Cuộc đời thăng trầm của diễn viên có đôi mắt ngây thơ nhất Việt Nam

(2Sao) - Cuộc sống một mình được Mỹ Duyên rèn luyện từ nhỏ, tự tập với việc phải tự làm mọi việc một mình và đam mê những lĩnh vực khác nhau. Nhờ đó, đã có thêm nhiều kinh nghiệm cần thiết để bổ sung cho các vai diễn của mình.

Mỹ Duyên tên đầy đủ là Lê Huỳnh Mỹ Duyên, sinh năm 1972 tại Sài Gòn, sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống về nghệ thuật. Ngay từ nhỏ, chị đã được định hướng trở thành một diễn viên múa balê giống như mẹ nhưng định mệnh lại đưa Mỹ Duyên thành danh ở lĩnh vực điện ảnh với những bộ phim tiêu biểu như: Vị đắng tình yêu 2, Lưỡi dao, Tình nhỏ làm sao quên, Trái tim chó sói, Chiếc chìa khóa vàng, Lời thề, Xóm nước đen, Đất khách, Gái nhảy, Lọ lem hè phố, Nữ tướng cướp,…

 
Năm 1982, khi mới 10 tuổi Mỹ Duyên cùng với bốn bạn nhỏ khác được gửi sang Saint Peterburg để theo học múa ballet. Chị bảo lúc đó đi Liên Xô học thích lắm, bọn trẻ được bao bọc, được nuôi dưỡng rất đầy đủ. Những đứa trẻ như chị đã bị một thứ “ma thuật” xa lạ nào đó chinh phục nên chúng háo hức tò mò, chẳng mấy khi nhớ đến gia đình. Mỹ Duyên thông minh nên học và tiếp thu rất nhanh, có lẽ nghệ thuật ballet phù hợp với lối sống luôn có chiều hướng khép lại của chị.

Cuộc sống một mình được rèn luyện từ nhỏ, ngay từ khi ấy, chị đã tự tập với với việc phải tự làm mọi việc một mình, nếu muốn mọi việc được như ý. Suốt những năm tháng sống nơi xứ tuyết, đi qua thời tuổi dại và đi qua cả những mùa đông khắc nghiệt, lớn lên cùng những bài tập mệt nhọc để nâng cuộc đời trên những bước chân và nâng cả cơ thể trên mũi bàn chân bé nhỏ. Như không ít cô bé Việt Nam mang ước mơ thiên nga khi ấy, Mỹ Duyên tin rằng, chị sẽ được múa, được sống trong những vở ballet mực thước và hàn lâm nhất.
 
Xa nhà từ khi nhỏ, bốn năm mới được về một lần, nhưng Mỹ Duyên thú nhận, nỗi nhớ nhà chỉ thật sự nung nấu chị vào năm thứ bảy, khi Mỹ Duyên 17 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của người thiếu nữ. Khi ấy, tâm hồn thực sự bừng nở và như lẽ tự nhiên, nó hướng về nơi sinh ra nó. Mỹ Duyên bắt đầu được phân vai trong các vở ballet thể nghiệm của trường.

Một lần, chị được phân vai múa đôi cùng với một diễn viên cùng khóa người Belarus. Chàng trai ấy có đôi mắt sâu thẳm và một hình thể tuyệt vời như thể sinh ra để múa. Hai người trở thành bạn diễn ăn ý. Nghệ thuật múa đôi rất lạ, dường như rất ít đôi không... yêu nhau. Và Mỹ Duyên cũng vậy. Diễn viên ballet đời sống nội tâm càng mạnh thì họ càng đóng kín tâm hồn mình. Sau này có dịp chị kể lại rằng, người bạn múa đôi kỳ diệu đó chính là rung động đầu đời của chị. Học xong, Mỹ Duyên ký hợp đồng biểu diễn với một nhà hát để có cơ hội học tiếp ở Liên Xô. Người phụ trách nhà hát nói thẳng, chị sẽ không thể được phân vai chính vì vóc người nhỏ, lại là người nước ngoài, nhưng họ sẽ để Mỹ Duyên múa trong tốp hai-ba người.
 
Năm 1990, sau 8 năm theo học tại đây, Mỹ Duyên tốt nghiệp với vai diễn trong vở kịch múa Ngọn lửa Paris và cũng là năm đầy biến động ở Liên Xô nên mẹ chị muốn con gái trở về quê. Lần về quê ấy cũng là lần Mỹ Duyên từ giã sân khấu ballet, đơn giản là vì khi về chẳng có nơi nào để biểu diễn cả. Nhưng giấc mơ lộng lẫy ấy vỡ tan, Sài Gòn khi ấy mang dáng dấp của một thành phố nhiều thay đổi. Mọi bộ môn nghệ thuật đều manh nha đổi thay và mông lung trước nhiều định hướng. Các tụ điểm giải trí trở nên sôi động hơn rất nhiều so với các nhà hát.

