Trong những nhà tù cao cấp ở Indonesia, phạm nhân sẵn sàng chi khoản tiền lớn để được giam giữ trong phòng giam điều hoà mát rượi, có những chuyến đi dài ngày không có quản ngục giám sát hay những buổi tiệc tùng thâu đêm.

Những hé lộ cuộc sống sau song sắt

Năm 2010, một đài truyền hình địa phương ở Indonesia hé lộ sự thật cuộc sống sau song nhất nhà tù của nữ doanh nhân Artalyta Suryani.

Suryani bị kết án 5 năm tù và từng hối lộ công tố viên 600.000 USD trong một vụ kiện chống lại bà. Trong phòng giam biệt lập, bà ta sở hữu phòng tắm riêng và một phòng karaoke liền kề.
 


Phòng giam đầy đủ tiện nghi của Artalyta Suryani. Ảnh: Al Jazeera.

Mỗi ngày, bà có người cơm bưng, nước rót, tự do ra vào nhà tù và được chăm sóc sắc đẹp ngay tại nơi giam giữ.

Chỉ sau một đêm, cuộc sống xa xỉ trong tù của Suryani cùng nhiều tù nhân giàu có khác đã trở thành chủ đề được quan tâm hàng đầu trên các phương tiện thông tin đại chúng Indonesia.

Cựu tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono thành lập nhóm thanh tra, bất ngờ ghé thăm tới nhà tù dành riêng cho nữ Pondok Bambu ở Jakarta.

"Chúng tôi phát hiện nhiều tù nhân giàu có chi tiền "bôi trơn" cho một số nhân viên nhà tù để được đối xử đặc biệt. Điều đó cho thấy sự yếu kém của hệ thống tư pháp Indonesia", Denny Indrayana, thành viên đội thanh tra, chia sẻ.

Bên cạnh đó, ông Untung Sugiyono, người đứng đầu Cơ quan Quản lý nhà tù (thuộc Bộ Tư pháp) cho biết nhà chức trách đã và đang tiến hành nhiều cuộc điều tra để đẩy lùi nạn tham nhũng trong các trại cải huấn.

Trao đổi với Al Jazeera, Anton Medan, cựu tù nhân bị giam giữ trong 18 năm và trải qua 14 nhà tù khác nhau trên khắp Indonesia, khẳng định nạn phân biệt đối xử trong nhà tù là điều bình thường. Theo ông, quản lý nhà tù thường phải dựa vào số tiền “bôi trơn” từ các phạm nhân giàu có để cải thiện cơ sở vật chất, giảm tải tình trạng đông đúc, do thiếu sự quan tâm cần thiết từ chính phủ.

"Chúng tôi được hưởng lợi từ nạn tham nhũng, khi không phải chen chúc nhau trong phòng giam chật hẹp. Phạm nhân chấp nhận im lặng và không tố giác. Đương nhiên, chúng tôi hiểu rằng điều đó là không nên”, Anton thẳng thắn nêu quan điểm.
 


Tommy Suharto, con trai của cựu tổng thống Suharto bị nghi ngờ dùng máy bay trực thăng để đi du lịch trong thời gian thi hành án tù. Ảnh: Getty.

Al Jazeera đưa ra một ví dụ khác về việc tù nhân được chăm sóc đặc biệt, đó là Tommy Suharto, con trai của cựu tổng thống Suharto. Nhiều nghi ngờ cho rằng Tommy có người chăm sóc riêng và thường dùng máy bay trực thăng để du ngoạn trong thời gian thi hành bản án 15 năm tù về tội Giết người.

Đổi lại, phạm nhân này chấp nhận xây một phân xưởng trong nhà tù, nhằm tạo công ăn việc làm cho các tù nhân khác. Sau 4 năm bị giam giữ, Tommy được ân xá.

Phần nổi của tảng băng chìm

Việc những phạm nhân có quyền uy, giàu có sống sung sướng như những "ông vua, bà hoàng" trong ngục giam là “bí mật ai cũng biết” trong nhiều năm qua. Đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong hệ thống tư pháp Indonesia.

Năm 2010, sau sự việc của bà Suryani, nhà chức trách đã công bố những động thái mạnh mẽ chống lại nạn tham nhũng, bao gồm cả việc sa thải người đứng đầu và nhân viên trại giam. Thậm chí, tổng thống nước này quyết định phân bổ 1 tỷ USD để cải thiện hệ thống nhà tù trong nước. Tổ chức minh bạch quốc tế nhiều năm xếp hạng Indonesia là một trong số những quốc gia tham nhũng nhất trên thế giới.

Năm 2017, tạp chí Tempo thực hiện cuộc điều tra 4 tháng vào những nhà tù tham nhũng ở Bandung. Cuộc sống tại đó được mô tả với các tính từ như xa xỉ, sang trọng, hào nhoáng.

Các tù nhân dùng tiền của mình để tự ý cải tạo phòng giam, bỏ tiền "bôi trơn" để ra vào hàng ngày, xây dựng các ban công, vọng lâu trong vườn, trang bị ghế sofa, rèm cửa, tù lạnh và dàn âm thanh đắt tiền. Nhà tù Sukamiskin có quán cà phê sân vườn, tiệm làm tóc và bấm huyệt. Tù nhân giàu có thường xuyên đặt món từ các nhà hàng gần đó.

Điều đáng báo động là tù nhân thậm chí bỏ tiền để mua các chuyến đi trong ngày ra khỏi nhà tù, không có giám sát.
 


Phòng giam đầy đủ tiện nghi sang trọng. Ảnh: Al Jazeera.

Giữa tháng 10 và 12/2016, phóng viên của tờ Tempo chụp được hình ảnh một số phạm nhân rời trại giam trên xe cứu thương, còi kêu inh ỏi. Chỉ vài giờ sau, một trong số các phạm nhân được nhìn thấy bước ra khỏi chiếc siêu xe đỗ ở toà nhà căn hộ Bandung, tay trong tay với cô gái trẻ.

Theo một cựu tù nhân, những chuyến đi như vậy thường mang vỏ bọc “điều trị y tế” và có giá 1.000 USD.

Bài báo là sức ép với Bộ trưởng Tư pháp Yasonna Laoly. Ông cam kết sẽ mở cuộc điều tra về các cáo buộc hối lộ. "Chúng tôi đã nhiều lần sa thải quản ngục, song một số vẫn tiếp tục nhận tiền "bôi trơn". Quả thực, không dễ để thay đổi tư duy của nhiều nhân viên nhà tù”, ông nói.

Bambang Harymurti, tổng biên tập tạp chí Tempo, nói với Al Jazeera rằng tham nhũng hiện thân khắp mọi nơi ở Indonesia.

"Nếu nghiêm túc diệt trừ tham nhũng, tổng thống nên bắt đầu tại những cơ quan tư pháp, đồn cảnh sát, tòa án và nhà giam. Bởi rất có thể những người tham nhũng đang rất hả hê trong tù”, Harymurti chia sẻ.

Trong khi đó, Adnan Topan Husodo, cán bộ thuộc Tổ chức phi chính phủ Indonesia, cho rằng: "Phạm nhân tham nhũng thường ít tỏ ra hối lỗi. Họ vẫn có thể sở hữu tài sản kếch xù, gửi con đi du học và sống một cuộc sống thoải mái trong tù. Chẳng có gì ngăn cản được".

Theo Zing