Ông Juan Vicente Perez Mora, người Venezuela, từng được Guinness ghi nhận là cụ ông cao tuổi nhất thế giới, đã qua đời vào ngày 2/4 ở tuổi 114. Trước đó, vào ngày 4/2/2022, Guinness chính thức công nhận ông là người đàn ông sống lâu nhất thế giới khi ông ở tuổi 112 và 253 ngày.

Ông sinh ngày 27/5/1909 tại thị trấn El Cobre, bang Tachira, Venezuela, là người con thứ 9 trong một gia đình có 10 anh chị em. Sau này, ông chuyển đến làng Los Pajuiles, bang San José de Bolivar và dành phần lớn cuộc đời để làm nông tại đây. Ngoài công việc đồng áng, ông từng đảm nhiệm vai trò cảnh sát trưởng địa phương trong hơn một thập niên. Với 11 người con, tính đến năm 2022, ông có 41 cháu, 18 chắt và 12 chút.

Theo bác sĩ, sức khỏe của ông Perez Mora khá ổn định, chỉ gặp chút vấn đề về huyết áp và thính giác. Đặc biệt, ông không phải dùng thuốc điều trị. Gia đình và người quen đều ngợi khen ông vẫn minh mẫn, dù tuổi cao.

Cụ ông thọ tới 114 tuổi, có 41 cháu, 18 chắt và 12 chút: Bí quyết không phải tập thể dục-1
Ở thời điểm hơn trăm tuổi, cụ ông vẫn duy trì sự minh mẫn của mình.

Cháu trai của ông chia sẻ: "Ông mang lại sự bình yên và niềm vui cho những người xung quanh. Ông sống giản dị, hài lòng với những gì mình có và luôn biết ơn cuộc sống. Đối với ông, gia đình là nguồn động lực to lớn."

Theo đó, 3 bí quyết để sống lâu và khỏe mạnh của cụ ông này chính là: làm việc chăm chỉ, tư tưởng thoải mái và luôn đi ngủ sớm.

Ngủ sớm

Một nghiên cứu công bố trên tạp chí QJM vào năm 2024 cho thấy, giấc ngủ chất lượng có thể giúp kéo dài tuổi thọ thêm 4,7 năm đối với nam giới và 2,4 năm đối với nữ giới.

Nghiên cứu này đã khảo sát hơn 170.000 người, thu thập thông tin về tình trạng sức khỏe và thói quen ngủ, sau đó đối chiếu dữ liệu này với hồ sơ tử vong trong nhiều năm. Các nhà khoa học đã đánh giá năm yếu tố liên quan đến chất lượng giấc ngủ. Yếu tố đầu tiên là liệu người tham gia có ngủ đủ giấc, tức từ bảy đến tám giờ mỗi đêm. Tiếp đó, họ xem xét mức độ khó khăn của việc vào giấc và duy trì giấc ngủ. Yếu tố thứ tư đề cập đến việc sử dụng thuốc ngủ, và yếu tố cuối cùng là cảm giác sảng khoái sau khi thức dậy.

Để đạt được chất lượng giấc ngủ tốt nhất, một người cần ngủ ít nhất bảy tiếng mỗi đêm, dễ vào giấc và duy trì giấc ngủ ít nhất năm ngày trong tuần, không dùng thuốc hỗ trợ giấc ngủ, và cảm thấy tỉnh táo sau khi thức dậy vào hầu hết các buổi sáng. Những người đạt điểm tối đa về chất lượng giấc ngủ có tuổi thọ cao hơn so với những người có chất lượng giấc ngủ kém hoặc không đạt đủ các yếu tố này.

Duy trì hoạt động sau nghỉ hưu

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Maryland (Mỹ) đã tiến hành một nghiên cứu với sự tham gia của 12.189 nam và nữ trong độ tuổi từ 51 đến 61, kéo dài trong vòng 6 năm. Những người tham gia được khảo sát về công việc, trải nghiệm sau khi nghỉ hưu, tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần. Kết quả cho thấy, những người tiếp tục làm việc sau khi nghỉ hưu có nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng hoặc khuyết tật thấp hơn so với những người hoàn toàn ngừng làm việc. Nghiên cứu này được công bố trên Tạp chí Tâm lý học Sức khỏe Nghề nghiệp.

Các chuyên gia nhận định, việc duy trì công việc sau khi nghỉ hưu mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, bất kể số giờ làm việc hay loại hình công việc. Dù làm việc bán thời gian, toàn thời gian, công việc tự do hay những việc công ích tạm thời, tất cả đều có tác động tích cực đến sức khỏe trong những năm sau nghỉ hưu.

Một nghiên cứu khác từ Đại học Oregon (Mỹ) cũng cho thấy, hoạt động trí óc đến 66 tuổi có thể giúp giảm 11% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân.

Cụ ông thọ tới 114 tuổi, có 41 cháu, 18 chắt và 12 chút: Bí quyết không phải tập thể dục-2

Duy trì sự lạc quan

Một nghiên cứu tại Mỹ, dựa trên hồ sơ sức khỏe của 160.000 phụ nữ thuộc nhiều chủng tộc và nguồn gốc khác nhau, cho thấy những người có tinh thần lạc quan có khả năng sống thọ hơn, đặc biệt là cơ hội thọ trên 90 tuổi cao hơn.

Nhà nghiên cứu Hayami Koga, thuộc Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan, nhận định: "Tinh thần lạc quan hình thành từ các yếu tố xã hội, và nghiên cứu của chúng tôi cho thấy lợi ích của sự lạc quan là đồng đều giữa các nhóm chủng tộc và dân tộc khác nhau. Đây là yếu tố mà chúng ta nên chú ý để cải thiện tuổi thọ cho các nhóm dân số."

Đây không phải là nghiên cứu đầu tiên chỉ ra mối quan hệ giữa tuổi thọ và tinh thần lạc quan. Trước đó, một nghiên cứu vào năm 2019 cho thấy cả nam và nữ có mức độ lạc quan cao thường sống lâu hơn 11% đến 15% so với những người có suy nghĩ tiêu cực. Thậm chí, những người lạc quan có thể sống đến 85 tuổi hoặc hơn.

Theo các chuyên gia, lạc quan không có nghĩa là phớt lờ các áp lực trong cuộc sống, nhưng khi đối mặt với khó khăn, những người này ít khi tự trách mình. Họ xem trở ngại chỉ là tạm thời và tin rằng họ có thể kiểm soát tương lai, mở ra những cơ hội tốt đẹp hơn.

Nhiều nghiên cứu cũng chứng minh rằng tinh thần lạc quan góp phần cải thiện sức khỏe thể chất, giúp điều chỉnh chế độ ăn uống, tăng cường thói quen tập thể dục, cải thiện sức khỏe tim mạch, hệ miễn dịch, chức năng phổi và giảm nguy cơ tử vong.

Theo Người Đưa Tin