Chuyện khó tin về ngôi nhà trên nóc... toa-lét ở phố cổ Hà Nội

Ở phố cổ Hà Nội, có những ngôi nhà chỉ mấy mét vuông, thậm chí tọa lạc ngay trên... toa-lét và chỉ những người sống trong đó mới thấu hiểu sự khốn khổ.

Hai vợ chồng sống trên nóc… toa-lét

Trái ngược hoàn toàn với không khí nhộn nhịp, người mua kẻ bán bên ngoài các tuyến phố, ngõ rẽ vào nhà ông Nguyễn Phùng Hải và vợ là bà Nguyễn Thị Xâm ở 107 Hàng Bạc tĩnh lặng lạ thường. Bước chân vào ngôi nhà cổ này, mọi náo nhiệt của phố xá sầm uất dường như biến mất, thay vào đó là một không gian hoàn toàn khác biệt, ít ai tưởng tượng được.

Từ gần 30 năm nay, vợ chồng ông phải sống trên… nóc một cái toa-lét công cộng (sở hữu chung của 6 gia đình trong một ngôi nhà cổ). Gọi là “nhà” cho sang chứ nó chẳng khác gì một cái kho chứa đồ. Gian nhà tối om, ẩm thấp, gạch xây đã cũ mèm, những vệt sơn tường loang lổ, rộng chừng 10m2 nhưng từ cửa cho đến bên trong, đâu đâu cũng chất đầy các đồ đạc từ nồi xoong, bát đĩa cho đến quần áo, quạt điện…

Bốn phía của ngôi nhà được quây bằng tôn mỏng nên mùa hè bước vào nhà chẳng khác gì bước vào một cái nồi hơi. Còn những đêm mưa lớn, nằm trong nhà cứ như trong một cái trống. Tiếng mưa nện thẳng vào màng nhĩ. Hôm nào mưa bão thì tưởng đất đang nứt vỡ. Ấy thế mà bà Xâm vẫn cười đùa rằng “Tôi còn may mắn hơn mấy hộ dưới tầng 1, có mưa là ngập cả nhà”.

 

Chuyện khó tin về ngôi nhà trên nóc... toa-lét ở phố cổ Hà Nội-1
Nhà bà Nguyễn Thị Xâm trong ngõ 107 Hàng Bạc giống như một cái kho chứa đồ.

Vốn nằm trên một cái toa-lét công cộng nên ngôi nhà của bà Xâm cũng hứng đủ thứ mùi. Nắng ráo còn đỡ, những hôm mưa rào, ẩm thấp, ngồi trong nhà mà chẳng khác gì như ngồi cạnh... sông Tô Lịch.

Bà Xâm quê ở Hà Đông, lấy chồng ra Hà Nội. “Ngày ấy, lấy chồng Hà Nội ai cũng nghĩ là sướng, vớ được cục vàng. Nhưng vàng thì chẳng thấy đâu mà chỉ thấy vàng mắt. Ở quê tôi có khi còn sướng hơn nhiều, thoáng đãng chứ không chật chội chen chúc như thế này”, bà Xâm tâm sự.

Đôi khi cuộc sống quá bí bách, chật chội, bà cũng nghĩ về một ngôi nhà rộng rãi, thoải mái hơn. Nhưng công việc bán rau được ba cọc ba đồng, chồng đi xe ôm cũng chỉ đủ ăn nên ước mơ của bà cũng mãi chỉ là ước mơ. Thời gian gần đây, tuổi cao, sức yếu, chân thường xuyên bị đau nên mọi chi tiêu trong nhà phải nhờ vào anh con trai làm về máy tính và cô con gái làm nhân viên pha chế cà phê lo giúp.

Ngồi bên vợ tiếp chuyện với chúng tôi, ông Hải (chồng bà Xâm) thường phải lấy tay bưng miệng ngáp ngủ với khuôn mặt bơ phờ. Tuổi cao sức thích nghi có hạn, những đêm oi nồng ông không thể nào ngủ nổi. Sống trong ngôi nhà đó, nhưng có lẽ thời gian bà Xâm ở ngoài đường còn nhiều hơn. Ngày nào bà cũng phải mang ghế ra đầu ngõ để ngồi tránh nóng, tránh ẩm, tránh cả mùi hôi thối. Bà bảo: “Ở trong nhà bí bách lắm, ra ngoài này ngồi cho thoáng, chỉ khi nào đến giờ ăn, giờ ngủ tôi mới về”.

Chết không đi lọt quan tài, ăn phải bê ra ngõ

Ngôi nhà của ông Trần Văn Lợi (85 tuổi) trên phố Hàng Gà, Hoàn Kiếm, cũng chẳng khá hơn. Đến nhà ông phải đi qua con ngõ nhỏ sâu hun hút, ban ngày nhưng ánh nắng không thể chiếu được đến nơi này.

