Năm 2017, nền chính trị thế giới chứng kiến ít nhiều sự lên ngôi của những lãnh đạo trẻ - người được số đông dân chúng gửi gắm niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn cho nước nhà.
1. Thủ tướng Áo tương lai, Sebastian Kurz
Đang trong lộ trình chính thức trở thành Thủ tướng Áo sau khi giành thắng lợi với hơn 31% phiếu bầu trong cuộc tổng tuyển cử ngày 15/10, ngoại trưởng Sebastian Kurz của đảng Nhân dân (OVP) sẽ trở thành nhà lãnh đạo trẻ tuổi nhất thế giới ở tuổi 31, soán ngôi Tổng thống Emmanuel Macron, 39 tuổi - người đứng đầu nước Pháp mới đắc cử tháng 5 vừa qua.
Được ví như "làn gió mới" hứa hẹn mang lại sự đổi thay cho quốc gia Trung Âu này, Sebastian Kurz phát biểu với công chúng: "Đã đến lúc đất nước này phải thay đổi. Ngày hôm nay đó là mệnh lệnh mạnh mẽ cho chúng ta – hãy thay đổi đất nước này. Và tôi cảm ơn tất cả các bạn vì đã giúp cho điều ấy trở thành hiện thực. Tôi thật sự xúc động, hạnh phúc và mong chờ được cống hiến cho nước Áo".
Trên trang Twitter, ông chia sẻ cảm xúc sau khi giành ưu thế trong cuộc tổng tuyển cử: "Một trách nhiệm vĩ đại đã được đặt lên OVP". Nhà lãnh đạo tương lai của nước Áo cũng khiêm tốn nói rằng đây "không phải là một thắng lợi trước người khác mà là một cơ hội để thay đổi".
Chính trị gia trẻ tuổi Sebastian Kurz xuất hiện cùng bạn gái sau khi giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử
Sebastian Kurz sinh ngày 27/8/1986 tại quận Meidlin, Vienna - thủ đô của Áo, có mẹ là giáo viên còn cha là kỹ sư. Năm 2011, ông quyết định chuyển hướng mục tiêu sự nghiệp, bỏ dở ngành luật ở Đại học Vienna để theo đuổi sự nghiệp chính trị. Sebastian Kurz từng chia sẻ rằng mối quan tâm lớn nhất của ông là vấn đề hội nhập xã hội của người nhập cư.
Năm 2013, khi mới 27 tuổi, Sebastian Kurz đã giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Áo và trở thành Ngoại trưởng trẻ tuổi nhất trong lịch sử nước Áo cũng như Liên minh châu Âu. Tháng 5/2017, ông trở thành người lãnh đạo đảng Nhân dân Áo.
Và giữa tháng 10 qua, Sebastian Kurz đã "đặt một chân" trong vị thế trở thành Thủ tướng Áo. Chỉ mới ở độ tuổi 30 thôi, nhưng chính trị gia trẻ tuổi này đã nhận được không ít lời khen từ truyền thông quốc tế.
Báo Frankfurter Allgemeine Zeitung (FAZ) của Đức từng có bài đánh giá về Sebastian Kurz trong chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông tới Berlin. Ông được nhận định là người "rất hùng biện", "súc tích" và "không ngần ngại đối đáp".
Còn năm 2014, tờ Thông tấn xã của Đức cho rằng Sebastian Kurz là một trong "bảy người chiến thắng trên sân khấu chính trị thế giới 2014".
Tuần báo Đức Focus nhận xét rằng ông Kurz đã làm cho Bộ Ngoại giao Áo tự tin và năng động hơn.
Trong khi đó, tờ Times liệt kê ông vào một trong 10 "nhà lãnh đạo thế hệ tiếp theo".
Giờ đây, toàn thể nhân dân nước Áo cũng như những người ủng hộ nhà lãnh đạo trẻ tuổi này hy vọng vào những bước đột phá tích cực mà Sebastian Kurz sẽ mang lại cho nước nhà, như tờ báo Anh The Guardian nhận định người dân Áo đang chơi một "canh bạc chính trị" mạo hiểm nhất trong lịch sử quốc gia này.
2. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron
Trước khi Thủ tướng tương lai của Áo - Sebastian Kurz gây bão truyền thông, Emmanuel Macron được biết tới như nhà lãnh đạo trẻ tuổi nhất nước Pháp và thế giới. Tháng 5/2017, ông đắc cử Tổng thống Pháp, trở thành ông chủ trẻ tuổi nhất trong lịch sử điện Elysée ở tuổi 39 và là lãnh đạo ít tuổi nhất kể từ thời Napoleon.
Emmanuel Macron sinh ngày 21/12/1977 tại Amiens, miền bắc nước Pháp trong một gia đình có cả cha và mẹ đều là bác sĩ. Trong khi hai em đều theo nghiệp của cha mẹ thì ông Macron lại đi theo con đường chính trị. Sau khi tốt nghiệp Đại học năm 2004, ông từng làm một thanh tra tài chính và chuyên viên ngân hàng cho tới năm 2006.
Trong 3 năm sau đó, ông là một thành viên của Đảng Xã hội Pháp. Tới năm 2012, ông được bổ nhiệm làm Phó tổng thư ký thuộc chính phủ đầu tiên của cựu Tổng thống Pháp François Hollande. Con đường chính trị của ông khởi đầu từ đây.
Năm 2014, Emmanuel Macron giữ chức Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Kỹ thuật số do chính Thủ tướng Pháp Manuel Valls đề bạt. Năm 2016, ông thành lập đảng chính trị của riêng mình mang tên En Marche (tạm dịch là Tiến bước) rồi từ chức Phó tổng thư ký cũng như rút khỏi đảng Xã hội của Tổng thống Hollande; và tuyên bố tranh cử Tổng thống Pháp nhiệm kỳ tiếp theo.
Khi đó, François Hollande đã nói: "Cậu ấy đã phản bội tôi một cách có phương pháp".
Trong suốt chiến dịch tranh cử Tổng thống Pháp, ông Macron thường miêu tả bản thân là một ứng viên không thuộc cánh hữu, cũng không thuộc cánh tả, chỉ là một người "vì nước Pháp".
Ông Emmanuel Macron xuất hiện cùng vợ sau khi đắc cử Tổng thống
Ngày 7/5/2017, Emmanuel Macron chính thức giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp với tỉ lệ phiếu ủng hộ lên tới 66,1%. Tân ông chủ điện Elysée được ví như "Napoleon thứ 2" của Pháp nhậm chức ngày 14/5/2017. Trong chiến dịch tranh cử, ông Macron cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều chính trị gia quốc tế như cựu tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Ông còn chiếm được cảm tình của dư luận thế giới bởi câu chuyện tình thầy - trò với cô giáo thời trung học Brigitte Trogneux, hơn ông 24 tuổi, nay đã là người vợ hợp pháp. Bà Macron cũng thường xuất hiện bên cạnh chồng trong suốt chiến dịch tranh cử.
"Một chương mới trong lịch sử lâu đời của chúng ta bắt đầu từ đêm nay. Tôi muốn nó trở thành một hy vọng và niềm tin mới", Emmanuel Macron phát biểu với báo giới trên cương vị Tổng thống sau khi giành chiến thắng.
Mặc dù chiếm được phần lớn sự ủng hộ nhưng nhiều người vẫn lo ngại cho vị Tổng thống thứ 25 trẻ tuổi này sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn còn tồn đọng qua nhiều đời chính quyền, tiêu biểu là nhiệm vụ đoàn kết nước Pháp và chống lại khủng bố, trong khi ông lại là người chưa có nhiều kinh nghiệm chính trị.
3. Thủ tướng Canada Justin Trudeau
Năm 2015, Justin Trudeau trở thành Thủ tướng thứ 23 của Canada và là người thứ 2 trong lịch sử Canada được sinh ra trong một gia đình đương kim thủ tướng.
Justin Trudeau sinh ngày 25/12/1971, có cha là cố Thủ tướng Pierre Trudeau. Năm ông lên 6 tuổi, cha mẹ ly dị và Trudeau được cha nuôi nấng ở Montreal. Cố Thủ tướng Canada Pierre Trudeau cũng thôi chức từ năm 1984.
Năm 2000, cha ông qua đời. Tại lễ tang của cha, Justin Trudeau được mọi người chú ý sau khi đọc bài điếu văn cho cha. Sau khi đài CBC cho phát bài điếu văn này, họ đã nhận được nhiều cuộc gọi đến đề nghị phát lại bài điếu văn ấy.
