Việc ca sĩ Việt đổ tiền, đổ của sản xuất MV đã góp phần làm nên diện mạo sôi động của thị trường nhạc Việt suốt thời gian qua. Một cuộc chiến về lượt xem, hiệu ứng, top thịnh hành cũng được cho là đã hình thành và không kém phần “khốc liệt”.

MV hiện trở thành mặt trận chủ lực của giới ca sĩ. Nhiều giải thưởng âm nhạc những năm gần đây cũng đã mở thêm hạng mục để tôn vinh loại hình MV thay vì chỉ giới hạn ở ca khúc, album hoặc live show như trước.

MV, giờ đã không còn đơn thuần chỉ là một xu thế, mà còn là kênh quan trọng để các giọng ca dù đã có tên tuổi hay còn mới mẻ, tiếp cận khán giả.

Nhưng có một thực tế là trong trận chiến MV, không ít sản phẩm bị chê về âm nhạc, giọng hát của ca sĩ không thuyết phục song vẫn đạt lượt xem lớn, thậm chí gây bão mạng nhờ những hấp dẫn về mặt hình ảnh hoặc câu chuyện drama, kịch tính.

Cùng đi tìm chính những đạo diễn đứng sau thành công về mặt hình ảnh của các MV để trả lời cho câu hỏi: Trong MV hiện nay, âm nhạc hay hình ảnh mới quan trọng?

Chuyện ngược đời ở nhạc Việt-1

“Còn gọi là MV thì giá trị vẫn là âm nhạc”

“Với tôi, còn gọi là MV thì giá trị vẫn là âm nhạc. Một MV làm ra để cho người ta cảm thấy bài nhạc thú vị. Tôi nghĩ vậy. Drama, kịch tính cũng tốt nhưng phù hợp ở bên phim hơn”, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng trả lời cho thắc mắc của phóng viên.

Mới đây, Nguyễn Quang Dũng trở lại với MV Là một thằng con trai, bắt tay với Jack trong vai trò giám đốc sáng tạo. Nam đạo diễn giữ quan điểm trong một MV, cốt lỗi vẫn là âm nhạc.

“Trước tôi làm MV cho Hồ Ngọc Hà, tôi cũng không thích làm câu chuyện nhiều. Tôi thường muốn làm những MV kiểu 'beauty' (đẹp)”, anh nói thêm.

Đạo diễn của Mỹ nhân kế cũng cho rằng một MV hay, quan trọng là để người ta nhớ đến ca sĩ và giọng hát của ca sĩ. Cú bắt tay với Jack, anh cũng giữ cách làm này.

“Ở 'Là một thằng con trai', chúng tôi ngồi tính với nhau rất nhiều và cũng có nhiều kịch bản. Sau đó, mới chọn ra các ý tưởng và cách làm. Cuối cùng, chúng tôi chọn làm một MV không nặng về câu chuyện vì nếu làm như vậy, khán giả chỉ coi MV mà không quan tâm đến bài hát. Chúng tôi muốn tập trung vào Jack và âm nhạc của bạn ấy", anh tiếp lời.

Chuyện ngược đời ở nhạc Việt-2

“Bài hát hay quá, MV còn phải làm đơn giản lại”

Chung quan điểm với đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, Vũ Hồng Thắng của những MV như Rời bỏ, Hết thương cạn nhớ khẳng định trong một MVâm nhạc vẫn đóng vai trò quan trọng nhất và là giá trị nên được yêu tiên.

“Tôi không nghĩ cốt truyện đóng vai trò quan trọng nhất. Đối với tôi, vẫn phải là âm nhạc. MV là để tôn vinh bài hát. Đôi khi bài hát quá hay, MV còn phải làm đơn giản lại. Do vậy, âm nhạc vẫn là quan trọng”, anh nói.

Ngoài việc tôn vinh bài hát, Vũ Hồng Thắng cũng cho rằng khi thực hiện một MV, anh cũng luôn đặt vấn đề về sự hòa hợp giữa âm nhạc và hình ảnh. Nghĩa là hình ảnh không chỉ phục vụ cho âm nhạc mà còn phải ăn ý và không “lạc tông” với nội dung ca khúc.

