Cô con gái thứ 10 của người cha già năm nay đã 80 tuổi
Vũ Thúy Mười sinh năm 1993, quê ở Lào Cai, hiện đang sinh sống tại Hà Nội và làm việc trong lĩnh vực thời trang với vai trò thiết kế trang phục. Thúy Mười đã gây sự chú ý và khiến nhiều người xúc động bởi câu chuyện về gia đình đặc biệt của mình mà cô chia sẻ trên mạng xã hội.
Được biết, bố cô sinh năm 1937, năm nay đã 80 tuổi, trong khi cô chỉ mới 24 tuổi, là con gái thứ 10 nên được bố đặt tên là Vũ Thúy Mười.
"Bố mình có hai vợ, mẹ cả với bố có 7 người con, nhưng bố mẹ không hợp nhau nên chia tay. Mẹ cả mình phải vất vả nuôi các anh chị, bố mình sau đó bỏ lên Lào Cai bán hàng rong trên tàu, rồi gặp mẹ mình.
Ông bà đến với nhau vì tình nghĩa, từ hai bàn tay trắng làm lụng mà nên. Sau đó thì sinh được 4 chị em mình, mình là con thứ 10 của bố, sau mình còn một cô em gái út nữa. Bố mẹ mình già rồi mà phải nuôi 4 chị em ăn học nên cuộc sống ngày trước vất vả lắm" – Thúy Mười kể lại.
Hiện tại, khi đã trưởng thành, có thể đi làm để tự kiếm tiền lo cho bản thân, cô gái trẻ mới càng thấu hiểu nỗi vất vả của bố mẹ già ở quê.
Câu chuyện của cô sau khi được chia sẻ trên mạng xã hội khiến nhiều người xúc động.
Cô tâm sự: "80 tuổi, như người ta là con cháu đầy nhà, được hưởng thụ tuổi già, còn bố thì...cô con gái út mới 20 tuổi.
80 tuổi, bố đã qua cái tuổi 'thất thập cổ lai hy' tuổi đủ để mừng thọ. 80 tuổi bố có 11 người con, mình có hai mẹ, cháu đích tôn của bố còn hơn mình 5 tuổi cơ mà ...
Thật sự đến giờ phút này, mình sợ nhất cái ngày định mệnh, sợ ngày bố rời xa khi mình chưa kịp báo đáp gì nhiều, mình sợ lắm... Chỉ biết là con gái lớn đủ rồi, mong bố đừng già đi nữa..."
Tuy vậy, trong những năm tháng tuổi thơ, cô bé ngây ngô ngày ấy lại vô cùng xấu hổ mỗi khi bị bạn bè trêu chọc về người cha già và cái tên đặt theo chữ số.
"Nhà có bốn chị em, không ai được học mẫu giáo mà đều vào thẳng lớp 1. Nhiều lúc ngồi nghe chúng bạn kể chuyện từ hồi mẫu giáo, mình chẳng biết cảm giác ấy là thế nào.
Ngày đầu tiên đi học là bố dẫn đi nhận lớp, cô gọi tên còn chẳng biết tên mình, vì hồi bé ở nhà, cả nhà gọi là Mười Anh (10 anh em ấy).
Thấy bạn bè toàn Tú Anh, Tuấn Anh, Vân Anh...còn mình thì là Mười Anh, hay bị trêu: 'Cười hở 10 cái răng'... mình ngại, xấu hổ, mới lớp 1 đã nhất định khóc lóc, đòi bố đổi tên.
Là con gái thứ 10, Thúy Mười (áo đỏ) cho biết cô được bố cưng chiều và là người gần gũi với bố nhất trong số 11 anh chị em.
Sau nghe bố dỗ: 'Con là con gái bố, là niềm vinh dự của bố, có phải ai cũng sinh được 10 đứa con như bố đâu, con phải tự hào chứ?' là lại nguôi nguôi.
Rồi cái chuyện: 'Bố mày sao lại già như ông nội tao vậy?', mình từng rất ngại khi đi gần bố, vì bố già hơn các ông bố khác rất nhiều này. Bạn mình gặp bố toàn chào bằng ông nên hồi bé đa phần giấu không cho ai biết đấy là bố mình" – 9x Lào Cai bộc bạch.
Cuộc sống khó khăn, nhọc nhằn nhưng vẫn luôn ấm áp tình yêu thương gia đình
Cảm giác ngại ngùng của cô bé ngây thơ năm nào khi có một người cha già đã nhanh chóng lùi xa khi Thúy Mười lớn lên, và dần thay thế bằng tình yêu thương, lòng biết ơn đối với đấng sinh thành.
Cô chia sẻ, thời gian trôi qua khiến cô nhận ra bản thân yêu thương người cha già của mình biết chừng nào.
Mặc dù khoảng cách thế hệ khá xa khi bố lớn hơn cô gần 60 tuổi, nhưng Thúy Mười cho biết cô và bố mình vô cùng thân thiết, tình cảm.
Mặc dù đã 80 tuổi nhưng người cha già vẫn rất tâm lý: "Bố mình vẫn còn khỏe và minh mẫn, thấy con bôi kem còn bảo bôi ít thôi không hỏng da. Lần nào mình về nhà rồi đi lại thì đều phải trốn vì ông đòi đi theo. Đặc biệt là 11 người con nhưng mỗi khi cần gì bố chỉ gọi cho mình.
