Bước vào ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời: Đỗ đại học, với các học sinh luôn là một cảm giác tuyệt vời, vì 12 năm đèn sách của các em được đền đáp, ước mơ tương lai sẽ có cơ hội chắp cánh.
Nhưng với số ít phụ huynh, niềm hạnh phúc, hãnh diện ấy có thể kéo theo nỗi lo về những chi phí cho tân sinh viên.
Chị L.T.A.T (ngụ tại phường 10, quận 6, TP.HCM) nằm trong số đó. Chị T. là một góa phụ, một mình nuôi con trai khôn lớn bằng nghề tạp vụ cho một tập đoàn địa ốc. S., con trai chị T. học giỏi, và vừa được báo tin trúng tuyển Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch với điểm cao.
Chị T. mừng, nhưng cũng lo, vì trong những tháng ngày tiếp theo, việc lo học phí cho con tại trường Y là một thách thức lớn. Nhưng người mẹ không muốn "chặt" đi đôi cánh ước mơ của đứa con duy nhất. Chị viết đơn lên công ty, xin được ứng trước 14 triệu đồng để làm thủ tục nhập học cho con.
Chị T. hy vọng đơn sẽ được duyệt tiền ứng trước sẽ trừ dần vào lương hàng tháng. Chị T. không còn người thân thích, không có nhà và cũng không có tiền tích lũy cho tương lai của con trai, chỉ có đôi bàn tay và sức lao động.
Nhận đơn, trưởng bộ phận nhân sự chuyển lên cấp trên. Nhưng kết quả báo về: Lá đơn của chị T. đã được Tổng Giám đốc xem, định duyệt, nhưng đến tay Chủ tịch Tập đoàn, nó KHÔNG ĐƯỢC CHẤP NHẬN.
S., con trai chị L.T.A.T đỗ Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch với điểm cao (Ảnh: PLO)
"Tờ đơn của chị không được lãnh đạo Tập đoàn duyệt, nhưng con chị vẫn sẽ có tiền đi học. Lãnh đạo tập đoàn sẽ thưởng cho cậu bé 50 triệu đồng nếu đạt thủ khoa và hỗ trợ 3 triệu đồng mỗi tháng cho việc học", Trưởng bộ phận nhân sự thông báo với chị T.
Vậy là, người mẹ tạp vụ không được vay tiền để đóng học cho con, vì lãnh đạo của chị có một kế hoạch khác cho cậu bé. Được biết, chị T. đã làm tạp vụ ở đó 3 năm.
Không chỉ trả lương, lãnh đạo còn cho phép mẹ con chị ở nhờ trong một căn hộ chung cư do Tập đoàn xây dựng tại phường 10, quận 6.
Với điểm thi vào ngành Y Khoa, Đại học Y Phạm Ngọc Thạch (chưa tính điểm ưu tiên) là 28,75 điểm, có khả năng con trai chị T. sẽ là thủ khoa ngành và đồng thời là thủ khoa toàn trường.
Nếu là thủ khoa, nam sinh sẽ được sếp của mẹ "thưởng nóng" và hỗ trợ học phí. Đoạn sau của trường Y có thể vất vả, nhưng khởi đầu tuyệt với cho một cậu bé 18 tuổi đã khiến ai nấy rưng rưng xúc động.
Tinh thần nhân văn của câu chuyện được lan tỏa qua hàng nghìn bình luận của người dùng internet trên mạng xã hội.
- Đọc mà xúc động quá! Cảm ơn những tấm lòng, những người gieo mầm tử tế trong cuộc đời!
- Đầu tư cho nhân tài là không bao giờ sai. Công ty quá đỉnh, nhân văn và tinh tế.
- Thật đáng trân trọng đức hy sinh cao cả của người mẹ và nghị lực của cháu. Tấm lòng của lãnh đạo Tập đoàn đã giúp cháu cũng quá tuyệt vời, là điều đáng trân trọng giữa mùa Covid.
Theo Pháp luật và Bạn đọc