Việt Nam.

TS. Trần Hữu Sơn nhận định các lễ hội thể hiện sự đa dạng văn hóa của tất cả cộng đồng dân tộc ở Việt Nam, vì thế cần có sự tìm hiểu kỹ càng, thể hiện tôn trọng những nét văn hoá khác biệt.

“Theo tôi lễ hội của cộng đồng nào thì hãy để cho cộng đồng đó được thụ hưởng. Các dân tộc khác, các cộng đồng dân tộc khác không nên lấy quan điểm của mình để cấm đoán, chê bai, coi như một hành động xấu”, TS. Trần Hữu Sơn nêu.

Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Hữu Sơn cho rằng cần tuyên truyền kỹ càng để tất cả cùng có nhận thức cụ thể mà không phải hiếu kỳ, làm đậm những điều không cần thiết, làm mất đi ý nghĩa của các lễ hội.

Bên cạnh lễ hội Ná Nhèm, ở Việt Nam còn có nhiều lễ hội phồn thực như lễ hội Trò Trám, lễ hội Ông Đùng bà Đà...

Lễ hội Trò Trám hay còn gọi là Linh tinh tình phộc diễn ra vào ngày 11 và 12 tháng Giêng ở xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ được xem là lễ hội mang tín ngưỡng phồn thực cổ xưa của người Việt. Tâm điểm của lễ hội Trò Trám là lễ mật diễn ra đêm 11 rạng ngày 12 tháng Giêng âm lịch.

Sau phần lễ, ánh sáng trong đền đều tắt, chủ tế hô “linh tinh tình phộc”, hai nhân vật chính (là cặp vợ chồng được lựa chọn kỹ càng) với nam cởi trần đóng khố cầm nõ tượng trưng cho sinh thực khí nam, nữ mặc váy, đeo yếm đào cầm nường tượng trưng cho sinh thực khí nữ làm các thao tác tượng trưng.

Ba lần đâm trúng với sự hy vọng mùa màng tươi tốt, bội thu, hai lần là dự báo được mùa, một lần là làm ăn kém… Phần "tháo khoán" xưa kia để trai gái được tự do tìm đến nhau trong đêm này nay không còn nữa, thay vào đó người dân hân hoan theo dõi các trò diễn, thụ lộc.

Lễ hội Ông Đùng bà Đà diễn ra vào ngày 14/4 âm lịch hàng năm tại Đền thờ bà chúa Muối thuộc làng Quang Lang, xã Thụy Vân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Lễ hội là nơi gửi gắm ước vọng của những người dân làng muối về sự sản sinh, sinh sôi, dồi dào.

Theo Tiền Phong