'Cuộc chiến' khoe điểm con khiến tình bạn bè, chị em ruột tan tác

Không chỉ là những tranh cãi, đấu khẩu trên mạng xã hội, cuộc chiến "khoe điểm con" còn làm tan nát nhiều mối quan hệ chị em, bạn bè thân thiết...

Tình chị em, bạn bè tan nát vì... chuyện khoe điểm con 

"Mày ra khỏi nhà tao đi, không tao block (chặn) mày đấy!", "Mời, ai muốn thì cứ việc block..."

Đó là một trong những bình luận qua lại trên Facebook giữa chị B.M, ở quận Tân Bình, TPHCM với người bạn cũ khi tranh cãi về chủ đề khoe điểm con lên mạng. 

Người này phản đối việc khoe điểm con, chị M. đáp: "Những đứa chê người khác, không cho người khác khoe thì cũng là thứ nghèo rớt mồng tơi, không có gì để khoe".

Bên kia dội về: "Nhìn lại mình đi, mấy đứa không có mới phải đi khoe"...

Cuộc chiến khoe điểm con khiến tình bạn bè, chị em ruột tan tác-1
Bố mẹ khoe điểm số, giấy khen của con tràn ngập mạng xã hội (Ảnh: H.N).

Quan điểm của chị M., bố mẹ nào cũng hãnh diện, tự hào về điểm số, thành tích học tập của con và con mình xứng đáng được khen ngợi. Chị cũng lý giải việc khoe vì muốn nhờ Facebook lưu giữ những khoảnh khắc, kỷ niệm của con. 

Khi chị M. cho hay, bên cạnh nhiều lời chia sẻ, khen ngợi dành cho hai mẹ con thì cũng không ít người lên tiếng phê phán, chê bai việc chị khoe con.

Như người bạn kể trên, tình bạn hơn 15 năm của họ xem như tan vỡ vì xung đột quan điểm chuyện khoe điểm trẻ.

Không chỉ người bạn này, chị M. cũng chặn một số người trái quan điểm hay một số người khác chủ động chặn chị vì "thấy ghét".

Những ngày qua, trên mạng xã hội bùng nổ những cuộc tranh cãi nảy lửa của hai trường phái khoe điểm con và không nên khoe điểm con.

Một bên là "Ghét nhất những người khoe điểm con", bên kia phản pháo lại "Tôi thích tôi khoe. Con tôi giỏi, tôi tự hào thì tôi khoe!".

Không ít trường hợp, mối quan hệ đồng nghiệp, thậm chí cả chị em họ hàng cũng "tan vỡ" vì những tranh cãi căng thẳng, dai dẳng này. 

Chị Ngọc Thân, ở TP Thủ Đức, TPHCM kể những ngày qua chị "gây hấn" khắp nơi từ trong nhà ra ngoài ngõ vì phản đối việc bố mẹ khoe điểm, thành tích của trẻ con.

Chị còn đụng độ, đôi co với cả chị em ruột thịt trong nhà khi trái quan điểm, mọi người tưng bừng khoe điểm con, đánh giá đứa trẻ dựa hết vào điểm số. 

Chị Thân cho rằng, nếu để khen ngợi, khích lệ con thì đâu cần phải đưa lên mạng trong khi ở ngay cạnh mình, còn muốn lưu giữ kỷ niệm thì có chế độ riêng tư. Việc khoe điểm con lên mạng theo chị vì con thì ít mà bố mẹ... "tự sướng" thì nhiều. 

"Theo thôi, điểm số của trẻ nên là bí mật, không nên công khai", người mẹ nêu quan điểm. 

Cuộc chiến khoe điểm con khiến tình bạn bè, chị em ruột tan tác-2
Cuộc chiến khoe điểm con khiến tình bạn bè, chị em ruột tan tác-3
Khoe điểm số, giấy khen của con lên mạng, nhiều phụ huynh gặp phản ứng trái chiều (Ảnh: T.L).

Cách đây không lâu, anh Lê Đức, một ông bố ở TPHCM gây sốt khi đăng bài viết: "Ai khoe điểm con, ra khỏi... nhà tôi".

Anh này tuyên bố sẽ block bạn bè trên Facebook khoe điểm số, giấy khen, điểm tổng kết, điểm thi của con. 

Theo anh Đức, bố mẹ khoe về bản thân thoải mái vì đó là cái của họ, nhưng khoe giấy khen, điểm số của con thì phản cảm, không khác nào đưa con làm trang sức cho mình.

