Tác dụng của lá đinh lăng đối với sức khoẻ

Bài viết của BSNT. Đặng Hạnh - khoa Y học cổ truyền Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, lá đinh lăng ngoài làm gỏi, rau ăn sống, còn là thảo dược quý chữa bệnh trong Đông y. Cây đinh lăng được dùng làm cây cảnh và làm thuốc trong y học cổ truyền.

Đinh lăng tên khoa học là Polyscias fruticosa (L.) Harms - loài thực vật thuộc họ Araliaceae, được rất nhiều nước trên thế giới sử dụng làm thuốc và mang lại những hiệu quả điều trị tuyệt vời.

Trong đinh lăng chứa saponin, alkaloid, glycoside, polyphenol, flavonoid, tannin, vitamin (C, B1, B2 và B6) và acid amin. Trong đó, saponin được coi là thành phần chính của P. fruticosa. Các hợp chất trên rất cần thiết cho quá trình chuyển hóa trong cơ thể, đặc biệt là quá trình chống oxy hóa ở mô.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng đinh lăng rất nhiều tác dụng như: Tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể; cải thiện khả năng sinh sản ở nam giới; chống mệt mỏi, bổ dưỡng, tăng cảm giác thèm ăn, ngủ ngon; tăng khả năng lao động, tăng cân; giải độc, mát gan.

Đặc biệt, gần đây các nhà khoa học đã chứng minh đinh lăng có tác dụng chống trầm cảm, chống căng thẳng, cải thiện trí nhớ, chống oxy hóa, hạ đường huyết, bảo vệ gan, hạ lipid máu, kháng nấm và kháng khuẩn.

Ngoài ra, lá đinh lăng còn được dùng hỗ trợ điều trị các bệnh thoái hóa thần kinh như bệnh Parkinson, bệnh Alzheimer vì cải thiện các triệu chứng run, mất thăng bằng, mất ngủ, suy giảm trí nhớ, căng thẳng thần kinh, suy nhược thần kinh.

Lá đinh lăng tác dụng chống suy giảm trí nhớ, tăng cường cho hệ thần kinh bởi chứa nhiều vitamin nhóm B, nhất là vitamin B1.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu cho thấy lá đinh lăng tác dụng tăng biên độ điện thế não, tăng khả năng tiếp nhận của các tế bào thần kinh vỏ não.

Bệnh Parkinson là một trong những bệnh thoái hóa thần kinh phổ biến nhất, đặc biệt là do mất tế bào thần kinh dopaminergic. Kết quả là giảm chất dẫn truyền thần kinh dopamine ở thể vân dẫn đến một số khiếm khuyết về vận động và một số triệu chứng không liên quan đến vận động.

Mặc dù nguyên nhân của bệnh vẫn chưa được biết rõ nhưng các nghiên cứu trước đây cho rằng nguyên nhân liên quan đến nhiều yếu tố như di truyền, tác nhân môi trường và lão hóa.

Trong số đó, các yếu tố dẫn đến stress oxy hóa có thể đóng vai trò trong sự phát triển và tiến triển của bệnh. Các thành phần hóa học trong đinh lăng có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh Parkinson.

Có nên uống nước lá đinh lăng hàng ngày?

Theo BSNT. Đặng Hạnh nước lá cây đinh lăng nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng nước lá cây đinh lăng hằng ngày thay cho nước lọc vì nó có thể gây ra các tác dụng không mong muốn cho cơ thể.

Trong lá cây đinh lăng có thành phần là saponin có thể gây mệt mỏi, nôn mửa và hoa mắt chóng mặt. Vì vậy, chỉ nên uống nước lá cây đinh lăng với lượng vừa phải, trong thời gian nhất định và cần tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu dùng hằng ngày.

Có nên uống nước lá đinh lăng thường xuyên?-1
Nước lá đinh lăng rất tốt cho sức khoẻ

Ngoài ra, lá đinh lăng tươi khi mới hái còn nhiều nhựa, đặc biệt là lượng sapnopin trong lá tươi rất cao, nếu nạp vào một lượng lớn có thể gây ra tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa ở những người mắc hội chứng ruột kích thích.

Khi phơi khô, chất sapnopin sẽ giảm đi đáng kể, nhờ đó không đem lại một số tác dụng phụ như trên.

Ngoài ra, khi phơi khô để nấu nước, pha trà, bạn sẽ cảm nhận được mùi thơm, hương vị nhẹ nhàng. Vì vậy, uống lá đinh lăng khô sẽ rất phù hợp với ai không thích mùi hăng, nồng của lá tươi.

Những điều cần lưu ý khi uống nước đinh lăng

Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, khi áp dụng bất cứ bài thuốc nào từ lá đinh lăng cũng cần chú ý:

- Trong lá đinh lăng có nhiều saponin nên nếu lạm dụng sử dụng quá nhiều rất dễ gặp phải một số tác dụng phụ chóng mặt, hoa mắt, khó chịu, mệt mỏi,... Vì thế, tùy vào từng trường hợp cụ thể mà cân nhắc liều lượng sử dụng cho phù hợp, không được uống kéo dài.

- Trẻ em không nên uống nước lá đinh lăng mà chỉ nên dùng ngoài da vì hệ cơ quan của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, nếu lạm dụng uống nước lá đinh lăng có thể ảnh hưởng xấu tới tổng trạng cũng như hệ tim mạch.

- Tuy là dược liệu thiên nhiên ít độc nhưng khi dùng với liều lượng nhiều vẫn có nguy cơ bị ngộ độc, nhất là ở phổi, gan, dạ dày, tim, ruột.

- Thai phụ trong 3 tháng đầu không nên uống lá đinh lăng để tránh ảnh hưởng đến thai nhi.

Nhìn chung, lá đinh lăng là dược liệu tự nhiên nên khi đã biết lá đinh lăng có tác dụng gì và quyết định sử dụng thì cần phải kiên trì thực hiện đều đặn, không được nôn nóng vì tác dụng mà nó mang lại không thể nhanh như việc dùng thuốc Tây y.

Tất cả bài thuốc từ lá đinh lăng đều cần có thời gian thẩm thấu và phát huy công dụng thì mới có hiệu quả.

Song song với việc dùng lá đinh lăng để hỗ trợ bảo vệ sức khỏe cũng cần có chế độ sinh hoạt và ăn uống khoa học. Sự kết hợp này sẽ giúp quá trình trị bệnh diễn ra suôn sẻ và tránh được nguy cơ bệnh diễn tiến nghiêm trọng.

Theo VTC News