Cô giáo Ngô Thúy Trình (sinh năm 1950) là một giáo viên Ngữ văn đã về hưu, hiện sinh sống ở Ninh Bình. Sau khi rời bục giảng, cô tự mở lớp và dạy học tại nhà.

Cô Trình cho biết, động lực lớn nhất khiến cô quyết định mở lớp học này là vì tình yêu với môn Ngữ văn và không muốn học sinh cảm thấy “áp lực” khi theo đuổi môn học này.

Mấy năm trở lại đây, dù không còn đứng lớp, nhưng vì “nhớ nghề” và muốn “đắm mình” vào các tiết dạy, cô Trình đã nhờ con gái lập cho một kênh Tiktok để chia sẻ các bài giảng đến học sinh.

“Tôi nghĩ rằng việc phát công khai như thế giúp nhiều học trò có thể xem bài giảng miễn phí thay vì phải bỏ tiền ra mới được đi học.

Hơn nữa, ngày nay học trò xem các video trên mạng nhiều nhưng ít quan tâm đến các nội dung giáo dục. Tôi hy vọng những video này sẽ giúp các em quan tâm đến việc học Văn hơn”, cô Trình chia sẻ.

Trên kênh Tiktok cá nhân, cô Ngô Thúy Trình thường xuyên đăng tải các bài giảng như cách làm bài nghị luận xã hội, phân tích tác phẩm văn học, kỹ năng viết bài... nhằm phục vụ đối tượng học sinh từ lớp 9 đến lớp 12.

Bắt đầu lập kênh từ tháng 3/2023, đến nay sau 15 tháng, cô Trình đã ra gần 200 video. Hiện tài khoản Tiktok của cô cũng có gần 190.000 lượt theo dõi.


Cô giáo Ngô Thúy Trình là một giáo viên Ngữ văn đã về hưu.

Ở tuổi ngoài 70 mới bắt đầu mày mò công nghệ, cô Trình được con gái dạy cách quay video và đăng tải.

“Ban đầu, con gái dạy xong tôi lại quên ngay. Có những khi con không ở nhà, tôi mang sang nhờ hàng xóm chỉ dẫn giúp. Sau nhiều lần quyết tâm làm, tôi cũng dần quen”, cô Trình nhớ lại.

Thấy mẹ ngày ngày vất vả chuẩn bị bài giảng, lại tự mày mò đặt máy quay, con trai cô Trình nhiều lần khuyên ngăn, không muốn cho mẹ dạy tiếp vì sợ bà mệt và đã đến độ tuổi cần được nghỉ ngơi.

Dẫu vậy theo cô Trình, việc tiếp tục được chia sẻ kiến thức khiến cô thấy vui và cảm nhận chính mình cũng đang phát triển mỗi ngày.

Chẳng hạn, Tiktok vốn giới hạn thời lượng của video đăng tải. Từ một người luôn nhẹ nhàng, từ tốn, khi “lên hình”, cô Trình cũng phải luyện cách nói nhanh, chọn lọc và cô đọng kiến thức, hướng thẳng vào các vấn đề học sinh quan tâm để tránh nhàm chán.

Trong những video đầu tiên, nhiều học trò cũng góp ý: “Cô giảng hay nhưng nói nhanh quá”. Từ những bình luận như thế, cô Trình đọc và tự rút kinh nghiệm cho những video sau.

Một mình tự làm mọi thứ nhưng không rành công nghệ, nhiều đoạn nói ngập ngừng, cô cũng không thể cắt sửa. “Đôi khi, có video chỉ nói sai một từ tôi cũng phải quay lại toàn bộ”, cô Trình nhớ lại.

Nhưng cũng có video cô quay một lần được luôn vì “văn chương vốn thuộc về cảm xúc”. Song để phát được 5 phút ấy, cô cũng phải chuẩn bị bài giảng mất vài ngày.

Không còn đi dạy, để tránh lạc hậu, cô Trình cũng thường xuyên kết nối với một người học trò cũ hiện cũng là giáo viên dạy Văn cấp THPT. Cả hai thường chia sẻ chuyên môn, kiến thức để cập nhật và hoàn thiện bài giảng.

Trong thời gian nghỉ hưu, cô Trình vẫn viết sách và là chủ biên của cuốn “Kỹ năng làm bài môn Ngữ văn trong trường phổ thông” nhằm phục vụ làm tài liệu để giáo viên và học sinh tham khảo.

Sau quãng thời gian chia sẻ trên Tiktok, ngoài những bình luận tích cực cũng có nhiều bình luận tiêu cực. Cô Trình đọc được hết nhưng không vì những điều đó mà cảm thấy buồn.

“Tôi không chạy theo những lời nói tiêu cực như thế vì biết vẫn có những học sinh thực sự yêu thích và mong muốn học thêm kiến thức mới từ cô. Những lời chê bai, góp ý cũng chính là động lực để tôi tiếp tục ra video chia sẻ kiến thức chỉn chu hơn”.

Theo cô Trình, mục đích cuối cùng của cô khi lập ra kênh này là giúp học trò không còn sợ và yêu môn Ngữ văn hơn, đặc biệt những em học sinh khi tham gia các kỳ thi, chẳng may không trúng đề cũng có thể biết phương pháp làm bài hiệu quả.

“Tôi vẫn sẽ làm điều này cho đến khi không còn học sinh nào cần tôi chia sẻ nữa”, cô Trình nói.

Theo Vietnamnet