Thị trường nhạc Việt thời gian qua có nhiều MV làm được điều này. Hết thương cạn nhớ của Vũ Hồng Thắng cũng có thể được coi là ví dụ về hòa quyện giữa âm nhạc và hình ảnh, tạo nên một MV lan tỏa.

Trường hợp mới đây là MV Ngày tận thế của Tóc Tiên, do Ứng Duy Kiên đạo diễn cũng là dẫn chứng.

Bản thân Ngày tận thế đã là một ca khúc tốt với bàn tay làm nhạc của Hoàng Touliver. Phần hình ảnh của MV phục vụ hiệu quả cho ca khúc, giúp MV nhận được nhiều phản hồi tích cực.

Sự hòa hợp của ca khúc và hình ảnh đã góp phần tạo ra thông điệp về tận thế hay hành xử của mỗi con người, MV cũng nói về một tình yêu đẹp giữa cô gái và chàng trai ngoài hành tinh. Mọi thứ xung quanh có thể đang thay đổi nhưng tình yêu của họ vẫn tồn tại, lên sắc lên hương.

Chuyện ngược đời ở nhạc Việt-3

Cuộc chơi có thay đổi, âm nhạc không mất đi vị trí

Giới trong nghề đồng nhận định sự bùng nổ của MV đã góp phần mang đến sự sôi động cho thị trường. Và cũng vì MV được ưa chuộng, nhạc Việt hình thành một thế hệ các đạo diễn chuyên trị MV. Ngoài ra, cũng có những gương mặt đóng vai trò như giám đốc sáng tạo.

Không thể phủ nhận những nỗ lực sáng tạo về mặt hình ảnh của giới đạo diễn MV và giám đốc sáng tạo hiện nay. Điển hình là nhiều MV trên thị trường được đánh giá là không thua kém những bộ phim ngắn nghệ thuật, thậm chí đậm màu sắc điện ảnh.

Những MV như Hãy trao cho anh (Sơn Tùng M-TP), Để Mị nói cho mà nghe (Hoàng Thùy Linh), Hết thượng cạn nhớ (Đức Phúc) hay Anh ơi ở lại (Chi Pu)… đều cho thấy những dấu ấn sáng tạo về mặt hình ảnh, bên cạnh yếu tố âm nhạc từ ca khúc.

Những MV khác dù gây tranh cãi như Chân ái, Sao anh chưa về nhà, Mời anh vào team... cũng tạo ấn tượng về chất lượng hình ảnh.

Đặc biệt, nhạc Việt hiện nay cũng có không ít MV là sự thắng lợi của cả âm nhạc và hình ảnh, thuyết phục trọn vẹn truyền thông và khán giả. Nhiều sản phẩm thể hiện công sức đầu tư lớn với hàng tỷ đồng từ ca sĩ.

Rõ ràng, cuộc chơi âm nhạc được cho là đã thay đổi đáng kể so với thời kỳ trước. Ngoài việc cố gắng tìm những ca khúc chất lượng, “đo ni đóng giày”, giới ca sĩ hiện nay còn phải dụng công trong việc tìm kiếm ý tưởng, kịch bản MV, thậm chí cả những cộng sự thực hiện.

Song, trong bối cảnh MV như “nấm mọc sau mưa” những sản phẩm bị chê bai cũng không ít. Thị trường không hiếm gặp những MV dù xếp thứ hạng cao ở top trending nhưng ca sĩ hát thảm họa, bản thân ca khúc cũ kỹ, ít sáng tạo và cũng không thể đứng độc lập như một bản hit audio.

Do vậy, thông thường, những MV này tập trung vào việc phát triển câu chuyện drama, tình tay ba, kịch tính.

Thể loại MV drama đã được giới chuyên môn dự đoán là sẽ bão hòa trong năm 2020, song thị trường vẫn cho thấy kiểu MV này vẫn được ưa chuộng.

Thực tế, sự ưa chuộng này không hẳn là một sự ngược đời song cũng cho thấy một sự thật: MV “hot” chưa chắc đã vì sự thuyết phục của giọng hát và âm nhạc.

Theo Zing