“Sáng nay, họa sĩ nhí Tống Hạo Nhiên đã đột ngột ra đi, không để lại cho tôi một lời nào”, ngày 23/11/2021, nhà kinh tế học nổi tiếng Trung Quốc Tống Thanh Huy đã chia sẻ tin buồn về con trai mình trên mạng xã hội.  

Ông Tống Thanh Huy cho biết, sự ra đi của con trai là quá bất ngờ và đột ngột đối với gia đình. Theo ông, bi kịch của gia đình mình còn là một lời cảnh tính lớn đến nhiều phụ huynh khác.

Bi kịch buổi sáng định mệnh

Vào ngày 23/11/2021, như thường lệ, Tống Hạo Nhiên thức dậy lúc 5 giờ 50 phút, ăn sáng và cùng mẹ - bà Đan Diễm Hồng đi xe buýt đến trường. Tuy nhiên, hôm đó người mẹ có việc phải đi sớm nên đã để lại tiền ăn sáng cho con.

Khoảng 6 giờ 30 phút, bà Đan Diễm Hồng phát hiện định vị trên đồng hồ điện thoại của Tống Hạo Nhiên vẫn ở trong khu nhà, liền gọi điện hỏi chồng xem con có để quên đồng hồ ở nhà không. Sau khi được chồng xác nhận là không, bà linh cảm có chuyện chẳng lành. Ngay lập tức, ông Tống Thanh Huy đã ra ngoài tìm kiếm con.

Con trai lớp 7 nhảy lầu từ tầng 17, ông bố giở cặp sách của con ra xem thì ngã quỵ trước 1 xấp giấy-1
Cậu bé lớp 7 đã không đến trường, và cũng không quay về nhà nữa

“Tôi điên cuồng tìm kiếm khắp nơi và phát hiện ra con sau 20 phút”, ông Tống Thanh Huy nghẹn ngào kể lại. Con trai ông đã rơi từ tầng 17 xuống ban công tầng 2. Do cửa sổ ban công tầng 2 có lắp song sắt bảo vệ nên ông phải phá song sắt để vào trong. 

“Sáng hôm đó trời rất lạnh, con trai tôi nằm im lặng ở đó, trông rất cô đơn, bên cạnh đầu là một vũng máu. Lúc đó chỉ có hai chúng tôi, tôi vừa liên tục hô hấp nhân tạo cho con, vừa gọi cấp cứu, cảnh sát và người nhà. Khi mọi người đến nơi thì tay con trai tôi đã lạnh ngắt.”

Nhân viên cấp cứu đến hiện trường xác nhận Tống Hạo Nhiên đã tử vong. “Họ nói không còn hy vọng cứu chữa nữa, tôi đành bất lực nhìn con ra đi mà không thể làm gì được. Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho bản thân mình”, ông Tống Thanh Huy đau đớn nhớ lại.

Sự ra đi của Tống Hạo Nhiên là một cú sốc quá lớn đối với gia đình. Vài ngày trước khi xảy ra sự việc, cậu bé còn nói với mẹ rằng sắp đến kỳ thi thể dục: “Mẹ ơi, hãy nấu cho con món gì ngon ngon để bổ sung năng lượng nhé”. Không chỉ vậy, Tống Hạo Nhiên còn cho bố xem bức tranh vẽ dang dở của mình. “Con nói rằng con đang vẽ một bức tranh lớn, khác với những bức tranh trước đây, lần này con dùng bút bi và đã phác thảo xong, chỉ cần thêm một tháng nữa là hoàn thành”.

Niềm đam mê hội họa dang dở

Sau khi kiểm tra đồ đạc và cặp sách của con, vợ chồng ông Tống đã tìm thấy một xấp giấy dày, trên đó là biết bao bức tranh đang vẽ dở. 

Trong mắt ông Tống Thanh Huy, con trai tuy học lực trung bình nhưng tính tình rất tốt, yêu thích vẽ tranh và đá bóng, có nhiều bạn bè thân thiết. Ông vẫn chưa thể chấp nhận được sự ra đi đột ngột của con.

