Có nên kiêng kị trong tháng "cô hồn"?

Nhiều người quan niệm tháng 7 Âm lịch là tháng cô hồn thường mang đến nhiều vận hạn, xui xẻo và đen đủi. Tuy nhiên, ý nghĩa thực sự của những quan niệm này ra sao?

Ở Việt Nam, lễ Vu lan và tục cúng Cô hồn từ lâu đã trở thành một tín ngưỡng tâm linh truyền thống của nhiều gia đình, dòng họ. Theo đó, chính lễ thường diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 10 đến ngày Rằm tháng 7 (Âm lịch). Vào những ngày này, các gia đình tùy thuộc hoàn cảnh, tập tục địa phương sẽ làm lễ để tỏ lòng thành, tri ân tổ tiên, người đã khuất và cầu “xá tội vong nhân” với mong muốn bình an, hạnh phúc.

“Tháng cô hồn” không xấu như mọi người nghĩ

Về nguồn gốc và ý nghĩa của tháng Cô hồn, TS. Nguyễn Văn Vịnh – Phó Viện trưởng viện công nghệ giáo dục, Chủ tịch Hội Phong thủy Việt Nam cho biết, thực tế quan niệm tháng cô hồn và tháng Ma quỷ ở Việt Nam có ảnh hưởng từ Đạo giáo Trung Quốc. Người ta cho rằng, tháng 7 là ngày Diêm Vương mở cửa Quỷ Môn Quan để ma quỷ có thể tự do trở về dương gian. Ngày 15/7 cũng là ngày “âm khí xung thiên” vì thế thường mang đến những điều xui xẻo, đen đủi. Để hạn chế, các gia đình thường phải làm lễ cúng cháo, gạo muối… để quỷ đói không quấy nhiễu.


Theo T.S Nguyễn Văn Vịnh, thực tế về ý nghĩa của tục cúng cô hồn chính là việc đề cao việc báo hiếu và làm phúc bố thí.

Cũng vì quan niệm này mà từ trước đến nay, nhiều người Việt vẫn tránh các công việc quan trọng như: Xây dựng, cưới hỏi, kinh doanh, khai trương… trong tháng này. TS. Nguyễn Văn Vịnh cho rằng, đây đều là những quan niệm sai lầm và không hề có cơ sở khoa học nào. Thực tế, về ý nghĩa của tục cúng cô hồn chính là việc đề cao việc báo hiếu và làm phúc bố thí.

Người Á Đông trong một năm có rất nhiều ngày lễ khác nhau, đặc biệt là người Việt. Trong đó, mỗi một địa phương lại có những ngày lễ, tập tục riêng. Nếu tính tổng các ngày lễ trong một năm thì chúng ta có tới hàng nghìn lễ hội. Tháng 7 và các ngày lễ khác cũng chỉ có ý nghĩa tương đương nhau và không cần kiêng kị: “Người Việt có truyền thống thờ tự, ông bà, tổ tiên, nguồn cội như một cách tưởng nhớ người đã khuất. Trong xã hội, có nhiều lý do, nhiều trường hợp những người đã mất không có ai cúng tế, thờ tự, không biết tên tuổi, địa chỉ, ngày mất… nên dân gian mới dành ra một ngày để tưởng nhớ về họ, cúng tế, giải thoát cho họ. Nếu hiểu như vậy thì về mặt tâm linh và văn hóa tháng cô hồn đều mang ý nghĩa nhân văn chứ không mang hàm ý xấu, đáng sợ như nhiều người lầm tưởng”, TS. Vịnh nói.

TS. Nguyễn Văn Vịnh cũng cho rằng, do đặc điểm của tháng 7 là thời điểm chuyển giao giữa mùa Hạ và mùa Thu nên thời tiết diễn biến thất thường, không thuận lợi, nhiều mưa bão… Chính sự bất thường về thời tiết này đã tạo ra cho người Việt thói quen trong sinh hoạt, làm ăn dẫn đến việc kiêng kỵ lớn, lâu dần kiêng luôn cả những việc nhỏ.

