"Mấy ngày trước thấy nước có mùi nhưng nghĩ không sao cả nhà vẫn ăn uống bình thường, có bữa cơm mùi quá thì ăn bên ngoài, đứa cháu mới được 4 tháng tuổi thì dùng nước đóng chai. Hôm qua xem tivi thông báo tạm ngưng dùng nước, đến sáng thì cả khu này bị cắt nước toàn bộ nên bây giờ chúng tôi phải ra kéo nước về", bà Hoàng Thị Mai Hương (460 Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ trong khi canh lấy nước cho đầy bình.
Sân nhà máy nước Hạ Đình chiều 16/10 bỗng nhộn nhịp hơn thường lệ bởi hàng trăm cư dân đến lấy nước sạch. Người mang bình, người mang thùng, thậm chí có cả bao bì, xoong nồi hay bất cứ thứ gì có thể đựng được nước.
"Hai thứ tóc rồi, mấy chục năm nay chưa bao giờ tôi phải đứng xếp hàng lấy nước như thế này", ông Ánh (78 tuổi) miệng cười nhưng ẩn hiện đầy nỗi lo lắng.
Người dân sinh sống gần công ty Rạng Đông đến nhà máy nước Hạ Đình cách vài trăm mét lấy nước về sinh hoạt.
Ô nhiễm thủy ngân chưa qua, dân Hạ Đình lại khốn khổ vì nước
Tổng số khách hàng trên địa bàn Hà Nội sử dụng nguồn nước của Nhà máy nước sông Đà khoảng 250.000 hộ, còn số lượng các hộ chịu ảnh hưởng từ sự cố nước lần này chưa thể thống kê.
Thực hiện theo chỉ đạo khẩn ngày 15/10 của UBND TP về việc giao cho Công ty nước sạch Hà Nội hỗ trợ cấp nước cho khu vực dân cư bị ảnh hưởng từ nguồn nước mặt sông Đà, công ty đã mở cửa 24/24h các nhà máy sản xuất nước sạch, trong đó có nhà máy nước Hạ Đình.
"Mọi người bình tĩnh xếp hàng, ai cũng có phần nhé", ông Tùng - một người dân cao tuổi ở Hạ Đình "có trách nhiệm" cầm vòi nước để đổ đầy vào vật chứa nước của các hộ gia đình khác - khua tay kêu bà con giữ trật tự.
"Ơ hay cái chị này, thấy bình gần đầy thì chuẩn bị bình mới ra chứ, để nước chảy ra ngoài lãng phí quá". "Mang bình ra cuối hàng đứng đợi nhé, ai đến trước thì có nước trước".
Những người vẫn còn phải chịu ảnh hưởng của không khí nhiễm thủy ngân trong vụ cháy nhà máy Rạng Đông hồi tháng 8 nay lại phải hứng thêm cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt.
Cuối cùng thì ai cũng có đầy bình nước sau những phút đồng hồ chờ đợi mệt mỏi, nhiều người phải đi đến 5 - 6 chuyến mới đủ. Phần lớn nước mang về được dùng để nấu ăn, đặc biệt ưu tiên cho trẻ nhỏ. Những nhu cầu khác như tắm giặt, vệ sinh, người dân Hạ Đình nói sẽ "nhịn" hết hôm nay rồi mai tính tiếp.
Người dân khu vực phường Hạ Đình chưa hết phải chịu cảnh nhiễm độc thủy ngân nay đã mất nước sinh hoạt.
Có người mang cả xe tải nhỏ đến lấy nước, cũng có người chỉ đựng vào can chở xe đạp.
Con cái đi làm, ở nhà các ông bà cao tuổi lọ mọ đi chở từng xô nước về cho gia đình.
Bà Hương cùng người hàng xóm nặng nhọc kéo được xe nước về nhà rồi lại khệ nệ bê vào. "Chắc mai phải mua cốc dùng 1 lần cho khách chứ không có nước mà rửa nữa", bà chép miệng.
