Kiên quyết đòi cha mẹ hối hôn để tự tìm người tài đức trao thân gửi phận
Bà Vi Kim Ngọc sinh năm 1916, là con gái của tổng đốc Vi Văn Định. Gia đình họ Vi nổi tiếng thanh thế và giàu có bậc nhất đất Thái Bình lúc bấy giờ. Thiên kim tiểu thư nhà họ Vi có hai người thì nổi tiếng xinh đẹp toàn bích, am hiểu cầm kỳ thi họa cả hai.
Trong hai chị em Kim Ngọc - Kim Phú thì bà Kim Ngọc có phần nổi bật hơn em. Nhiều người tiếp xúc với bà Ngọc đều có chung nhận xét rằng bà tuy xuất thân lá ngọc cành vàng nhưng rất bình dân, giản dị, không mảy may đề cao tầng lớp của mình.
"Cô Kim Ngọc và cô Kim Phú, hai ngôi sao sáng của phiên chợ Thái Bình không dự thi sắc đẹp" (trích từ một bài báo), Thái Bình 1936.
Thời bấy giờ, hôn nhân dựa trên tình yêu còn chưa phổ biến, chủ yếu "cha mẹ đặt đâu con ngồi đó". Năm 13 tuổi, bà Kim Ngọc được cha mẹ thay mặt hứa hôn với một gia đình môn đăng hộ đối. Sau năm 16 tuổi thì bà biết chuyện và phản ứng đầu tiên là không đồng tình.
Bà Kim Ngọc khảng khái yêu cầu cha mẹ "sêu trả" ba năm. Nói theo ngôn ngữ hiện đại là bà muốn hối hôn, nên gia đình phải trả lại số lễ vật nhận được từ nhà trai trong ba năm qua. Vậy là ở tuổi mười tám xuân xanh, trong khi nhiều cô gái cùng lứa tuổi khác đã yên vị với hạnh phúc do gia đình sắp đặt, bà Vi Kim Ngọc quyết hủy hôn và không che giấu ước mong được tự do tìm kiếm hạnh phúc. Bà nhất định phải "chọn người tài đức để trao gửi thân, nếu không gặp được đấng nam nhi hào hùng thì thà ở một mình suốt đời".
Bà Nguyễn Kim Nữ Hạnh, con gái cả của bà Vi Kim Ngọc sau này mới hé lộ nguyên nhân năm xưa mẹ từ chối hôn sự do gia đình sắp đặt: "Sở dĩ mẹ tôi có lòng quyết tâm giành quyền quyết định hạnh phúc cuộc đời mình, không chấp nhận "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy" là do thấy bà ngoại chịu cảnh năm thê bảy thiếp thật đau khổ...". Và mong cầu của bà Kim Ngọc đã được gia đình chấp thuận. Đây có thể nói là việc cực kỳ hi hữu ở thời điểm đó.
Mối duyên với tiến sĩ văn khoa
Nhất quyết nghe theo tiếng gọi của trái tim, trong nhật ký, bà từng viết như sau: "Năm 1935 lúc em còn là thiếu nữ, nhiều thanh niên mong muốn kết duyên chân trần. Nhưng em thờ ơ, ai cũng từ chối. Em đợi chàng trai xứng đáng có đức có tài, có thủy, có chung với em. Em ước có chàng Hoàng Phủ Thiếu Hoa và em sẽ là Mạnh Lệ Quân. Như thế là trai tài gái sắc mới xứng. Đôi ta thích bộ tiểu thuyết Mạnh Lệ Quân nên em lúc nào cũng hình dung đôi ta vương tình duyên mà bị đày xuống trần...".
Trước khi gặp được ông Nguyễn Văn Huyên, bà Vi Kim Ngọc từng mơ có được một mối tình đẹp như nàng Mạnh Lệ Quân và chàng Hoàng Phủ Thiếu Hoa.
Những dòng nhật ký thể hiện tư tưởng tân tiến của thiên kim tiểu thư học thức, tài hoa đồng thời cũng ẩn chứa chút mộng mơ, nữ tính của cô gái mới lớn mang tâm hồn nghệ sĩ. Cuối cùng, Người mà bà Kim Ngọc tìm kiếm bấy lâu cũng xuất hiện: "Có anh bạn đưa ảnh cho em xem, ca tụng anh Nguyễn Văn Huyên là tiến sĩ văn khoa, lại có bằng cử nhân luật. Khi đó anh còn đang học tại Paris. Em nghe cũng thoảng qua chẳng nghĩ đến. Khi anh từ Paris về nước, bạn anh đưa anh xuống Thái Bình thăm nhà. Mẹ cha mời dự bữa cơm trưa. Em cùng anh đôi ta biết nhau từ đó...".
