Cô Ngô Thúy Trình từng là giáo viên dạy bộ môn Ngữ Văn, hiện nay cô đã về hưu. Vì vẫn muốn tiếp tục với đam mê trao truyền tri thức, cô Trình đã lập một tài khoản TikTok cá nhân để chia sẻ về cách làm các dạng bài  phân tích tác phẩm, nghị luận xã hội,... rất chi tiết, bổ ích và được đông đảo học sinh đón xem.

Đồng thời, mỗi khi xuất hiện trước ống kính, cô giáo Trình cũng chăm sóc kỹ lưỡng về cả hình ảnh và trang phục, đảm bảo nghiêm túc như đi dạy học trên trường.

Video dạy học của cô giáo về hưu nhận bình luận tiêu cực: Báo động ý thức một bộ phận giới trẻ-1
Kênh TikTok của cô giáo Ngô Thúy Trình hiện nay đang có hơn 150.000 follow

Tuy nhiên, một video mới đây của cô Ngô Thúy Trình không may gặp phải sự cố âm thanh dẫn đến tiếng bị vọng, giọng của cô cũng vì vậy mà thay đổi so với các video trước.

Thay vì thông cảm, góp ý lịch sự thì phía dưới bình luận, một bộ phận giới trẻ không nhỏ đã bày tỏ thái độ không tốt, buông những lời xúc phạm, thậm chí miệt thị cô giáo như: "Em nào không hiểu là bị ma nhập nha"; "Cô tha em"; "Nghe nó văng vẳng như ở miền cực lạc,...". Những bình luận này đã khiến không ít người bức xúc.

Nhiều người ủng hộ cho rằng bản thân cô giáo đã về hưu, việc tiếp xúc với công nghệ và nền tảng mới như TikTok là khó khăn hơn nhiều so với thế hệ trẻ.

Chính vì vậy, việc gặp sự cố như video trên là điều vô cùng dễ hiểu và cần nhận được sự cảm thông của mọi người.

Một người dùng bình luận đã thẳng thắn cho rằng: "Xảy ra chuyện này mới thấy nền giáo dục của Việt Nam đang đi xuống - buồn cho một thế hệ. Chắc chỉ có thế hệ 7X, 8X, 9X mới được nghe cô truyền tải những điều hay như thế này".

Một bình luận khác cũng cùng quan điểm trên: "Giới trẻ hiện tại đang bị đầu độc bởi mạng xã hội rất nhiều, tất nhiên nhân tài vẫn có chứ không phải không có nhưng lên mạng dễ gặp những thứ tiêu cực hơn là tích cực".

Có thể thấy, những bình luận tiêu cực như trên không chỉ ảnh hưởng đến cô giáo Trình mà còn tác động sâu sắc vào nhận thức của giới trẻ về cách đối nhân xử thế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến truyền thống tôn sư trọng đạo.

Theo Sức khỏe và Đời sống