Chị Ngọc, con gái bà ở trên gác, tranh thủ lúc em bé ngủ, liền làm vội mấy quả đỗ. Nước lấy từ bình bà Hương vừa mang về. Nước rửa đỗ được tận dụng để rửa tiếp đống bát đũa chất đầy chậu từ sáng. Hôm nay, đứa bé 4 tháng tuổi cũng "nhịn" tắm.
Bà Hương và con gái tận dụng nước rửa đỗ để rửa tiếp đống bát đũa chất đầy chậu từ sáng.
Chiều tối, cơn mưa bất chợt đổ xuống. Dòng người vẫn kiên nhẫn đợi đến lượt lấy nước. Đối với người dân Hạ Đình, họ cảm thấy mình vẫn may mắn khi ở gần nguồn nước sạch, có thể ra vào lấy bất cứ lúc nào trong ngày, không phải mòn mỏi xếp hàng, chia nhau từng chút một như nhiều khu dân cư khác.
Bất chấp trận mưa lớn ít phút chiều 16/10, nhiều người dân vẫn phải lăn ra đường đi chở nước sạch về để dùng.
Sống trong chung cư cao cấp vẫn phải xếp hàng kiếm nước
Tranh thủ lúc con ngủ, chị Hằng (cư dân chung cư Imperia Garden, 143 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân) dùng xe đẩy của con để làm phương tiện vận chuyển nước sạch bất đắc dĩ. Chị nhận được thông báo 10h sẽ có một xe chở 6 khối nước sạch đến chung cư.
Cùng ngồi đợi với chị là hàng chục cư dân khác, chủ yếu là người lớn tuổi, người mang xoong nồi, xô chậu, túi nylon... chờ nước, khung cảnh mà người ta chỉ biết cười trừ nhìn nhau nói “khổ như thời bao cấp”.
Trưa 16/10, một xe chở 6 khối nước sạch từ Công ty nước sạch Hà Nội đến cung cấp cho người dân chung cư Imperia Garden (143 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân).
Theo anh Đức, thành viên BQL tòa nhà, phía chung cư phải chủ động liên hệ với Công ty nước sạch Hà Nội để họ điều động xe nước sạch đến kịp thời.
Chị Hằng ở nhà một mình tại chung cư Imperia Garden khi chồng đi làm. Chị phải đẩy một chiếc xe nôi bên trong có vài chiếc bình đựng nước loại 5 lít tranh thủ kiếm nước sạch nấu nướng do đang trong thời gian nghỉ sinh em bé.
Dù nguồn nước chưa có dấu hiệu ô nhiễm nhưng nhiều cư dân tại chung cư Ecogreen (286 Nguyễn Xiển, Thanh Xuân) đã đặt nước đóng chai để sử dụng. 100 bình nước được chuyển về chung cư vào tối 16/10. Mỗi bình có giá 70.000 đồng.
"Cũng không biết nước dùng được đến lúc nào nhưng cứ mua vài bình cho chắc", chị Quỳnh, cư dân Ecogreen cho biết.
Dịch vụ bán và chở nước đắt khách tại chung cư cao cấp Ecogreen trên đường Nguyễn Xiển dịp này.
Những em nhỏ ở chung cư cao cấp Mulberry Lane (phường Mỗ Lao, quận Hà Đông), nơi được thiết kế theo phong cách Singapore giữa lòng Hà Nội, cũng phải mang nồi xoong theo người lớn đi lấy nước lúc 23h đêm 16/10. Ảnh: Hoàng Việt.
Trong khi đó, gia đình anh Hà ở chung cư Sun Square (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) lại có một giải pháp khác, đó là về nhà ông bà ngoại ở quận Tây Hồ (cách 7 km) chở nước về dùng.