Trong lòng đã thầm ngưỡng mộ cái tài, cái tâm của tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên nhưng phải sau một thời gian tìm hiểu thêm, cộng thêm bức điện "gửi lời thăm em, người đáng yêu nhất" từ Hà Nội do đích thân ông Huyên viết xin cầu hôn, bà Kim Ngọc mới bằng lòng.
Năm 1936, bà Vi Kim Ngọc chính thức thành phu nhân tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên khi vừa tròn 20 tuổi.
Nghĩa tình trước sau như một dù hôn nhân thăng trầm theo dòng chảy lịch sử
Thời gian đầu hôn nhân, ông Nguyễn Văn Huyên và bà Vi Kim Ngọc cùng trải qua cuộc sống lứa đôi êm đềm. "Khi mẹ có thai lần đầu, cha mẹ vừa mừng vừa lo, cha chăm sóc mẹ từng ly từng tý", trích nhật ký của bà Kim Ngọc kể về lần mang thai con gái Nữ Hạnh.
Cặp phu thê tâm đầu ý hợp có với nhau 4 người con: Nguyễn Kim Nữ Hạnh, Nguyễn Kim Bích Hà, Nguyễn Kim Nữ Hiếu, Nguyễn Văn Huy. Gia đình nhỏ luôn ấm áp, tràn ngập tình yêu thương và tiếng cười. Con cái ngoan ngoãn tài hoa. Vợ chồng đối với nhau bằng tình yêu, tình thương và cả cái lễ cái nghĩa của người trí thức.
Nhưng rồi một ngày, cuộc hôn nhân vốn êm đềm như nước của vợ chồng bà Vi Kim Ngọc - ông Nguyễn Văn Huyên bị xáo trộn. Kháng chiến bùng nổ, là một trí thức yêu nước, ông Nguyễn Văn Huyên không thể không nghe theo tiếng gọi nước nhà. Ông vắng nhà thường xuyên để đi theo kháng chiến, việc nuôi dạy các con chủ yếu do bà Ngọc đảm nhận. Khó khăn, vất vả, xa cách, nhớ thương - thế nhưng đó lại chính là lúc tình nam nữ, nghĩa vợ chồng giữa ông bà được thử thách và nâng lên một cung bậc mới.
"Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến, mọi gian nan vất vả một nách 4 con thơ, đổ tất lên vai mẹ tôi. Mỗi lần tiễn cha đi công tác, mấy mẹ con đều theo cha ra tận đầu dốc Ải... Trước khi đi, từ bé đến lớn đều được cha ôm hôn dặn dò, cuối cùng bao giờ cha cũng ôm hôn mẹ. Mỗi lần chuẩn bị ba lô cho cha lên đường, bao giờ mẹ tôi cũng lo đầy đủ cà phê, muối vừng… Rồi sau này còn thêm thịt ướp săm-pết, lạp xường do tự tay mẹ con chúng tôi tăng gia được", bà Kim Hạnh kể về những tháng ngày gian khó nhưng ấm tình của gia đình mình năm ấy.
Nhớ thương và lo lắng cho chồng nơi tiền tuyền, bà Kim Ngọc chỉ còn biết gửi gắm tâm tư vào những dòng nhật ký: "Mùng 8-7 Mậu Tý tức ngày 12-8-1948. Nắng thu đã hửng. Mát dịu núi rừng Việt Bắc. Không còn oi bức trời hè nữa. Sao cảnh buồn đến thế. Ngày bình thản quá! Trời thăm thẳm, núi xanh xanh, rừng âm u! Lại xa anh Huyên. Anh đi họp 10 ngày mới về, mãi chưa thấy anh về. Mỗi lần anh lên đường lòng em xao xuyến nhớ nhung! Nhớ anh quá! Hôm nay nhớ anh da diết!...", bà đã viết.
