Tuần qua, trên các diễn đàn giáo dục, phụ huynh nhiều trường mầm non phản ánh việc con vừa đi học nhà trẻ đã bị yêu cầu đóng quỹ lớp. Có nơi, thu 800.000 đồng/học sinh đến hơn 1 triệu đồng/học sinh. 

Đọc những dòng tin này, chị Huyền (quận Bình Thạnh, TPHCM) chỉ biết thở dài. Là người đi làm công ăn lương, chị hiểu cảm giác của những cha mẹ phải lo toan đủ thứ từ tiền nhà, tiền ăn, tiền điện, tiền khám bệnh... rồi hàng tháng phải đóng học cho con. Nay lại thêm tiền quỹ lớp khiến không ít gia đình đau đầu.

Ngẫm lại những ồn ào về thu chi đầu năm và tai tiếng mang tên "hội phụ huynh", chị Huyền thấy may mắn vì nơi con mình học không thu quỹ lớp, quỹ trường. 

"Con tôi năm nay vào lớp mầm. Hai năm đi học nhưng chưa bao giờ tôi nhận được thông báo đóng khoản quỹ nào. Chỉ riêng quà tặng cuối năm cho các cháu, nhà trường vận động trên tinh thần tự nguyện, ai có bao nhiêu đóng bấy nhiêu", chị Nguyễn Huyền nói. 

Con đi học chẳng đóng quỹ lớp và cách ứng xử được khen ngợi của cô giáo-1
Mỗi phụ huynh đóng góp một chút công sức để tạo nên bữa tiệc nhân ngày lễ cho học sinh mầm non (Ảnh: Phụ huynh cung cấp).

Ngay cả khi được bầu làm trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp, rồi lên cấp trường, phụ huynh này cũng từng đề xuất cô giáo được lập quỹ hoạt động nhưng cô từ chối. 

"Không chỉ tôi mà nhiều phụ huynh khác cũng đề xuất lập một khoản quỹ nhỏ để tổ chức hoạt động cho các con nhưng lần nào cô cũng lắc đầu.

Cô giáo giải thích nhà trường quy định không tổ chức thu bất cứ khoản nào ngoài nội dung đã cố định cho việc học (gồm học phí, tiền bán trú, tiền phục vụ, tiền nước uống, học phẩm...). Mọi khoản thu đều trên hệ thống ngân hàng, không dùng tiền mặt nên rất công khai, rõ ràng", nữ phụ huynh kể. 

Song, không vì thế mà trường dừng tổ chức hoạt động ngoại khóa cho trẻ. Bất cứ ngày lễ nào như: Khai giảng, giỗ tổ Hùng Vương, 8/3, 20/10, 20/11, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán... trường và lớp đều rộn ràng không khí. 

Mỗi phụ huynh sẽ chuẩn bị cho trẻ một ít bánh kẹo hay hoa quả để mang đến chung vui. Tết Trung thu thì mang theo đèn lồng còn ngày khác sẽ chuẩn bị các vật dụng phù hợp.

"Tôi thấy như vậy lại vui. Trẻ con và người lớn đều háo hức lắm. Phụ huynh thấy được trách nhiệm của mình trong nuôi dạy con. Họ thực sự được chung tay thay vì chỉ đóng tiền rồi trường thích làm gì thì làm", chị Huyền bày tỏ.  

Theo vị trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh, chính cách làm của nhà trường khiến phụ huynh đều hài lòng. Ai có thể đóng góp được gì đều rất vui vẻ.

Mong muốn của phụ huynh là vậy, song thực tế không phải đơn vị nào, hội phụ huynh nào cũng làm được như thế. 

Gần đây, chị M. - một phụ huynh có con 2 tuổi học tại một trường mầm non tư thục của tỉnh Thái Bình - khi không đồng ý đóng 400.000 đồng quỹ lớp đã bị một số phụ huynh khác phản ứng gay gắt.

Con đi học chẳng đóng quỹ lớp và cách ứng xử được khen ngợi của cô giáo-2
Phụ huynh không đóng quỹ lớp bị "dọa" phải chuyển trường hoặc cho con ra rìa (Ảnh: PH).

Nội dung tin nhắn liên quan đến khoản 400.000 đồng tiền quỹ lớp được gọi là "kế hoạch thu chi quỹ phụ huynh".

Các khoản dự chi gồm: Quỹ thăm hỏi hiếu hỉ tang với giáo viên trường; quỹ cho hoạt động ngoại khóa; sinh nhật cho các bạn học sinh trong lớp…

Khi phụ huynh M. từ chối tham gia đóng tiền quỹ lớp vì cho rằng "chưa hợp lý" đã bị phụ huynh khác nói rằng nếu chị M. không đồng ý đóng quỹ thì có thể cho con chuyển trường, chuyển lớp.

Hoặc nếu lớp tổ chức sinh nhật cho bé nào thì bé không đóng quỹ "ra ngồi một góc".

Câu chuyện quỹ lớp, quỹ trường vẫn đang là chủ đề bàn thảo sôi nổi trên các diễn đàn phụ huynh trong suốt thời gian qua. 

Theo Dân Trí