“Tân Cương thực sự rất đáng đi. Đây là nơi giao thoa nhiều nền văn hóa và có phong cảnh đa dạng từ thảo nguyên đến núi tuyết. Đẹp không kém gì Thụy Sĩ”, Kiều Phùng (sinh năm 1997) nói với Zing về chuyến du lịch của mình.
Sinh sống và làm việc tại Bắc Kinh, Kiều nói cô đã đi gần hết Trung Quốc. Tháng 5 vừa qua, khi ngành du lịch ở xứ tỷ dân hồi sinh nhờ dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, cô dự định khám phá khu tự trị Tây Tạng nhưng không làm được giấy tờ.
Thay vào đó, Kiều ghé thăm tỉnh Thanh Hải và phía bắc của khu tự trị Tân Cương trong hơn một tháng. Dù đi du lịch “trái mùa”, gặp thời tiết bất lợi là mưa và lạnh, cô vẫn coi đây là chuyến đi có nhiều trải nghiệm đáng giá.
Kiều Phùng check-in ở thảo nguyên Nalati, Tân Cương.
Xét nghiệm 30 lần
Xuất phát từ Bắc Kinh, Kiều cùng bạn lái xe tới Thanh Hải và rong ruổi ở đây suốt 10 ngày. Tiếp đó, cô di chuyển từ thành phố Mangya (thuộc tỉnh Thanh Hải) đến Tân Cương.
Theo Kiều, 2 nơi này khá gần nhau nhưng không có đường đi, lại nhiều chó sói và bò yak nên cô phải ngược lên tỉnh Cam Túc để đến thành phố Hami - nơi nổi tiếng với đặc sản dưa lưới.
Do Tân Cương kiểm soát dịch Covid-19 nghiêm ngặt, tới mỗi huyện, thành phố, Kiều mất khoảng một tiếng để khai báo y tế và xét nghiệm nhanh rồi mới được vào. Không riêng chốt kiểm dịch, khách sạn hay nhà hàng cũng có thể yêu cầu test Covid-19.
Kiều trải qua nhiều lần test nhanh Covid-19 ở Tân Cương.
“Ở Bắc Cương, mình đi qua khoảng 30 huyện và thành phố nên giờ vẫn còn giữ 30 tờ giấy xét nghiệm. Điều này hơi mất thời gian nhưng cũng không ảnh hưởng gì. Sau khi kiểm tra xong, mọi người ở chốt kiểm dịch cũng hỗ trợ mình nhiệt tình”, cô kể.
Đầu tiên, Kiều tới Urumqi, thủ phủ của Tân Cương, để nghỉ ngơi và khám phá. Với cô, đường sá, công trình kiến trúc nơi đây rất giống thành phố Quảng Châu (thủ phủ của tỉnh Quảng Đông) nhưng chưa phát triển bằng.
Trong 10 ngày ở Urumqi, Kiều chủ yếu đi tham quan Grand Bazaar - khu chợ lớn nhất thế giới với khoảng 3.000 gian hàng đồ may mặc, gốm, trang sức, nhạc cụ... và được cho là cổng vào Con đường tơ lụa nối liền Trung Quốc và Tây Á.
Rời thủ phủ của Tân Cương, Kiều đặt chân tới công viên địa chất toàn cầu Keketuohai. Dù địa danh này không nổi tiếng với khách du lịch, cô vẫn quyết định ghé thăm vì thích một ca khúc nổi tiếng có nhắc tới nó. Điểm đặc sắc của Keketuohai là có quặng đá quý lớn nhất Trung Quốc và suối nước nóng mà người dân tin rằng uống vào sẽ sống lâu trăm tuổi.
Tiếp đó, Kiều ghé thăm làng Hòa Mộc, hồ Kanas. Trên đường đến đây, cô được đắm chìm vào khung cảnh thảo nguyên mênh mông, đàn cừu, bò thơ thẩn gặm cỏ và núi tuyết trắng xóa. Điều đáng tiếc là vào tháng 5, làng Hòa Mộc xơ xác, nước suối mới tan băng nên đục ngầu.
Tại hồ Kanas, cô mua vé, leo 1.400 bậc lên đài quan sát và thu vào tầm mắt cảnh thiên nhiên tươi đẹp.
Cuối tháng 5, nước ở hồ trong xanh khi băng tan.
Sụt 5 kg vì không quen đồ ăn
Ngày tiếp theo, khi vừa tới hồ Sayram - nơi được mệnh danh là “Giọt lệ cuối cùng của Đại Tây Dương”, Kiều gặp cơn mưa tầm tã. Cô tiếc nuối khi không thể chiêm ngưỡng làn nước trong xanh và con đường chữ S trong hồ vì mùa này chỉ có bão tuyết. Kiều hy vọng có thể quay lại đây sau 2 tháng nữa, khi nơi này ngập trong biển hoa.
Trên đường tới huyện Huocheng, Kiều đi qua Quả Tự - cây cầu đắt nhất Trung Quốc. Cô lái xe chậm lại để chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của núi tuyết và thảo nguyên bạt ngàn.