Dù đã được ông bà chuẩn bị sẵn để chỉ việc vác về, nhưng người con rể vẫn rót thêm bằng cách lấy nước từ bể chứa đổ vào bình. Xếp các bình đầy nước vào cốp xe, anh nhanh chóng lái xe về nhà cho kịp giờ để nấu bữa cơm tối. "Chờ xếp hàng lâu với lại ông bà dặn từ chiều đến mà lấy nước về dùng cho đảm bảo nên tôi không dùng nước của xe tải chở đến", anh Hà nói.
Anh Hà đến nhà bố mẹ vợ cách 7 km lấy nước giếng khoan về dùng.
Xe 5 chỗ của anh chỉ chở được 4 bình trong cốp, số còn lại anh để lên ghế ngồi phía sau ôtô.
21h, không khí tại các sảnh của chung cư Sun Square nơi anh Hà ở rất nhộn nhịp. Người ra người vào, trên tay ai cũng là đủ các loại xô chậu, thùng để xách nước sạch từ ôtô tải chở đến.
Tại chung cư này, nhiều người phàn nàn về việc Ban quản lý tòa nhà đến 14h ngày 16/10 mới gửi email thông báo cho từng hộ dân về chất lượng nguồn nước bị ô nhiễm và sẽ có xe chở nước sạch cung cấp cho việc nấu nướng, ăn uống, khuyến cáo các gia đình chỉ nên dùng nước vòi cho tắm giặt, rửa... Tuy nhiên, đến 19h, hệ thống nước trên bể bắt đầu được cắt. Trước đó không nhiều người biết sẽ mất nước để kịp tích trữ. Sau khi bê nước lên tầng cao, anh Hà đành lấy quần áo quay lại cơ quan tắm nhờ rồi 22 mới về đến nhà và ăn cơm tối.
"Cuộc sống đảo lộn hết tất cả. Họ toàn thông báo qua email, tôi có biết dùng mail đâu nên không biết thông tin gì để kịp đối phó", bà Hương, một cư dân vừa bấm thang máy vừa phàn nàn.
Từ 17h đến 0h sáng hôm sau, không khí tại sân chơi và sảnh chờ thang máy chung cư Sun Square luôn nhộn nhịp cảnh người dân xếp hàng lấy nước. Trên tay họ đủ các loại xô chậu, thùng để xách nước sạch từ xe tải chở đến.
Chị Trang và người nhà ở tòa CT-B chung cư Sun Square tận dụng chiếc xe của người tàn tật mang ra đẩy từng chậu nước về dùng.
Chị Nga không kịp chuẩn bị dụng cụ đựng nước đã cùng cùng cậu con trai Gia Bảo (8 tuổi) khiêng bằng một chiếc chậu tắm của em bé.
Xa hơn trung tâm thủ đô một chút, 12h đêm, sân chung cư Gemek Tower (huyện Hoài Đức) vẫn có hàng trăm người chờ lấy nước. Việc được thông báo giờ lấy nước tuy vào nửa đêm nhưng cũng làm cho cư dân đỡ thắc thỏm.
"Muộn nhưng ít ra vẫn có nước để sinh hoạt. Họ hàng nhà tôi bên Hoàng Đạo Thúy (Cầu Giấy) còn không có nước vì hôm qua xe chở nước đến rồi nên hôm nay xe ưu tiên cho những nơi chưa có", anh Tuấn tranh thủ tắm nhờ nước từ xe téc do nhà bị cắt nước hoàn toàn. Dù trời khá lạnh nhưng anh cho biết thà chịu lạnh một chút còn hơn không được tắm, rất khó chịu.
Mấy ngày nay quần áo bẩn anh Dương (tầng 8 chung cư Gemek Tower) không dám giặt, hàng ngày anh phải tranh thủ lên cơ quan tắm. Do đi làm về muộn nên anh chỉ kịp trữ được 1 xô nước khoảng 5 lít dành để đánh răng và rửa mặt. "Nước này hơi có màu vàng nên nếu muốn đun nấu tôi phải bỏ vào bình lọc sau đó mới nấu nướng bình thường được", anh Dương nói.