Ông Vịnh cũng đặt vấn đề, trên thế giới có hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng chỉ một vài nước có tập tục kiêng kị vào tháng này, còn lại mọi nhịp điệu của các nước vẫn diễn ra bình thường. Nếu tất cả đều có suy nghĩ ngưng lại mọi hoạt động thì thế giới sẽ bị rối loạn. Cho nên chúng ta chỉ nên quan niệm đây là một tín ngưỡng, một tập tục chứ không nên trầm trọng hóa, đẩy vấn đề đi quá xa, từ đó làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt.

Trong Đạo phật không có “tháng xui”, “tháng an”

Trong khi đó, GS-Ts Ngô Đức Thịnh cũng cho rằng, tháng 7 Âm lịch được xem là tháng xá tội vong nhân và báo hiếu cha mẹ. Đây là những tín ngưỡng, tập tục dân gian đã có từ lâu đời. Bản chất của những thói quen này đều mang ý nghĩa tốt, nhân văn hướng con người làm nhiều việc thiện, bỏ những thói quen xấu chứ không phải là mê tín dị đoan. Về những điều kiêng kị được lưu truyền trong ngày Rằm tháng 7 như: không được ra đường ban đêm, không tùy tiện đốt giấy vàng mã, không để gương đầu giường, không động thổ, xây dựng…

Gs-Ts Thịnh khẳng định những điều trên đều không có cơ sở khoa học và chưa được kiểm chứng đúng sai: “Về mặt khoa học tôi chưa thấy ai khẳng định cứ kiêng những điều này thì gặp may mắn, ngược lại cũng chẳng có cơ sở nào cho thấy nếu chúng ta không kiêng kị thì gặp xui xẻo cả. Đây đều là những quan niệm dân gian, đôi khi truyền tai nhau lâu dần trở thành thói quen, ăn sâu trong tiềm thức”, GS.Ts Ngô Đức Thịnh nói.


Thượng tọa Thích Thanh Huân, trụ trì chùa Pháp Vân cũng cho rằng trong Đạo Phật không có quan niệm tháng nào là “tháng xui, tháng an” cả.

Thực tế, nhà nghiên cứu văn hóa này cũng cho rằng, tháng 7 Âm lịch là tháng mưa nhiều, thời tiết chuyển giao nên diễn biến xấu đây cũng có thể là lý do khiến nhiều người không muốn xây nhà, động thổ hoặc khai trương vì sợ ảnh hưởng đến chất lượng công trình, hoạt động kinh doanh chứ không phải bắt nguồn từ bất cứ điều kiêng kị nào.

“Với 2 nét tín ngưỡng là cúng cô hồn và báo hiếu cha mẹ, tôi nghĩ chúng ta vẫn có thể duy trì. Tuy nhiên, cần phải nhìn vào mặt tích cực của những tập tục này để hướng bản thân mình đến những điều tốt đẹp, hướng thiện, loại bỏ những thói quen xấu. Còn những điều kiêng kị không nên thực hiện theo”, ông Thịnh nêu quan điểm.

Thượng tọa Thích Thanh Huân, trụ trì chùa Pháp Vân cũng cho rằng trong Đạo Phật không có quan niệm tháng nào là “tháng xui, tháng an” cả. Việc kiêng kị và đốt vàng mã, cúng bái đều là những biểu hiện của việc mê tín dị đoan. Theo tinh thần Phật Giáo, tháng 7 là tháng báo hiếu của những người con đối với ông bà, cha mẹ còn sống hoặc đã khuất. Bước vào tháng 7 thì các chùa thường lập đàn tụng kinh Vu Lan để cầu siêu cho ông bà cha mẹ và làm lễ cầu siêu, xá tội vong nhân, giúp họ được siêu thoát.

“Trong mỗi con người đều có phước đức, nếu tích phước, làm việc thiện, luôn hướng tới những điều tốt đẹp thì không sợ bao giờ phải sợ ma quỷ. Ngược lại làm điều xấu, thì chắc chắn sẽ gặp những điều không may mắn”, Thượng tọa Thích Thanh Huân khẳng định.


Theo Dân Trí

 


Tin tức mới nhất