"Con thuộc động tác thể dục, tại sao lại bị 'H'?"
Chị N.N.H. (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ bảng điểm học kỳ 1 toàn 10 và "T" của con gái lớp 5. Bảng điểm sẽ hoàn hảo nếu như không có 1 chữ "H" ở môn thể dục.
Hai ký hiệu "T" và "H" là viết tắt của mức "hoàn thành tốt" và "hoàn thành", áp dụng với các môn học đánh giá bằng nhận xét ở bậc tiểu học.
"Nhìn bảng điểm của con mà tôi tiếc nuối, dằn vặt. Con có ý thức tốt, rất thuộc các động tác trong môn thể dục. Không hiểu vì sao thầy lại chỉ đánh giá con ở mức 'hoàn thành', để con bị một chữ 'H' oan uổng.
Tôi tự hỏi liệu con có bị oan không hay có phải thầy khắt khe quá với con không?", chị H. tâm sự.
Một bảng điểm không đạt danh hiệu "hoàn thành xuất sắc" vì có môn mỹ thuật chỉ đạt "hoàn thành" (Ảnh: NVCC).
Cùng hoàn cảnh là con trai chị N.M.P. (Hoàng Mai, Hà Nội), cháu có 3 điểm 10 ở các môn toán, tiếng Việt, tiếng Anh, được đánh giá "T" ở phần lớn các môn học đánh giá bằng nhận xét. Riêng môn âm nhạc chỉ đạt "H".
"Việc đánh giá bằng nhận xét khiến nhiều con trượt danh hiệu 'hoàn thành xuất sắc' trong xót xa. Phần đánh giá chung chung, phụ huynh đọc cũng không hiểu vì sao bạn kia được 'T' mà con mình chỉ được 'H"", chị P. nêu quan điểm.
Chị P. cũng từng có con lớn bị loại hồ sơ dự tuyển vào lớp 6 Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam vì "dính H" ở môn thể dục năm lớp 1. Do đó, với con thứ hai, chị ngồi ôn tập cùng con tất cả các môn học, thậm chí tập cùng con các bài thể dục cho thật thuần thục từng động tác.
Việc con có "H" trong bảng điểm học kỳ I khiến chị lo lắng, bất an đến mất ăn mất ngủ.
"Con còn học kỳ II để phấn đấu xóa 'H' nhưng với cách đánh giá này, tôi không biết con mình cần tiêu chí gì mới lên được 'T'.
Tôi xin khẳng định các bạn cùng lớp con tôi đạt 'T' ở môn âm nhạc không nhờ có năng khiếu gì đặc biệt. Vậy điều gì còn thiếu sót ở con? Tôi thường xuyên tự hỏi như vậy và cảm thấy áp lực kinh khủng", chị P. chia sẻ.
Giáo viên cũng áp lực khi đánh giá học sinh
Cô N.P.L., giáo viên môn âm nhạc tại Hà Nội, thổ lộ: "Mỗi lần đánh giá học sinh cuối kỳ là một lần áp lực".
Theo cô L., nếu đánh giá đúng theo Thông tư 27 (Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT quy định đánh giá học sinh tiểu học), không có nhiều học sinh đạt mức "hoàn thành tốt" ở môn âm nhạc.
Để được "T", học sinh không chỉ thuộc bài hát, hát đúng giai điệu, đọc được nốt nhạc, mà còn phải biết cách thể hiện bài hát một cách diễn cảm, tự tin, biết vận động theo nhịp điệu bài hát…
Tuy nhiên, phần lớn giáo viên dạy các môn học đánh giá bằng nhận xét như âm nhạc, mỹ thuật, thể dục đều "lỏng tay" khi đánh giá học sinh. Tỷ lệ "hoàn thành tốt" luôn vượt trội so với tỷ lệ "hoàn thành". Rất hiếm học sinh bị xếp loại "chưa hoàn thành".
Song, điều này vô tình khiến phụ huynh cho rằng các môn học này đương nhiên phải được "T" dù học sinh chỉ ở mức "H".
Đồng quan điểm, thầy Bùi Văn Tú - giáo viên dạy giáo dục thể chất Trường THCS và THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội - cho rằng cha mẹ không đánh giá đúng năng lực môn học của con bằng thầy cô giáo dạy trực tiếp.
Bên cạnh đó, giữa "hoàn thành tốt" và "hoàn thành" có sự khác biệt không quá nhiều nên cha mẹ đôi khi hiểu sai lệch, dẫn tới những suy đoán không tốt về sự công tâm của giáo viên.
Thầy Tú dẫn chứng về một bảng đánh giá môn giáo dục thể chất ở khối 5. Mức "T" được áp dụng khi học sinh thực hiện tốt các bài tập, các nội dung môn học, tích cực trong giờ học, mạnh dạn trong các hoạt động, biết cách điều khiển lớp tập luyện…
Nếu học sinh chỉ dừng ở việc "thuộc bài", thực hiện được các bài tập theo mẫu thì chỉ đạt mức "H".
Bản đánh giá chi tiết ở hai mức "hoàn thành tốt" và "hoàn thành" của môn giáo dục thể chất lớp 5 (Ảnh chụp màn hình).
Cũng theo thầy Tú, quy định xếp loại "hoàn thành tốt", "hoàn thành" ở bậc tiểu học đôi khi gây khó cho chính giáo viên bởi khoảng cách không lớn. Ở bậc THCS, giáo viên dễ đánh giá học sinh hơn vì chỉ có hai mức "đạt" và "chưa đạt".
Ở góc độ chuyên môn, thầy Tú nhận định phần đa giáo viên dạy thể dục tạo điều kiện cho học sinh dễ đạt "hoàn thành tốt" như giảm tải bài thi, giảm lượng vận động và giảm các thang đánh giá chi tiết.
Song, học sinh cũng cần đạt yêu cầu môn học ở mức tương đối để gần sát với mức xếp loại mà giáo viên đã ưu tiên.
Học sinh tiểu học tại Hà Nội trong một giờ tập luyện thể thao (Ảnh: NVCC).
Cô N.P.L. chia sẻ thêm: "Tôi luôn cố gắng tạo điều kiện cho các con bằng nhận xét tốt hơn mức các con làm được. Tuy nhiên trong một lớp học không thể 100% đều 'hoàn thành tốt'. Sẽ có bạn yếu hơn một chút và bạn đó phải chấp nhận chỉ được 'hoàn thành' thôi.
Nếu vô tình bạn đó đạt điểm xuất sắc ở các môn toán, tiếng Việt, tiếng Anh, tôi cũng rất tiếc cho con khi chỉ đạt 'H' ở môn âm nhạc. Trường hợp này con cần cố gắng hơn ở học kỳ II vì kết quả cả năm học phụ thuộc vào đánh giá của kỳ II.
Tôi chỉ mong phụ huynh hiểu rằng, nếu phụ huynh áp lực với bảng điểm hoàn hảo của con thì giáo viên chúng tôi cũng áp lực khi thường phải xếp yếu tố chuyên môn xuống sau lợi ích điểm số của các con.
Mà lợi ích điểm số ấy đôi khi tác động xấu đến sự phát triển toàn diện và thực chất của chính các con".
Theo Dân Trí