Lúc này, cảnh người dân xếp hàng trật tự, không có tình trạng chen lấn xô đẩy, mỗi người không lấy quá nhiều, nhường cho người phía sau. "Thế mới thấy tình hàng xóm láng giềng dịp này rõ hơn, nhiều người quen nhau hơn. Chả bù cho những ngày thường nhà nào nhà nấy về đến nhà đóng chặt cửa, không ai gặp ai", bà Quang ở cùng khu Gemek Tower chia sẻ.
12h đêm, cảnh cư dân đi khênh từng chậu nước về dùng diễn ra tại chung cư Gemek Tower (huyện Hoài Đức).
Anh Tuấn tắm vội nhờ chút nước từ xe téc do nhà bị cắt nước hoàn toàn.
Những biện pháp tạm thời trong khi chờ nước về
Sau khi được phản ánh về nước sạch có mùi lạ do việc đổ phế thải đầu nguồn nước mặt Sông Đà, công ty cổ phần Viwaco đã tiến hành súc xả hệ thống đường ống, bể chứa do Công ty quản lý và hệ thống bể chứa nước sạch cho một số khu chung cư vào chiều ngày 15/10. Đây cũng là động thái duy nhất của công ty cung cấp nước sạch này nhắm đến quyền lợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, khi nước bị cắt hoàn toàn ở những nơi bị ảnh hưởng thì công ty cũng dừng việc thau rửa.
Trước đó, công ty Viwaco bị cho là bưng bít thông tin khi phát hiện những vết dầu loang trên hồ gần nhà máy nước sông Đà (Hòa Bình) vào ngày 9/10 nhưng không thông báo, vẫn tiếp tục cấp nước cho người dân.
Sau khi nước bị cắt từ ngày 15/10, thời điểm cấp lại nước chưa biết đến khi nào vì phụ thuộc vào quá trình thau rửa đường ống của Công ty cổ phần nước sạch sông Đà.
Có mặt tại một số siêu thị trên địa bàn thành phố tối 16/10, phóng viên ghi nhận tại các quầy bán nước suối đóng chai luôn trong tình trạng cháy hàng hoặc chỉ còn một vài loại. Nhiều người chi tiền triệu cho việc mua nước tích trữ.
Nhiều siêu thị đặt quầy nước ngay gần khu vực thu ngân để khách hàng tiện thu mua. Do khối lượng lớn nên phần đông khách hàng lựa chọn giao hàng đến nhà. "Mấy ngày gần đây lượng nước suối đóng chai bán ra tăng vượt bậc, chúng tôi giao hàng không xuể", một nhân viên siêu thị khẳng định.
Nước đóng chai được vét gần như sạch tại một siêu thị trong một trung tâm thương mại ở quận Cầu Giấy là cảnh tượng hiếm thấy xưa nay vì thiếu nước sạch.
Các siêu thị lớn tại Hà Nội tăng thêm hàng là nước đóng chai để kịp phục vụ nhu cầu của khách hàng.
Tối nay, nhà bà Hương và nhiều gia đình khác sẽ không phải dắt díu nhau ra quán ăn cơm bụi. Bát cơm có lẽ cũng thơm mùi gạo mới. Anh Tuấn sẽ được một đêm ngủ ngon giấc vì đã tắm rửa sạch sẽ. Cảnh tượng này người dân có thể chấp nhận được trong 1 - 2 ngày giống như những lần mất nước trước đó.
Nhưng cả bà Hương, anh Tuấn, chị Hằng đều băn khoăn khi lần này, ngày có nước trở lại vẫn là một dấu hỏi lớn? Họ sẽ phải mất bao nhiêu ngày nữa cho việc chờ đợi xếp hàng này?
Và họ sẽ phải nhịn đến bao giờ?
Theo Zing