Giai nhân Đỗ Thị Bính (1915 - 1992) là một trong số 19 người con của nhà tư sản Đỗ Lợi – nhà thầu khoán thuộc hàng nhất nhì Hà Nội những năm 1930. Ông còn là thành viên ưu tú được dòng họ Đỗ "Bá Già" (thuộc thôn Tiên Lữ, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) nể phục.

Do nhà có điều kiện nên bà Bính không phải lo lắng chuyện tiền bạc, cuộc sống luôn ngập tràn nhung lụa ngay từ khi còn bé. Tuy nhiên, người con gái xinh đẹp lại phải sớm chịu cảnh chia ly với mối tình đầu đậm chất ngôn tình, rồi kết hôn theo sự sắp đặt của cha mẹ nhưng lại sống hạnh phúc tới cuối đời.

Chuyện kể về người đẹp Tràng An hiếm hoi thoát kiếp hồng nhan bạc phận-1
Vẻ đẹp kiều diễm của mĩ nhân Đỗ Thị Bính trong ngày cưới (Ảnh: gia đình cung cấp)

Bà Bính là một trong số ít giai nhân Hà thành thủa xưa thoát kiếp "hồng nhan bạc phận".

Mối tình đầu "yểu mệnh"

Sinh ra trong một gia đình có điều kiện, từ nhỏ mỹ nhân Hà thành đã được ăn sung mặc sướng. Lớn lên nhờ vẻ đẹp trời cho và gu thời trang tinh tế, cô Bính thường chọn lựa những bộ đồ màu đen nhằm tôn lên vóc dáng mỹ miều và làn da trắng ngần.

Theo lời kể lại bà Bùi Thị Mai, con gái của bà Đỗ Thị Bính: "Mẹ tôi dáng cao, da trắng hồng. Bà thường mặc đồ đen như một sở thích và cũng bởi trang phục màu đen tôn lên làn da trắng của bà, khiến bà vừa bí ẩn vừa cuốn hút. Có lẽ, đó cũng là lý do để người đời gọi bà là 'người đàn bà áo đen".

Dù là tiểu thư khuê các, được cha cưng chiều hết mực nhưng bà Đỗ Thị Bính không hề kiêu căng, khoa trương mà sống rất giản dị, gần gũi với mọi người. Trong nhà, bà cũng giúp đỡ cha mẹ làm việc vặt chứ không chỉ "ngồi chơi xơi nước" như nhiều tiểu thư danh giá.

Người đẹp Tràng An còn có sở thích đọc tiểu thuyết, đặc biệt là tiểu thuyết Pháp. "Đến tận khi mẹ tôi đã ngoài 70, sở thích đọc tiểu thuyết của bà vẫn không thay đổi. Bà thường ra hiệu sách mượn về đọc đến quên ăn quên ngủ", bà Mai kể về mẹ.

Chuyện kể về người đẹp Tràng An hiếm hoi thoát kiếp hồng nhan bạc phận-2
Đỗ Thị Bính (áo đen, đang ngồi) chụp cùng chị họ và bạn. Bà là người rất hòa đồng, giản dị và gần gũi. (Ảnh: gia đình cung cấp)

Thời bấy giờ, nhan sắc cô Bính thu hút được bao ánh nhìn của các công tử nhưng không ai lọt nổi vào mắt xanh của người đẹp, duy chỉ có một thi nhân là nhà thơ đa tài Nguyễn Nhược Pháp. Thế nhưng, mối tình đầu câm nín của họ lại không có kết thúc tốt đẹp.

Giai thoại kể lại rằng ông Nguyễn Nhược Pháp khi đó công tác ở một tòa soạn báo gần nhà cô Bính, luôn mượn cớ đi qua ngôi nhà 30 phố Hàng Đẫy chỉ để ngắm nhìn người đẹp. Những khi cô Bính chưa xuất hiện, ông phải đợi cho đến lúc nhìn thấy mỹ nhân mới chịu rời đi.

Trong nhiều tác phẩm của ông Pháp còn vương vấn bóng hình của giai nhân Tràng An, ví như một số câu thơ trích từ tác phẩm Sơn Tinh – Thủy Tinh của Nguyễn Nhược Pháp như sau:

"Tóc xanh viền má hây hây đỏ,
Miệng nàng bé thắm như san hô,
Tay ngà trắng nõn, hai chân nhỏ:
Mê nàng, bao nhiêu người làm thơ".

Tương truyền, cô Bính và ông Pháp còn trao đổi thư tay cho nhau, tuy nhiên hai người chỉ có duyên nhưng không có phận bởi nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp lại sớm qua đời khi mới ở tuổi 24 vì bệnh lao phổi.

Nên duyên với chàng kỹ sư phong lưu

Một năm sau sự ra đi của mối tình đầu, cha mẹ đã khuyên bảo cô Bính kết hôn với Bùi Tường Viên (1909 - 1986), một kỹ sư mới du học ở Pháp về và cũng là em trai út của luật sư nổi tiếng Bùi Tường Chiểu bấy giờ. Sau này, ông Bùi Tường Viên là Hiệu trưởng trường Mỹ nghệ Đông Dương, tiền thân của Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội ngày nay.

Chôn giấu tình yêu với người trong mộng quá cố, mỹ nhân Hà thành lên xe hoa với chàng kỹ sư năm 1939. Những tưởng hôn nhân ấy sẽ không hạnh phúc khi cô Bính luôn nhớ thương người cũ, nhưng tình cảm của Bùi Tường Viên đã khiến cô Bính xiêu lòng.

Bà Mai kể lại câu chuyện tình của bố mẹ: "Theo những gì tôi được mẹ kể, ngày mẹ lên xe hoa, mẹ cũng chưa có tình cảm với bố tôi. Trước đó họ cũng chưa từng gặp mặt lần nào. Khi về ở cùng, bà mới bắt đầu dành nhiều tình cảm cho chồng. Bởi lẽ, tính cách và con người của bố tôi đã khiến trái tim bà rung động".

Chuyện kể về người đẹp Tràng An hiếm hoi thoát kiếp hồng nhan bạc phận-3
 Mỹ nhân Đỗ Thị Bính bên cạnh chồng là kỹ sư Bùi Tường Viên.

Không giống như nhiều cuộc hôn nhân khác cũng như phụ nữ Việt Nam yên phận với việc phục tùng và chăm sóc chồng theo khía cạnh trách nhiệm, cuộc sống vợ chồng của cô Bính và ông Viên hạnh phúc nhờ sự san sẻ, giúp đỡ, cảm thông cho nhau. Hơn nữa, ông Viên là người từng đi du học Pháp nên ảnh hưởng chút tư tưởng phương Tây.

Cũng theo lời kể của bà Mai, ông Viên rất tôn trọng, nhường nhịn và chưa bao giờ to tiếng với vợ. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra, cả gia đình họ Đỗ và Bùi đều tham gia Cách mạng. Hòa bình lập lại, gia đình cô Bính trở về Thủ đô, sống cuộc đời giản dị nhưng hạnh phúc.

Năm 1976, ông Bùi Tường Viên mắc bệnh ung thư. Bà Bính luôn bên chồng chăm sóc ông mỗi ngày, thậm chí còn nhờ người quen tìm mua nhiều loại thuốc quý ở các nơi để tẩm bổ cho chồng. 10 năm sau đó, ông Viên qua đời.

Kể từ khi chồng mất, bà Bính ít khi nhắc tới chồng trừ ngày giỗ. Năm 1992, giai nhân đất Tràng An Đỗ Thị Bính qua đời, hưởng thọ 77 tuổi.
 

Cloudy
Theo Vietnamnet