Từ những ngày đầu tháng 1, chị Nguyễn Trần Bảo Ngọc (28 tuổi, huấn luyện viên thể dục aerobic, sống tại TP Bắc Giang) bắt đầu trang trí đón Tết, biến nhà riêng kiêm văn phòng công ty thành địa điểm chụp ảnh, đón tiếp người dân miễn phí.
Ngay sau lễ Giáng sinh, chị đặt hàng trang trí Tết. Đơn vị phụ trách là một cửa hàng kinh doanh, trang trí có tiếng ở Hà Nội.
Đơn vị đã vận chuyển các mô hình từ Hà Nội đến Bắc Giang theo dạng tháo rời. Đến nơi, những người thợ mới dựng từng tấm chiếu, phông nền, cây đào, cây mai
"Ý tưởng trang trí xuất phát từ linh vật rồng của năm Giáp Thìn. Điều đặc biệt là năm nay đón em bé đầu lòng, tôi muốn làm mô hình rồng hoành tráng để lưu giữ kỷ niệm", Ngọc nói.
Bảo Ngọc trang trí nhà đón Tết với điểm nhấn hai con rồng khổng lồ (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Đón em bé đầu lòng, nữ huấn luyện viên mong muốn trang trí nhà để lưu giữ kỷ niệm (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Mặt tiền tòa nhà trưng bày "song long quy tụ", với hai con rồng dài 12m và 15m, được làm khung thép, bọc bằng chất liệu vải chống nước, chịu được mưa gió. Nếu tính cả các đoạn trang trí ghép nối thì phần này phủ kín mặt trước tòa nhà 6 tầng.
Khu trang trí ở đại sảnh mang phong cách chợ Tết cổ truyền Việt Nam. Khu trang trí trước nhà gồm các trò chơi dân gian, thú vui ngày Tết.
Công trình dự kiến hoàn thành trong 3-4 ngày, nhưng phải kéo dài thời gian thi công lên 7 ngày do phụ thuộc thời tiết, thay đổi ý tưởng trang trí.
Tổng kinh phí gần 800 triệu đồng do bổ sung thêm nhiều tiểu cảnh trang trí, vượt dự tính khoảng 200-300 triệu đồng.
"Nhưng vì muốn mọi thứ hoàn hảo nhất có thể nên tôi vẫn chi trả thêm, đồng thời tháo dỡ đi làm lại 2 lần, cố gắng mang đậm màu sắc Tết cổ truyền", Ngọc nói.
Cận cảnh mô hình cặp rồng khổng lồ phủ kín tòa nhà (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Cuối tháng 1, nhà nữ huấn luyện viên bắt đầu đón người dân đến tham quan và chụp ảnh bất kể ngày đêm, mở cửa xuyên Tết.
Mỗi ngày, nhân sự sẽ sắp xếp các khu vực trang trí, thay mới chậu hoa nếu bị hỏng, héo. Chủ nhà luôn có phương án dự phòng rủi ro và sẵn sàng chi trả nếu cần bổ sung đồ trang trí.
Cô gái Bắc Giang cho biết số lượng khách đến mỗi ngày rất đông, không thể thống kê. Nhiều người mặc áo dài, chụp ảnh với tinh thần háo hức và vui vẻ. Cô hy vọng nhà mình sẽ trở thành "tuổi thơ" của nhiều em nhỏ mà sau này nhìn lại sẽ cảm thấy ý nghĩa.
Đức Huy, sống tại TP Bắc Giang, bất ngờ trước tòa nhà được trang trí Tết hoành tráng của gia đình chị Ngọc. Là một trong các nhiếp ảnh gia được thuê chụp ảnh, anh cho biết những ngày nắng ấm, người dân và du khách kéo đến đông đúc, vừa tham quan vừa chụp ảnh kỷ niệm.
"Không riêng Tết, những dịp lễ hội khác chị Ngọc đều đầu tư trang trí nhà cửa, đón tiếp người dân nồng nhiệt", Huy nói.
Chị Ngọc Mai (27 tuổi, TP Bắc Giang) cho biết đây là lần đầu đến một địa điểm chụp ảnh đẹp, độc đáo như vậy ở thành phố. Đầu tháng 2, hai mẹ con chị ghé chụp ảnh, nhìn tận mắt mới thấy hết sự hoành tráng và bề thế của không gian.
"Cả Bắc Giang này không ai đầu tư và chịu chơi như chị Ngọc", chị Mai nói.
Gia đình mở cửa xuyên Tết, luôn có nhân viên trực phục vụ (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Vốn có sở thích tổ chức sự kiện, nữ huấn luyện viên thường trang trí sảnh nhà trong các dịp lễ lớn như: Tết Nguyên đán, Trung thu, Giáng sinh, Halloween.
"Các hoạt động này sẽ thu hút người dân tới tham quan và dễ dàng tiếp cận thương hiệu kinh doanh của tôi. Phần khác từ khía cạnh quảng bá văn hóa địa phương, tôi mong muốn giới thiệu về nét đẹp quê hương", chị nói.
Trước đó, Bảo Ngọc là cô dâu nổi tiếng trên mạng xã hội khi bỏ ra 1,6 tỷ đồng hát quan họ, dựng cảnh Hà Nội tại đám hỏi hồi tháng 10/2023.
Nổi bật nhất là không gian tái hiện bức tranh dân gian Đông Hồ "Đám cưới chuột" với những con vật 3D bằng xốp, được sơn màu rực rỡ và chiếc kiệu màu đỏ.
Cô dâu Bắc Giang tái hiện bức tranh dân gian Đông Hồ nổi tiếng tại đám cưới (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Với những khu vực chụp ảnh cùng xe hoa mùa thu, bánh cốm, quầy tò he..., khu phố bên ngoài được Ngọc lên ý tưởng tái hiện không gian phố cổ Hà Nội bởi đây là quê hương của chú rể.
Ngoài ra, nhà trai còn rước lễ bằng xích lô. Để đáp lễ, đàng gái cũng tái hiện không gian quê hương Kinh Bắc bằng những câu hát quan họ "Khách đến chơi nhà, mời nước mời trầu" của các liền chị trong trang phục áo tứ thân, đeo nón quai thao và bưng cơi trầu têm cánh phượng.
Theo Dân Trí