Chiều tháng 7, mưa ngoài cửa sổ không dứt, Ngọc Như gấp lại quyển sách để chuẩn bị hành lý tiếp tục chặng đường xuyên Việt. Chiếc võng ba Như đã luồn dây đêm hôm trước, cô gấp thêm vài bộ quần áo, sữa rửa mặt, áo khoác, nón... rồi cho vào ba lô. Tổng trọng lượng hành lý là 9kg.
Sau vài ngày thăm nhà ở Bình Dương, Ngọc Như rời đi để tiếp tục hành trình đi bộ hướng lên Tây Nguyên. "Đi để giúp tôi tìm lại nhiều giá trị bị bỏ quên trong cuộc sống ", Như tâm sự.
Hạnh phúc khi đi bộ
Huỳnh Thị Ngọc Như vốn là sinh viên ngành Tâm lý trường Đại học Sư Phạm TPHCM. Tuy nhiên, do không hợp, cô bỏ dở việc học để về làm việc ở công ty gần nhà, thuộc tỉnh Bình Dương.
Như kể, cô yêu việc đi bộ. Mỗi lần thong thả bước đi trên hè phố, ngắm nhìn dòng người, xe cộ, cô cảm thấy lòng mình hạnh phúc và dễ chịu. Đó cũng là lý do Như mất 30-40 phút mỗi ngày để đi bộ đến công ty cách nhà 4km, thay vì dùng xe máy.
Cô gái 25 tuổi nhen nhóm ý định đi bộ xuyên Việt vào tháng 2/2023. Mất nhiều tháng để thuyết phục ba mẹ, cô mới nhận được sự đồng ý từ gia đình.
Ngọc Như đi bộ trên cầu Cần Thơ (Ảnh: NVCC).
Như đặt ra nhiều thông điệp cho chuyến đi của mình. "Đi bộ để bình an, để hạnh phúc, để thấy được tình cảm con người quan trọng hơn vật chất", cô nói. Ngọc Như cố gắng không sử dụng tiền trong suốt chuyến đi. Cô chọn cách xin ngủ lại nhà dân, phụ giúp việc để đổi lấy thức ăn, nước uống.
Sáng ngày 18/5, Như bắt đầu hành trình tại đất mũi Cà Mau. Mỗi ngày, Như đi khoảng 20-30km, băng qua những cánh đồng, con đường làng đến quốc lộ đầy bụi mờ từ xe tải. Thời gian đầu, chân Như đau nhức, da phồng rộp khiến cô phải nghỉ lại 2 ngày để dưỡng sức.
Mẹ đưa Như ra bến xe về Cà Mau để bắt đầu hành trình xuyên Việt (Ảnh: NVCC).
Cô cho biết, người dân miền Tây rất thân thiện và tốt bụng. Khi thấy Như mệt lả, họ múc sẵn cho cô một phần và không đòi hỏi gì cả. Không ít lần đói quá, Như buộc phải nhặt chuối rụng bên đường ăn ngấu nghiến. Thi thoảng, cô được tiếp thêm bánh ngọt, bánh mì, nước sâm lạnh... từ những người đi đường.
Tuy nhiên, việc xin ngủ nhờ không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Thấy cô gái mặt mũi lấm lem bụi, phờ phạc sau ngày dài đi bộ, họ vẫn lắc đầu từ chối. Những lúc như thế, Như thường chọn ngủ ở bệnh viện, chùa, nhà thờ hoặc quán cà phê võng.
Ngọc Như trong lần đến Bến Tre quê nội cô (Ảnh: NVCC)
Có hôm, Như đi bộ đến 1h sáng, gần như kiệt sức. Cô buộc phải thuê nhà nghỉ để tắm giặt và ngả lưng. Như cho biết cô luôn cố gắng tiết kiệm chi phí hết mức. "Nếu mình sử dụng tiền, mọi thứ sẽ đơn giản hơn, giống như 'trải thảm' cho hành trình này", cô giải thích.
Bằng cách đó, Như đi qua các tỉnh Bạc Liêu, Trà Vinh, Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp... đến TPHCM. Tại đây, cô tạm ngưng hành trình và nhận một công việc làm thêm để người bớt "ù lì". Sau đó, Như mang tiền kiếm được về quê nhà Bình Dương đoàn tụ cùng gia đình.
Ngọc Như cảm thấy hạnh phúc khi được đi bộ mỗi ngày (Ảnh: NVCC).
Trong chặng tiếp theo, Như cũng sẽ bắt đầu ở nơi cô "đánh dấu" là điểm dừng của hành trình trước đó, đường Mã Lò, quận Bình Tân, TPHCM. Từ đây, cô sẽ tiếp tục đi bộ đến Tây Nguyên, miền Trung và ra Bắc.
Hãy làm những gì mình muốn
Ngọc Như đã lập kênh TikTok để chia sẻ về hành trình đi bộ xuyên Việt của mình. Bên cạnh những lời động viên, cô cũng nhận được nhiều "gạch đá" từ cộng đồng mạng. Đa phần, họ cho rằng chuyến đi của Như là "hành xác", tốn nhiều thời gian, công sức và không mang lại lợi ích gì cho bản thân.
Bên cạnh đó, một số người cũng khuyên Như nên quay về với gia đình, tìm công việc ổn định thay vì lang thang trên đường. Như thừa nhận cô đã buồn nhiều bởi những bình luận tiêu cực. Cô đã dành ra vài ngày để suy nghĩ về việc mình làm.
"Mình muốn tiếp tục đi để chứng minh cho mọi người thấy rằng lòng tốt ngoài kia rất nhiều. Họ sẵn sàng giúp đỡ người xa lạ và tiền bạc không phải là thứ quyết định tất cả", Như tâm sự.
Trải nghiệm làm việc cùng người dân tại Long An của Ngọc Như (Ảnh: NVCC).
Cô kể, một số người đánh giá không đúng sự việc, cho rằng cô du lịch kiểu xin xỏ. Như cho biết mình không xin mà muốn đổi thực phẩm, chỗ nghỉ ngơi bằng sức lao động. Cô đề nghị được rửa chén, dọn cỏ, hoặc làm vườn phụ giúp người dân.
Tuy nhiên, họ thường giúp đỡ Như và không yêu cầu cô đáp trả. "Mình không phải người lười biếng", cô nhấn mạnh.
Về vấn đề gia đình, một số người đã bình luận trách cô rằng "không dành thời gian phụng dưỡng ba mẹ" và làm chuyện nông nổi.
Cô chia sẻ: "Họ không phải là mình nên không hiểu những gì mình đã trải qua. Mình đã dành 2,5 năm để ở gần bố mẹ, làm việc tại công ty gần nhà. Lúc đi, mình đã để lại số tiền kiếm được cho gia đình. Mình biết nó không nhiều nhưng đó là tấm lòng mình muốn dành cho người thân".
Cô gái được người dân mời thưởng thức sầu riêng tại Tiền Giang (Ảnh: NVCC).
Trong hành trình này, Như nhận được sự ủng hộ của ba mẹ. Cả hai từng chứng kiến con gái đi bộ nhiều nơi. Có lo âu, có thương nhớ, nhưng sau cùng, họ muốn Như trở về khỏe mạnh và trưởng thành hơn.
"Hãy làm những gì mình thích khi còn có thể", Ngọc Như khẳng định.
Theo Dân Trí