Thực ra người già thường lại tính, ông bây giờ như trẻ con vậy, nên hai bố con trở thành hai người bạn thân thiết, mỗi lần ngồi với bố mình lại tâm sự đủ thứ chuyện trên trời dưới đất".
Đôi lúc cô gái trẻ tự hỏi, thế nào là gia đình hạnh phúc, là tình thân gắn kết? Và cô đã tìm được câu trả lời ngay trong chính gia đình mình.
Ấy là khi bố mẹ cùng 4 chị em cô ngồi bên cái chõng tre ăn bữa cơm tối quây quần. Tiếng bố càu nhàu, mẹ luôn tay xới cơm, tiếng chí choé của bốn đứa... Hay mỗi lúc cả nhà chen chúc trong căn nhà nhỏ ẩm thấp, giấc ngủ tròn vành vạnh nhưng người vẫn thấp thỏm trở mình vì ngày mai.
Những dòng tâm sự xúc động của Thúy Mười về cuộc sống gia đình và tình cảm yêu thương dành cho đấng sinh thành đã lay động trái tim người đọc:
"Ngày bố mẹ về với nhau, của cải là thứ xa xỉ, không họ hàng thân thích, chỉ bố với mẹ nơi rừng thiêng nước độc. Nhắm mắt vào và suy nghĩ có lẽ con cũng không thể mường tượng hết khó khăn mà bố mẹ trải qua .
Ngày trước bố còn kiếm sống bằng nghề bán nước trên tàu, cứ ba giờ sáng mẹ lại lục đục dậy, nhóm bếp, đun nước đổ đầy vào cái ấm nhôm đã được ủ kỹ trong lớp xốp dày cho bố hãm chè.
Trong ký ức mờ nhạt của con vẫn còn những đêm bố trở mình dậy sớm, đắp cho con tấm chăn ấm, bố đi tàu sớm lắm, khoác áo bông to sụ, xách theo cái ấm nhôm với tráp thuốc .
Cái thời nhà mình vẫn ăn cơm độn sắn độn ngô, có một bữa cơm gạo trắng thật hiếm hoi, trong cái tráp thuốc bao giờ cũng có cây chổi chít bé xíu để quét gạo vãi ra trên toa tàu, thứ gạo trắng trắng âm ẩm ấy quyện với mồ hôi bố, nuôi con lớn lên ...
Sống mãi trong cực khổ con người ta dễ sinh bi ai, buồn chán, bố mẹ làm quần quật nuôi bốn anh chị em con đâu phải dễ, bố hay uống rượu.
Thế nhưng chưa bao giờ con giận bố lâu, dù bố say liên miên, dù cơm chẳng lành canh chẳng ngọt, âu cũng là hai chữ gia đình.
Nhà mình vườn tược rộng rãi, lại ở cái xóm nhỏ ít nhà, không có họ hàng nội ngoại ở bên, suốt thời thơ ấu, không biết thế nào là ông bà, cô dì chú bác.
Không biết cảm giác bị bố đánh thì chạy về bà ngoại mách bà, rồi chờ bố mẹ "sang đón" mới về như thế nào. Rồi cuối tuần về ông bà chơi ra sao, Tết thì đi chúc Tết, được cô dì mừng tuổi... Đến giờ con mới hiểu, ao ước nho nhỏ của lũ con có thể là niềm day dứt tột cùng của bố mẹ.
Năm học lớp 10, bố về quê sống với mẹ cả. Năm lớp 11, con với em gái đi hơn 400km về ăn Tết với bố hai ngày, bố giữ ở lại để sau đấy ba bố con cùng về Lào Cai, nhưng mẹ không đồng ý cho bố về.
Con vẫn nhớ sáng hôm thứ ba, bố dậy sớm đạp xe lên chợ mua bánh cuốn cho hai chị em thì anh con thứ của bố sang bảo anh chở hai chị em ra bến xe luôn không tí bố về bố lại giữ.
Hai chị em ngồi trên con Cup của anh, đi qua chợ gặp bố đi về, anh bảo hai đứa quay mặt đi không bố thấy... Đi ngang qua bố mà không dám nhìn, dáng người nhỏ bé ấy, cái xe đạp mini đỏ ấy, liêu xiêu vào sáng mùng năm tết. Hai chị em nước mắt như mưa, cảm giác ấy, trọn đời này con sẽ không bao giờ quên.
Sau đó anh kể lại hôm ấy bố về, không thấy hai đứa con, bố khóc, bố say và mắng anh sao không giữ hai đứa lại.
Chỗ bánh cuốn ấy, bố ăn hai ngày mới hết, tết nhất người ra ăn bánh chưng giò lụa dưa hành, bố lại ăn hai ngày bánh cuốn. Vì bố mua cho con gái bố ăn, bố không nỡ để ai ăn, mà người già ăn thì được dăm miếng.
Sau này khi ăn một mình, con không dám ăn bánh cuốn, bởi con có thể khóc vì nhớ bố..."
Câu chuyện của cô gái đến từ Lào Cai một lần nữa cho thấy, dù có bất kì chuyện gì xảy ra, thì tình cảm gia đình vẫn luôn là thứ tình cảm thiêng liêng, gắn kết nhất đối với mỗi con người.
Nhà là nơi có bố, có mẹ, có tình thân ấm áp - nơi mà mỗi chúng ta dẫu có đi đâu, về đâu vẫn luôn hướng về".
Theo Trí Thức Trẻ