Con học giỏi, điểm tốt ai cũng vui nhưng góc nhìn của anh Đức đó là thành quả của đứa trẻ, không phải của bố mẹ. Bố mẹ khoe thái quá thì hẳn nhiên đứa trẻ phải áp lực với kỳ vọng, sự tự hào đó.

Chưa kể, anh Đức cũng đưa thêm góc nhìn, kết thúc một năm học hay qua một kỳ thi, còn rất nhiều trẻ chưa đạt được kết quả tốt, một sự tế nhị thay cho sự khoe khoang của người xung quanh không bao giờ thừa. 

Áp lực đổ lên vai con trẻ 

Một nhà giáo dục ở TPHCM chia sẻ, bà biết nhiều đứa trẻ có thành tích học tập tốt, điểm số cao... rơi vào căng thẳng, thậm chí có em đã chọn cái chết từ kỳ vọng của bố mẹ. 

Sự tự hào, lời ngợi ca của bố mẹ, của mọi người tạo thành một áp lực vô hình lên tinh thần làm các em không dám dừng lại, luôn phải gồng mình để đạt kết quả tốt hơn nữa hoặc ít nhất giữ được thành tích cũ.

Nếu không các em sợ bố mẹ sẽ thất vọng về mình hoặc chính trẻ sẽ thất vọng về bản thân. 

Cuộc chiến khoe điểm con khiến tình bạn bè, chị em ruột tan tác-4
Nhiều đứa trẻ gánh áp lực tinh thần vì sự kỳ vọng của bố mẹ (Ảnh minh họa: H.N).

Nhiều người nói "Tôi khoe con khi điểm cao, còn khi con điểm thấp, tôi cũng không la mắng con". Tuy vậy, theo vị chuyên gia giáo dục này, kể cả bố mẹ không hề la mắng thì chỉ cần một ánh mắt, buồn phiền, tiếng thở dài hay việc con cảm thấy mình bố mẹ đang mất đi niềm tự hào... đã có thể hạ gục đứa trẻ. 

"Bởi vậy, tôi luôn nhấn mạnh phụ huynh hãy cẩn thận với cả những đứa trẻ điểm cao, đạt thành tích tốt...", bà nhấn mạnh. 

ThS Nguyễn Thúy Uyên Phương, nhà sáng lập chuỗi trường ngoại khóa Tomato bày tỏ, khoe con một sở thích rất tự nhiên và bình thường của các phụ huynh.

Tuy nhiên, việc khoe con cần chú ý là: khoe cái gì và khoe như thế nào. Đặc biệt, phải chú ý đến việc bảo mật thông tin cá nhân cho trẻ cũng như việc liệu cha mẹ có tạo áp lực, kỳ vọng vô hình lên con hay không. 

Tín hiệu vui của các cuộc tranh cãi về khoe điểm con trên mạng theo bà Phương thấy là giờ đây phụ huynh đã dần quan tâm đến vấn đề của trẻ như liệu điểm số cao ở trường học có phải là điều đáng để tự hào, việc khoe con có dẫn đến hệ quả nào mà chúng ta cần cân nhắc, nên khoe như thế nào... 

Đối với việc phụ huynh thích khoe điểm số, "cuồng" điểm số, chuyên gia tâm lý Lê Khanh, Giám đốc chuyên môn Trung tâm tâm lý giáo dục trẻ đặc biệt Diệp Quang (An Giang) cho rằng điều này xuất phát từ nhiều yếu tố như mong ước từ trong vô thức về năng lực vượt trội của con, điều đó sẽ dẫn đến sự thành công trong việc rồi sẽ dẫn đến thành công trong cuộc đời.

Cuộc chiến khoe điểm con khiến tình bạn bè, chị em ruột tan tác-5
Nhiều đứa trẻ có thành tích học tập cao bị áp lực, căng thẳng (Ảnh minh họa: H.L).

Ngoài ra, ông Khanh nhấn mạnh điều này còn xuất phát từ tâm lý háo danh nói chung của nhiều người, con mình có điểm hơn con người ta là vui rồi. 

Điều ông Khanh quan tâm trong câu chuyện này là thành tích, kết quả ảo. Nhiều người lấy điểm số là thước trong việc học mà có khi không cần biết điểm số đó có được từ đâu, có đúng năng lực của con mình hay không.

Đây chính là điều nguy hiểm cho mỗi gia đình và cho cả hệ thống giáo dục...

Theo Dân Trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/cuoc-chien-khoe-diem-con-khien-tinh-ban-be-chi-em-ruot-thit-tan-tac-20230527124625982.htm

bạn bè Phụ huynh

Tin tức mới nhất