Gian nan hành trình giảm béo

Tìm đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội, xin khám và tư vấn điều trị béo phì, anh Nguyễn Đức M. (25 tuổi, trú tại Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ nhiều năm liền anh M. lao vào cuộc chiến giảm béo

Lên Hà Nội học đại học, thói quen sinh hoạt đảo lộn thức khuya, ăn nhiều nên từ chàng trai gầy còm anh M. tăng lên 70 rồi 80 và hiện tại là 104kg. Nhiều lần anh M. lấy động lực giảm cân từ uống thuốc, nhịn ăn, tập gym, mặc quần áo mưa đi bộ cả chục cây số… nhưng dừng là cân nặng trở về như cũ hoặc tăng thêm.

Béo phì khiến anh tự ti, trầm cảm. Càng stress, M. càng thèm ngọt nên tạo thành vòng luẩn quẩn. Anh cho biết sau khi học xong đại học, bản thân gặp nhiều khó khăn khi đi xin việc vì cơ thể quá khổ. 

Thậm chí, nhiều người tỏ vẻ kỳ thị với thân hình của anh. 25 tuổi, M. không dám yêu ai. Hiện tại, anh làm công việc tự do. M. mong muốn giảm về 70-75kg để vóc dáng phù hợp với chiều cao 169cm.

Cuộc chiến giảm cân gian nan của nhiều người trẻ-1
Cuộc chiến giảm cân ở người trẻ. Ảnh BSCC

Cũng giống như M., chị C.L.A (28 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) dành rất nhiều tâm sức để giảm béo nhưng không thành công. Người phụ nữ cho biết chị còn áp dụng đủ phương pháp từ nhịn ăn, ăn kiêng, tập luyện, quấn nóng ở các spa tốn cả trăm triệu đồng nhưng đều thất bại. Chị không dám nhịn ăn vì tình trạng hoa mắt, chóng mặt.

Từ người phụ nữ mảnh mai chị L.A đang ở mức cân nặng 97kg. Vì thân hình “quá khổ” nên chưa tới 30 chị đã bị đau khớp gối, đi lại khó khăn, leo cầu thang 3 phút đã mệt, khó thở. Nhiều lần, L.A cho biết chỉ ngồi không cô cũng thở rất nặng nề. Tự ti với thân hình của mình vì bị nhiều người kỳ thị nên dần dần cô không muốn tham gia các cuộc vui.

Những nguy hiểm người béo phì phải đối mặt

Theo Phó giáo sư, bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng khoa phẫu thuật ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - người trẻ béo phì thường rơi vào bế tắc. Nhiều bạn trẻ đứng trước cửa ngõ cuộc đời nhưng chỉ vì quá béo mà họ không thể phát triển bản thân. 

Người trẻ béo phì thiếu tự tin muốn khẳng định mình nên họ thường chăm chỉ học hành, học rất giỏi nhưng khi tốt nghiệp đại học không kiếm được việc làm. Tại nhiều quốc gia, người ta cấm phân biệt kỳ thị với người béo nhưng tại Việt Nam chưa có quy định cấm kỳ thị vóc dáng nên đa số người béo phì còn gặp trở ngại. 

Ông cho biết thêm người béo phì còn có đời sống tình cảm khó khăn, gia đình ít hạnh phúc. Vì vậy, nhiều bạn trẻ tìm tới bác sĩ chia sẻ những tình huống “đẫm nước mắt”. Một số bạn trẻ rơi vào trầm cảm, rối loạn tâm thần vì thân hình béo phì, bị kỳ thị. Họ tìm đủ mọi cách giảm cân nhưng tỷ lệ thành công rất ít.

Người béo phì đối diện với nhiều bệnh tật như viêm khớp và thoái hóa khớp gặp trong hơn 50%, ngưng thở khi ngủ. Người béo phì còn bị hen suyễn, cao huyết áp, ung thư, đái tháo đường. Do đó, chúng ta cần nhận thức đúng đắn về bệnh béo phì và điều trị sớm. Phương pháp điều trị là toàn diện, từ tâm lý, thể chất, ăn uống, tập luyện, chăm sóc lâu dài. Tùy trường hợp cụ thể bác sĩ có thể chỉ định điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa. 

Vị bác sĩ này cũng chia sẻ ông từng tiếp nhận nhiều bạn trẻ tuổi ngoài 20 tới xin tư vấn giảm cân bằng cách thu nhỏ dạ dày. Đối với biện pháp này, PGS Tuấn cho biết thu nhỏ dạ dày được này chỉ định cho những người có chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 35. Người có chỉ số BMI từ 30-35 nếu béo phì kết hợp tiểu đường, huyết áp cao, đau khớp hoăc người có chỉ số BMI từ 27-30, bị béo phì kèm tiểu đường nhưng có tình trạng kháng insulin. Hiện nay, phẫu thuật thu nhỏ dạ dày giảm béo có thể thực hiện cho người từ 18 đến 60 tuổi.

Theo Vietnamnet