Trước khi bắt đầu sự nghiệp chính trị, Justin Trudeau từng trải qua nhiều lĩnh vực như giáo viên, kỹ sư. Ngày 19/10/2015, ông giành chiến thắng đa số tại Hạ nghị viện trong cuộc bầu cử toàn quốc. Tháng 11/2015, ông trở thành Thủ tướng Canada ở tuổi 44, cũng là nhà lãnh đạo trẻ tuổi thứ 2 trong lịch sử nước này.
Sau khi giữ vai trò lãnh đạo, Justin Trudeau còn nổi lên như một hiện tượng bởi vẻ đẹp ngoại hình. Ông được nhắc tới với nhiều biệt danh như "Nhà lãnh đạo sành điệu nhất thế giới" hay "Thủ tướng đẹp trai".
Vài tháng sau khi ông nhậm chức, những bức ảnh thủa xưa của Justin Trudeau được chia sẻ rầm rộ trên các diễn đàn mạng xã hội. Cộng đồng mạng không ngớt lời khen dành cho vị chính khách điển trai, lịch lãm này; thậm chí dân mạng còn coi ông là một tiêu chuẩn ngoại hình với những chính trị gia ở khắp nơi.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau được coi là hình mẫu tiêu chuẩn về ngoại hình của giới chính trị
Sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đắc cử hồi tháng 5 vừa qua, cộng đồng Twitter còn thiết lập hẳn một cuộc bình chọn để so sánh diện mạo của 2 lãnh đạo trẻ khối G7: ông Trudeau (46 tuổi) và ông Macron (39 tuổi). Cuộc thi nhan sắc này đã nhận được vô số vote của dân mạng.
Được biết tới là Thủ tướng có phong cách lãnh đạo tích cực, ông Trudeau từng gây bão dư luận với câu nói trong bài phát biểu giành chiến thắng: "Cứ nhẹ nhàng, bạn ơi, cứ nhẹ nhàng, đó là những gì chính trị gia tích cực có thể làm". Ngay từ khi tranh cử, chiến dịch của Justin Trudeau đã được mô tả là mang tính kỷ luật và tích cực.
"Chúng tôi đánh bại nỗi sợ hãi bằng hy vọng. Chúng tôi đánh bại hoài nghi bằng cách làm việc hết mình. Chúng tôi đánh bại các suy nghĩ tiêu cực, sự chia rẽ bằng một tầm nhìn tích cực mang Canada lại với nhau", Thủ tướng Canada tuyên bố.
Trong một lần trả lời phỏng vấn với tạp chí Financial Times, chính khách trẻ tuổi này nói: "Tôi biết mình là một người trẻ hơn nhiều so với các nhà lãnh đạo khác, nhưng dù sao tôi đã lấy đó làm lợi thế. Phương pháp tiếp cận của tôi là tập hợp những người tài giỏi quanh mình".
Trên cương vị Thủ tướng, ông Trudeau cũng nói thêm về phong cách của mình là "cách tiếp cận mới mẻ", "tôn trọng và hợp tác".
Tuy nhiên đường lối nhẹ nhàng, tích cực của ông Trudeau khiến không ít người lo lắng khi trên cương vị lãnh đạo Canada, Thủ tướng trẻ này sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách; đặc biệt là mối quan hệ với Mỹ dưới thời Tổng thống Trump. Trong khi nhiều nguyên thủ phản đối chính sách nhập cư của ông Trump thì ông Trudeau đã tránh chỉ trích trực tiếp.
Vào chuyến công du Mỹ ngày 11/10 vừa qua, người đứng đầu Nhà Trắng đã giành cho Thủ tướng Canada Justin Trudeau "lời có cánh". Theo lời ông Trump, Justin Trudeau là "một Thủ tướng tuyệt vời".
Cũng trong cuộc gặp gỡ với ông chủ Nhà Trắng, ông Trudeau và ông Trump đã thảo luận về nhiều vấn đề chung giữa 2 quốc gia. Sau lần gặp gỡ, ông Trump đã nhấn mạnh về mối quan hệ thân thiết giữa 2 người, và hy vọng vào một mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa 2 quốc gia.
Theo một số chuyên số, việc xử lý mối quan hệ "khó nhằn" với ông Donald Trump đòi hỏi người lãnh đạo trẻ của Canada phải cực kỳ khéo léo.
Mộc
Theo Vietnamnet