Các đoàn nghệ thuật nhà nước đang chật vật tìm đường phát triển, và Mỹ Duyên phải nộp đơn xin việc. Một thời gian sau, Mỹ Duyên xin vào làm tại Nhà hát Hòa Bình (Quận 10) với công việc múa minh họa và biểu diễn thời trang trong các chương trình tạp kĩ của nhà hát cũng như nhiều chương trình nghệ thuật lớn như Duyên dáng Việt Nam, đó là công việc giúp Mỹ Duyên duy trì ước mơ và đam mê của mình. Nhưng rồi, Mỹ Duyên đã không gắn bó với múa ở vào thời điểm ấy. Nhưng trong những năm tháng sung sức nhất của đời diễn ngắn ngủi ấy, họ cũng khó lòng được diễn đúng với nhân vật của họ, trong những vở diễn mà họ được học, được tập và mơ ước được diễn cho công chúng của mình.

 
Năm 1993, lúc này Mỹ Duyên đã toát lên vẻ đẹp đậm chất trẻ thơ với đôi mặt tròn xoe và khuôn miệng nhỏ xinh. Mỹ Duyên đăng ký tham dự một cuộc thi tuyển diễn viên cho bộ phim Vĩnh biệt mùa hè của đạo diễn nổi tiếng Lê Hoàng Hoa. Qua nhiều vòng thi, chị đã đoạt vị trí đứng đầu nhưng khi bộ phim bắt đầu khởi quay thì Mỹ Duyên lại không được đạo diễn mời đóng phim mà thay vào đó là nữ diễn viên Việt Trinh đang rất nổi tiếng trong giai đoạn này. Một thời gian sau, Mỹ Duyên nhận được lời mời của đạo diễn Lê Hoàng Hoa tham gia trong bộ phim điện ảnh cổ trang Ngọc trảng thần công.

Nhưng cuộc gặp gỡ trong nghệ thuật giữa Mỹ Duyên và đạo diễn Lê Hoàng có thể nói là một cuộc gặp mang ý nghĩa quyết định, để chị rời bỏ múa và bắt đầu hành trình trở thành một “người tình màn bạc”. Lê Hoàng đã mời chị tham gia diễn xuất trong bộ phim Vị đắng tình yêu 2 với vai một cô ca sĩ người Đài Loan, ăn theo bộ phim quá đình đám ở phần 1. Tuy Ngọc trảng thần công mới là bộ phim đầu tiên Mỹ Duyên được mời đóng phim nhưng nó lại bấm máy sau Vị đắng tình yêu 2 nên đây mới là bộ phim điện ảnh đầu tiên của chị. Trong phim, chị vào vai một cô ca sỹ Đài Loan cùng Lê Công Tuấn Anh, Việt Trinh và Lê Tuấn Anh. Bộ phim ra mắt thất bại, nhưng chị để lại cho khán giả duy nhất nỗi ám ảnh về một đôi mắt biết nói.

 
Cũng trong năm 1993, Mỹ Duyên một lần nữa được đạo diễn Lê Hoàng mời đóng vai chính đầu tiên với nam diễn viên Lê Công Tuấn Anh trong phim Trái tim chó sói. Và với đôi mắt ấy đã dẫn chị đến một vai diễn mà được cho là đáng giá nhất trong sự nghiệp điện ảnh của chị tính đến thời điểm này, đó là Lan Hương của Tình nhỏ làm sao quên với diễn viên Đơn Dương. Vào vai cô gái tửng, có đôi mắt mở to, ngơ ngác nhìn đời, luôn đi tìm cái màu xanh màu nhiệm, như đi tìm một niềm hy vọng nào đó, để rồi cô lật nhào cả cuộc đời mình xuống hồ nước mà không hề biết.

Về sau, khi Mỹ Duyên tiếp tục vào những vai diễn mới của Lê Hoàng, cũng là khi chị thay đổi nhiều lần tính cách, xong, đôi mắt ấy vẫn còn lại. Và như một quan niệm riêng của Lê Hoàng, luôn để cho nhân vật của mình dù ở đáy bùn, vẫn còn nét trong sáng, một chút thiên lương tốt đẹp. Đôi mắt của Mỹ Duyên thích hợp cho điều đó, dù chị có hóa thân thành đủ loại người, dù áo đầm sang trọng hay áo rách lề đường.
 