Tống Hạo Nhiên rất đam mê hội họa. Cậu bé từng nhiều lần chia sẻ với bố về ước mơ trở thành một họa sĩ lớn. Cậu còn đặt tên WeChat của mình là “Họa sĩ lớn Tống Hạo Nhiên”.

Con trai lớp 7 nhảy lầu từ tầng 17, ông bố giở cặp sách của con ra xem thì ngã quỵ trước 1 xấp giấy-2
Những bức tranh dang dở của Hạo Nhiên khiến bố mẹ đau xót

Ông Tống Thanh Huy cho biết, con trai đã bộc lộ niềm đam mê hội họa từ năm 1 tuổi. “Chỉ cần nhìn thấy một mẩu giấy, con sẽ lấy bút vẽ ra và chăm chú vẽ cho đến khi rời khỏi thế giới này.”

Người cha chia sẻ, con trai mới học cấp hai được hơn hai tháng nhưng trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, Tống Hạo Nhiên dường như đã đánh mất niềm đam mê vẽ tranh và trở nên buồn bã. “Trong hơn hai tháng học cấp hai, mỗi ngày con đều phải làm bài tập đến khuya, thậm chí có những hôm còn phải làm thêm vào sáng hôm sau trước khi đi học. Trường học tổ chức kiểm tra hàng tuần và kết quả kiểm tra ảnh hưởng rất lớn đến tâm trạng của con.” Mỗi khi như vậy, cậu bé thường tìm đến cuốn sách yêu thích “Bản thảo Van Gogh”, đọc đi đọc lại đến nỗi cuốn sách gần như rã rời.

Nghi vấn áp lực học tập quá lớn

Ông Tống Thanh Huy vẫn còn nhớ như in hình ảnh con trai trở về nhà sau kỳ kiểm tra gần nhất. “Theo quy định của trường, học sinh phải mang tất cả sách vở về nhà. Tôi vẫn nhớ rõ hình ảnh con trai đeo ba lô nặng trĩu trên vai, cổ đeo túi sách nặng đến nỗi hằn lên những vết đỏ…”

Ông liên tục hồi tưởng lại những nguyên nhân có thể khiến con trai mình tìm đến cái chết. “Một ngày trước khi sự việc xảy ra, Tống Hạo Nhiên đã bị phê bình trong nhóm chat của lớp vì chưa hoàn thành bài tập. Con trai tôi khá tự ái, có thể đã không chịu đựng được.” “Kết quả kiểm tra giữa kỳ không được như mong muốn, con trở về nhà với vẻ mặt buồn bã. Lúc đó, vợ tôi đã phải an ủi và động viên con rất nhiều…”

Con trai lớp 7 nhảy lầu từ tầng 17, ông bố giở cặp sách của con ra xem thì ngã quỵ trước 1 xấp giấy-3
Chia sẻ của nhà kinh tế học Tống Thanh Huy đã khiến dư luận chú ý suốt thời gian dài

Ông Tống chia sẻ với phóng viên rằng sau khi con trai qua đời, ông và vợ đã không ngừng tự vấn bản thân. Tuy nhiên, ông vẫn cho rằng “việc học quá tải, kiểm tra hàng tuần, nhà trường thiếu quan tâm và làm việc hình thức trong việc hỗ trợ tâm lý cho học sinh là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hành động dại dột của con trai tôi”. 

Người cha cho biết, kể từ khi con trai lên cấp hai, cả con và bố mẹ đều luôn trong trạng thái lo lắng. Nhà trường có rất nhiều phần mềm điểm danh, nhóm bài tập, nhóm phụ huynh, nhóm ban phụ huynh, thậm chí cả bài tập thể dục cũng phải điểm danh. Một số phần mềm còn thu phí rất cao, ví dụ như phần mềm học từ vựng tiếng Anh có giá 700 tệ (khoảng 2,3 triệu đồng).

“Sự ra đi của con trai Tống Hạo Nhiên đã thay đổi cuộc sống của chúng tôi rất nhiều. Tôi hy vọng rằng từ sự mất mát này, chúng ta có thể rút ra bài học để suy nghĩ lại. Tôi cũng muốn dùng cách này để tưởng nhớ con trai”, nhà kinh tế học đau xót nói.

Theo Sức khoẻ đời sống