Tại vườn hoa oải hương Huocheng, Kiều chưa được ngắm hoa nở. Cô dành thời gian tham quan những ngôi nhà sơn màu tím mộng mơ và check-in. Theo cô gái 24 tuổi, oải hương nở rộ vào tháng 6 và được người dân thu hoạch để làm hoa khô, túi ướp hương.
Ghé thăm phố cổ Kazanqi, huyện Y Ning, thủ phủ của khu tự trị Y Lê Kazakh, đúng ngày Tết của dân tộc thiểu số ở Tân Cương, Kiều được hòa vào không khí và cuộc sống nhiều màu sắc của con người nơi đây.
“Mình chỉ kịp chơi với mấy chú bồ câu ngoài cổng, trêu đùa mấy em nhỏ, quan sát cuộc sống của gia đình bán thịt nướng người Duy Ngô Nhĩ và xem đoạn múa hát truyền thống của ông chú nổi tiếng ở đây. Ngoài ra, vào Kazanqi, ai cũng phải check-in với những bức tường xanh nổi tiếng”, cô nói.
Kiến trúc độc đáo của một homestay ở Kagash.
Tới cổng thảo nguyên Kalaqun, Kiều thất vọng quay ra vì cảnh vật tàn tạ trong thời khắc chuyển đông sang xuân. Bù lại, Kiều đến thảo nguyên Tangbula, nơi cô mô tả là “bức tranh thiên đường ngoài đời thật”.
“Tangbula chưa khai thác du lịch nhiều nên còn rất hoang sơ. Mình phải thay lốp xe vì đường đi rất xấu, nhiều ổ voi, ổ gà. Ở đây, nước vừa tan băng nhưng xanh ngắt. Trên đường đi vừa có thảo nguyên, vừa cây cỏ, vừa sông xanh cuồn cuộn, mình tha hồ trêu chuột chũi, bò yak, cáo trắng. Đúng chất sống giữa thiên nhiên”.
Dù thời tiết mưa và lạnh, Kiều và bạn vẫn quyết định khám phá thảo nguyên Nalati - nơi đẹp và nổi tiếng nhất ở Y Lê. May mắn là khi họ vừa qua cổng vào, trời đang âm u bỗng hửng nắng, tuyết rơi nhẹ trên thảo nguyên xanh.
Theo Kiều, Nalati rất rộng, chia thành 3 tuyến đường lên 3 thảo nguyên khác nhau. Nhóm cô chọn thăm thảo nguyên Không Trung. Đúng mùa hoa dại nở tràn ngập, Kiều có nhiều bức ảnh check-in ở nơi này.
Kiều thấy may mắn vì thời tiết tạnh ráo khi tham quan thảo nguyên Nalati rộng lớn.
Theo kế hoạch, Kiều muốn thăm thảo nguyên Bayinbuluke rồi theo quốc lộ Duku tới phía Nam của Tân Cương. Tuy nhiên, làng Bayinbuluke không cho người ngoài vào vì dịch Covid-19. Cả nhóm phải đi đường vòng gần 2.000 km để tới Nam Cương, ghé thăm điểm đến cuối cùng là thành phố Tulufan vốn nổi tiếng với dưa gang và nho.
Vì một số lý do, Kiều không thể đặt chân tới huyện biên giới Taxkorgan nên kết thúc hành trình sớm hơn dự định.
“Dù gặp không ít sự cố vì đi chơi giữa dịch, mình vẫn rất vui vì tất cả trải nghiệm đã có. Nhìn chung, hầu hết danh lam thắng cảnh ở Tân Cương có quy mô lớn và thương mại hóa rồi nên nếu có cơ hội, hãy ghé thăm những nơi mà ít người biết tới. Mình sẽ sớm quay lại nơi này khi sắp xếp được thời gian”, cô nói.
Bên cạnh cảnh sắc hùng vĩ, Kiều nói điều cô ấn tượng khi đi du lịch Tân Cương là sự an toàn, người dân mến khách, yêu âm nhạc và nhảy múa. Một tháng sống giữa thảo nguyên, núi tuyết, đàn cừu, bò, Kiều quên đi nhịp sống vội vã, hối hả ở đô thị lớn.
Về ẩm thực, người dân Tân Cương chủ yếu ăn thịt cừu, các loại mỳ nên Kiều không hợp khẩu vị. Cô sụt 5 kg vì chủ yếu uống cà phê và ăn vặt.
Kiều muốn trở lại Tân Cương vào mùa du lịch (tháng 3, 8, 9) để ngắm khung cảnh thiên nhiên ở độ đẹp nhất.
Gần đây, Kiều Phùng có chuyến đi tham quan khu tự trị Nội Mông Cổ. Cô dự định ghé thăm Tây Tạng vào tháng 8-9 tới để hành trình khám phá Trung Quốc được trọn vẹn.
Khi hết dịch, cô gái 24 tuổi sẽ đi Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu để thỏa sự chờ đợi 2 năm nay chưa thực hiện được.
Theo Zing