Ngày ấy chẳng có gì quý giá trao nhau, trong vali thuốc mang theo phòng khi ốm đau của bà Ngọc luôn cất giữ chùm hoa bất tử mà ông Huyên mang từ Đà Lạt về tặng vợ.
Dần dần, bà Ngọc quen và biết chấp nhận sự chia xa do thời thế. Từ một thiên kim tiểu thư học thức, bản lĩnh thành người phụ nữ nội trợ, nay bà lại vượt lên trên tất cả để cùng chồng tham gia kháng chiến. Khi 4 người con có thể tự phục vụ sinh hoạt của mình thì bà Kim Ngọc bắt đầu ra làm việc xã hội.
Trải qua bao khó khăn, bà đã thành công trong việc cùng y bác sĩ trẻ xây dựng bao tài liệu quý cho công việc nghiên cứu khoa học. Thương chồng, nhớ chồng, phải xa chồng nhưng bà nhất quyết không để mình trở thành gánh nặng cho chồng mà còn khiến chồng ở nơi xa tự hào. Một người vợ như bà, sao có thể không khiến tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên - người sau này là người giữ chức Bộ trưởng bộ Giáo dục nước Việt Nam trong suốt 29 năm - yêu thương, trân quý, biết ơn đến hết cuộc đời?
Gia đình hạnh phúc của cặp vợ chồng tài hoa, trí thức, yêu nước.
Năm 1975, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên qua đời, bà Vi Kim Ngọc dù đau buồn nhưng vẫn kiên cường đến cùng. Bà biết mình phải sống thật tốt để thay chồng dạy dỗ, giáo dục, làm gương cho các con. Cùng năm đó, bà Ngọc bắt tay viết bản di chúc để lại cho con cháu "tài sản" đáng quý nhất đó là những lời vàng ý ngọc về truyền thống, giá trị cao đẹp mà cha, mẹ, cũng như ông bà tổ tiên luôn theo đuổi. 13 năm sau khi bản di chúc được lập, cũng là khi bà Ngọc từ giã cõi trần, con cháu mới biết đến sự tồn tại của nó.
Bà Vi Kim Ngọc cũng nâng niu, gìn giữ những kỷ vật của chồng ngày còn sống để con cháu sau này hiểu về bố, về ông mình. Những kỷ vật đó đã trở thành hiện vật minh chứng cho tình nghĩa vợ chồng, tình thương gia đình mà còn là nhân chứng cho một chặng đường lịch sử của đất nước.
Chuyện về người thiếu nữ tài sắc vẹn toàn dám đấu tranh để có được quyền tự do yêu đương những năm đầu thế kỷ 19 cũng như cuộc hôn nhân tình nghĩa trước sau như một của bà Vi Kim Ngọc đến mãi sau này vẫn là câu chuyện được con cháu đời sau nhắc đến. Bà và ông Nguyễn Văn Huyên đã sống hạnh phúc bên nhau 39 năm, có với nhau 4 người con thành đạt, bất chấp thời thế đổi thay, khó khăn xa cách nghìn trùng.
Bà Vi Kim Ngọc đã không còn nhưng cách bà sống cho chính mình, cách bà thể hiện nhân cách, cá tính trong vai trò một người vợ thủy chung, một người mẹ toàn năng vẫn là điều mà rất nhiều phụ nữ hiện đại cần học theo.
"Với gia đình ta, bà đã xây đắp những viên gạch nhỏ đầu tiên. Cứ thế cần cù, kiên trì, tin tưởng, phấn khởi, bằng mọi khả năng của mình xây đắp tổ ấm hạnh phúc…", bà Kim Ngọc đã truyền lại kinh nghiệm gây dựng một gia đình như bà đã có trong thư gửi cháu ngoại như thế.
Ông Nguyễn Văn Huyên là một Giáo sư, Tiến sĩ, nhà sử học, nhà dân tộc học, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Ông cũng là người giữ chức vụ Bộ trưởng bộ Giáo dục Việt Nam trong thời gian dài nhất với 29 năm tại vị.
Bộ trưởng giáo dục Nguyễn Văn Huyên tại vị 29 năm và là người có nhiều đóng góp cho ngành giáo dục nước nhà. Đằng sau thành công của ông luôn có hình bóng người vợ tài hoa Vi Kim Ngọc và câu chuyện tình hạnh phúc - trai tài gái sắc mà biết bao người hằng mơ ước...
Theo Trí Thức Trẻ