Theo tờ SCMP, Tongtong (19 tuổi) bị ép phải đính hôn với một người đàn ông cô mới gặp 5 ngày trước. Mẹ cô cho rằng gia thế giàu có của đàng trai sẽ “giúp cuộc sống về sau của Tongtong dễ dàng hơn”.
Hai mẹ con Tongtong đang cùng kinh doanh một cửa hàng quần áo nhỏ ở quê nhà.
Tongtong buộc phải nhận lời kết hôn vì đạo hiếu. Ảnh: SCMP
Mẹ Tongtong và một bà mối đã thuyết phục Tongtong nhận lời. Nhà trai đã tặng mẹ Tongtong sính lễ trị giá 270.000 Nhân dân tệ (hơn 1 tỷ đồng) trong lễ đính hôn. Người mai mối cũng nhận được 4.800 Nhân dân tệ (gần 18 triệu đồng).
Tuy nhiên, chia sẻ với tờ Thanh niên Bắc Kinh, người mẹ cho biết con gái bà không thích vị hôn phu kia vì tính cách thô lỗ và khắt khe. Tongtong muốn hủy bỏ hôn ước nhưng người mai mối đã can ngăn và nói rằng mẹ cô cần tiền.
Theo nhiều người quen biết cũng như hàng xóm trong vùng, Tongtong trước giờ luôn là cô con gái hiếu thảo. Cô thậm chí đã bỏ học để đi làm và phụ giúp tài chính cho gia đình, đồng thời chăm sóc các em nhỏ.
Một thiếu nữ bị ép hôn, rơi lệ trong ngày cưới. Ảnh: SCMP
Cô gái trẻ tuyệt vọng đã nhảy xuống dòng sông gần nhà, chỉ 17 ngày sau lễ đính hôn. Sau cái chết của Tongtong, nhà trai đã yêu cầu mẹ Tongtong trả lại sính lễ.
Người mẹ chỉ đưa trả 180.000 Nhân dân tệ, số tiền còn lại coi như tiền phạt vì "con rể hụt" đã nói dối về tuổi của mình. Anh ta nói hơn Tongtong 4 tuổi, nhưng thực tế lại hơn cô tới 8 tuổi.
Tuy nhiên, đàng trai nhất quyết đòi đủ tiền. Họ còn dùng ô tô chặn trước cửa hàng quần áo của gia đình Tongtong và phát loa đòi tiền. Thậm chí, một đài truyền hình địa phương cũng được mời đến để đưa tin về câu chuyện "quỵt tiền".
“Đây đúng là một câu chuyện khủng khiếp và kinh dị. Thật tội nghiệp vì cô gái chưa bao giờ được sống cho chính mình", một người dùng mạng xã hội bình luận.
Hôn nhân ép buộc vốn không phải là chuyện hiếm ở Trung Quốc. Ảnh: SCMP
Hôn nhân ép buộc vốn không phải là chuyện hiếm ở Trung Quốc, đặc biệt là ở những khu vực nông thôn kém phát triển.
Năm 2020, một cô gái 17 tuổi cũng bị ép kết hôn với một người đàn ông mà cô mới gặp 6 lần. Nạn nhân sau đó đã báo cáo sự việc với chính quyền địa phương và yêu cầu cha mẹ cô hủy bỏ hôn ước, để được quay trở lại trường học.
Ở những thành phố lớn, phụ nữ trên 30 tuổi chưa lập gia đình thường bị mang danh là “gái ế”. Họ cũng phải đối mặt với áp lực lớn từ cha mẹ.
Năm 2021, một bác sĩ ở Chiết Giang, miền đông Trung Quốc, kể về một nữ bệnh nhân 30 tuổi bị trầm cảm nặng, vì người cha nói cô càng độc thân lâu thì càng “giảm giá”.
Trung Quốc liên tục ghi nhận tỷ lệ kết hôn giảm trong nhiều năm. Ảnh: CNN
Trung Quốc liên tục ghi nhận tỷ lệ kết hôn giảm trong nhiều năm. Số lượng các cặp vợ chồng mới cưới giảm từ 13,47 triệu vào năm 2013, xuống còn 6,83 triệu vào năm 2022. Tuy nhiên, con số này đã tăng lên 7,68 triệu cặp vào năm 2023.
Theo VietNamNet