Năm 1995, Nhà hát Giao hưởng – Vũ kịch TP Hồ Chí Minh được thành lập, Mỹ Duyên được nhận vào biểu diễn tại đây. Tuy nhiên chưa đầy 2 năm sau, chị đã phải ngừng cộng tác với nhà hát vì phải luyện tập quanh năm lịch diễn thì lại quá ít. Vào thời điểm này ngoài những vai diễn điện ảnh, Mỹ Duyên còn được biết đến với vai trò là người mẫu đại diễn cho những sản phẩm mới ra mắt, thường xuyên được mời làm mẫu để chụp ảnh lịch, một hình thức nghệ thuật khá phổ biến lúc bấy giờ .
 
Rồi sau đó với hàng loạt vai diễn điện ảnh và video ấn tượng trong các bộ phim như: Lương tâm bé bỏng, Giọt lệ chưa khô, Ngõ đàn bà, Lưỡi dao, Chiếc chìa khoá vàng, Lời thề... Mỹ Duyên đã trở thành một gương mặt diễn viên sáng giá và được các nhà phê bình điện ảnh đánh giá cao bằng hàng loạt các giải thưởng uy tín, trong đó tên tuổi của chị thường gắn liền với các phim của đạo diễn Lê Hoàng.

Trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 10 (1993) được tổ chức ở Hải Phòng, Mỹ Duyên đã đoạt danh hiệu "Nữ diễn viên xuất sắc nhất" với vai diễn trong 2 phim: Tình nhỏ làm sao quên và Băng qua bóng tối. Năm 1995 với vai Nguyệt trong phim Lưỡi dao, Mỹ Duyên đã được trao giải "Nữ diễn viên điện ảnh được yêu thích nhất" tại Giải Mai vàng, một giải thưởng trong lĩnh vực sân khấu-nghệ thuật do độc giả báo Người lao động bình chọn hàng năm.

Bên cạnh lĩnh vực điện ảnh, Mỹ Duyên còn tham gia đóng phim truyền hình như: Xóm nước đen, Đất khách,... Với vai Hà trong phim Xóm nước đen và vai Hòa Bình trong phim Lời thề, Mỹ Duyên tiếp tục nhận được danh hiệu "Nữ diễn viên điện ảnh được yêu thích nhất" tại lễ trao giải Mai Vàng năm 1996.

Năm 1997, Mỹ Duyên tham gia vào lĩnh vực kịch nói với vai cô gái điên trong vở Người mua hạnh phúc của Sân khấu kịch Idecaf, dù vai diễn đầu tiên này của chị chỉ được nói duy nhất một câu thoại. Sau Người mua hạnh phúc, Mỹ Duyên đã quyết định cộng tác lâu dài với Sân khấu kịch Idecaf và trở thành một diễn viên chính thức tại đây, tham gia trong các vở: Bí mật vườn Lệ Chi, Tin ở hoa hồng, Nắng sớm mưa chiều,... và có điều kiện phát huy sở trường của một diễn viên balê trong các vở nhạc kịch: Tin ở hoa hồng, Sếch-xpia lâm nguy, 12 bà mụ,...

Một thời gian sau, Mỹ Duyên đã dần chứng tỏ được khả năng diễn xuất trên sân khấu kịch khi hai vở diễn mà cô tham gia là: Phép lạThử yêu lần nữa thành công khá ngoạn mục. Với Thử yêu lần nữa, mặc dù đã diễn hơn 100 suất trong suốt một năm vẫn được nhiều khán giả yêu thích.

Sở hữu một nét mặt hồn nhiên, vóc dáng thanh mảnh nên trong suốt một thời gian dài, Mỹ Duyên thường chỉ được mời vào những vai chính diện như các thiếu nữ con nhà lành, hiền thục. Chính vì vậy vào năm 2002, đạo diễn Lê Hoàng đã có công tạo nên một bước đột phá mới và chứng tỏ khả năng diễn xuất đa dạng của Mỹ Duyên khi tham gia vào bộ phim Gái nhảy (tên ban đầu: Trường hợp của Hạnh). Vai diễn của Mỹ Duyên là một cô gái điếm tên Hoa, quậy phá hết cỡ rồi sau đó chết vì ma túy và AIDS.

Đón đọc Phần 2 chân dung về Mỹ Duyên vào tại mục Điện Ảnh của 2Sao vào ngày 7/8/2015.



Độc giả 2Sao đón đọc các bài viết về các diễn viên Việt Nam lừng danh thập niên 90 sẽ được đăng tải liên tục các ngày trong tuần từ 3/8/2015 tại mục Điện Ảnh của 2Sao.

Lý Hùng - "Bạch mã hoàng tử" sáng giá nhất điện ảnh Việt
Bí ẩn về Hoa hậu Việt Nam bỏ showbiz vì bị đồn nhiễm HIV
Diễn viên Công Hậu thoát chết khi cả phim trường bốc cháy dữ dội

Hoàng Khôi

Tin tức mới nhất