Ngôi nhà vỏn vẹn có 6m2 nhưng từng là nơi cư trú của 8 người, gồm 2 ông bà và 6 người con. Hàng xóm chung quanh thương cảnh đông người nên nhường một góc nhà kho cho gia đình ông bà xây cất để lấy chỗ ngủ cho các con. Hiện tại, không gian đó là nơi sinh sống của gia đình anh con trai cả.

 

Chuyện khó tin về ngôi nhà trên nóc... toa-lét ở phố cổ Hà Nội-2
Cuộc sống cơ cực của vợ chồng ông Trần Văn Lợi tại căn nhà 6m2 ở phố Hàng Gà. ảnh: T.G

“Đất chật người đông, tối đến cả nhà nằm ngủ la liệt. Để nhường chỗ cho các con, tối đến tôi trải chiếu ngủ gần góc cửa còn vợ và các con ngủ sát tường. Nửa đêm ai muốn đi vệ sinh phải nhìn kỹ nếu không sẽ giẫm phải tôi. Còn tới bữa ăn gia đình phải chia làm hai ca hoặc bê bát ra ngoài ngõ để ăn”, ông Lợi cho biết.

Cách đây không lâu, trong ngõ một hộ có người chết, lối đi quá nhỏ nên không thể khiêng quan tài ra nhà tang lễ Phùng Hưng. Cuối cùng cả nhà đó phải phá cầu thang. Ở cái tuổi gần đất xa trời nên ông Lợi cũng lo. Ông bảo: “Chắc đến khi mình chết cũng chẳng dám chết ở nhà, mất công con cháu lại phá nhà”.

Sống trong cái nhà kho kế bên, gia đình anh Trần Văn Hải (con trai cả của ông Lợi) cũng gặp phải muôn vàn khó khăn. Căn nhà cũng chỉ vỏn vọẹ có 4m2 nhưng có tới 4 người sinh sống. Căn phòng chỉ để vừa một chiếc tủ quần áo nhỏ, 1 chiếc tủ lạnh mini treo trên tường và 1 chiếc tivi. Để có thêm chỗ ngủ, anh cơi nới thêm gác xép ở phía bên trên. Căn nhà vốn đã thấp lại có thêm căn gác xép phía trên nên càng thêm phần bí bách.

Anh Hải nhớ lại ngày mới cưới, nhà chật không có không gian riêng, đành kéo chiếc rèm vải để ngăn cách với mọi người. Nhiều khi vợ chồng trẻ cũng phải “nằm không” vì cựa mình là người khác mất ngủ. Khi vợ ở cữ, người thân, hàng xóm đến thăm cũng không có chỗ ngồi. Gác xép cơi nới không thể bế con nhỏ lên vì cầu thang dốc đứng… Đó là thực tế căn nhà anh Hải.

Vợ chồng ông Lợi cũng từng nghĩ đến chuyện dọn đến chỗ ở mới rộng hơn nhưng điều kiện kinh tế không cho phép. Hai con gái của ông Lợi hiện đang học đại học. Vốn là người cáng đáng kinh tế gia đình nhưng cách đây 5 năm ông bị tai biến, sức khỏe giảm sút. Hiện tại, mọi việc lớn nhỏ đều do một tay vợ lo nên mơ ước nhà mới càng quá xa vời với ông Hải.

Những người dân sống trong số nhà 34 ngõ Phất Lộc cũng phải chịu nhiều cảnh nghiệt ngã khác. Khu nhà nhỏ, nhưng có đến cả chục hộ gia đình sinh sống, mỗi ngôi nhà cũng chỉ rộng chừng 5 – 10m2 nhưng nhồi nhét cả gia đình 4-6 người. Cũng vì thế các hộ dân ở đây đều không được cấp sổ đỏ do diện tích quá hẹp.

Cụ Trần Kim Thịnh 78 tuổi ,nhà số 8 ngõ Phất Lộc chia sẻ: “Con phố này vô cùng chật hẹp, đối với người già như chúng tôi thì như thế này là đủ sống rồi, nhưng đối với người trẻ thì vô cùng bức bối. Ở phố cổ này rất hiếm nhà rộng, có nhà nào rộng thì là cái gốc xa xưa của họ rộng rãi có điều kiện buôn bán rồi cho con cái đi những chỗ khác thoải mái hơn, chứ nhà nào nghèo thì chịu cảnh chật chội suốt đời”.

Cuộc sống chật hẹp, khó khăn là vậy nhưng mỗi khi nhắc đến chuyện di dời thì những người dân phố cổ lại như “đỉa phải vôi”. Bởi lẽ, đối với họ: Ở khu phố này dẫu chật hẹp nhưng lại dễ làm ăn, cuộc sống cũng đông vui, nhộn nhịp hơn. Giờ có chuyển ra ngoài thì họ cũng chẳng biết phải làm gì để sống.

Theo Gia Đình & Xã Hội


câu chuyện cuộc sống phố cổ Hà Nội

Tin tức mới nhất