VietNamNet nhận được câu chuyện cảnh báo của chị H.H. (30 tuổi, ở Hà Nội) về chiêu thức của đối tượng giăng bẫy lừa đảo tinh vi qua LinkedIn, Whatsapp. Xin chia sẻ tình huống tới bạn đọc để nâng cao cảnh giác trước loại tội phạm này.

Nhắn tin quan tâm cả ngày, lời lẽ lịch sự

Chị H.H. cho biết mình có công việc ổn định, biết tiếng Anh. Một ngày nọ, chị nhận được một bức thư gửi vào địa chỉ email để làm quen với nội dung rất lịch sự.

Trong thư, đối tượng tự nhận là người Canada gốc Trung Quốc, sắp sang Việt Nam sống 2 năm để quản lý vận hành dự án cho một công ty đa quốc gia. Trong lúc vào trang LinkedIn để tìm phiên dịch, đối tượng bắt gặp tấm hình của chị H.H. và cảm thấy có duyên kết nối…

“Sau khi tôi gửi mail trả lời, anh ta chủ động viết thư dài hơn, giới thiệu bản thân tỉ mỉ và chi tiết hơn như: Sinh năm 1984, bố là thủy thủ người Trung, còn mẹ là người Canada. Gia đình sống ở Canada cho đến khi bố mẹ anh ta qua đời sau vụ tai nạn xe hơi... Rồi chúng tôi chuyển qua Whatsapp nói chuyện”, chị H.H. kể lại.

Sau khi lên Google tìm hiểu về những địa chỉ công ty mà đối tượng cung cấp, chị H.H. thấy thông tin khá cụ thể nên bớt nghi ngờ.

Mỗi ngày đối tượng nhắn tin cho chị H.H. vào sáng sớm, buổi tối cho đến tận khuya. Thi thoảng, đối tượng còn tranh thủ gửi tin nhắn vào buổi trưa.

Theo chị H.H, nội dung tin nhắn rất từ tốn, quan tâm, không vồ vập thái quá. Thậm chí, đối tượng còn đề nghị một mối quan hệ nghiêm túc hướng tới hôn nhân thì nên bắt đầu từ tình bạn để bền vững hơn.

Chị H.H. chia sẻ: “Anh ta luôn chủ động dẫn dắt câu chuyện, kể về bản thân rồi khuyến khích tôi chia sẻ thông tin tương tự. Cách nói chuyện của anh ta rất từ tốn, nhã nhặn, lịch sự, có chừng mực khiến đối phương cảm tưởng như anh ta thật sự nghiêm túc và dành đủ thời gian, tâm trí cho mình…”.

Tuy nhiên, có 2 điều khiến chị H.H. không buông lỏng sự cảnh giác: Một là đối tượng luôn phớt lờ mỗi khi chị đề nghị gọi điện hoặc gọi video. Hai là, dù chị không hề hỏi đến tình hình tài chính nhưng đối tượng cố ý thể hiện giàu có (kể câu chuyện về phi công riêng, hỏi ý kiến về việc mua nhà ở Việt Nam).

 “Tôi thầm nghĩ, người tới Việt Nam lần đầu và chỉ làm cho dự án kéo dài 2 năm thì chắc rằng không mấy ai nghĩ đến việc bỏ ra một số tiền lớn để mua nhà sớm vậy”, chị H.H. đặt nghi vấn.

8 ngày tán tỉnh và kịch hạ màn

Chị H.H. kể lại kịch bản làm quen trong 8 ngày của người bạn lạ trên mạng: “Ngày nói chuyện thứ 2, anh ta chia sẻ rằng sẽ tới Việt Nam trong vài ngày nữa.

Đến ngày thứ 4, anh ta ngỏ ý mời tôi ăn tối vào Chủ Nhật của tuần đó, nhờ tôi đặt bàn ở nơi có tầm nhìn đẹp và sang trọng.

Ngày thứ 6, theo lịch trình thì hôm sau anh ta sẽ bay sang Việt Nam. Tôi tò mò hỏi số hiệu chuyến bay thì anh ta trả lời rằng anh ta đi máy bay riêng đến.

Sang ngày thứ 7, anh ta gửi định vị cho tôi ở khách sạn P.P. gần đường Thanh Niên và khen người Việt Nam thật hiếu khách, nhưng internet thì quá tệ.

Ngày thứ 8, buổi sáng chúng tôi vẫn nhắn tin khá ngọt ngào và đầy quan tâm. Rồi đến khoảng 14h, tôi nhận được tin nhắn từ anh ta, tiếp tục phàn nàn rằng không hiểu sao internet ở Việt Nam lại tệ thế, dù anh ta đã tìm đủ mọi cách để khắc phục”.

Lấy lý do trục trặc internet, đối tượng gửi link ngân hàng, nhờ chị H.H. đăng nhập vào để thao tác chuyển khoản hộ. Chị H.H. bán tín bán nghi, ngỏ ý từ chối nhưng đối tượng năn nỉ chị làm hộ vì rất gấp. Đối tượng cung cấp ID, mật khẩu, mã PIN cùng thông tin người nhận tiền cho chị H.H.

Chị H.H. từng làm ở ngân hàng nên khá hiểu về Swift code cũng như cách phân biệt ngân hàng giả mạo. Chị đã vào Google kiểm tra xem có ngân hàng nào trên thế giới tên là NATWESTERNBANK (tên ngân hàng mà đối tượng cung cấp). Sau khi phát hiện không có ngân hàng nào như vậy, chị H.H. biết đã gặp “siêu lừa” nhưng vẫn tiếp tục “diễn” để hiểu thêm chiêu trò của đối tượng.

“Tôi tiếp tục mò mẫm ở tài khoản của anh ta, trong đó có hơn 977.000 EUR. Tra xem lịch sử giao dịch thì cũng có 1 trang”, chị H.H. mô tả việc đối tượng làm giả tài khoản như thật.

Đại gia rởm với kịch bản 8 ngày thực hiện cú siêu lừa-1
Tài khoản ngân hàng giả mạo mà đối tượng lừa đảo gửi cho chị H.H. (Ảnh: NVCC)

Tiếp đó, đối tượng bảo rằng cần thanh toán gấp cho đơn vị bán hàng bằng tiền Việt Nam, nên nhờ chị H.H. đổi 1.750 EUR (hơn 44 triệu đồng). Cụ thể, đối tượng nhờ chị H.H. chuyển tiền EUR từ tài khoản của đối tượng vào tài khoản của chị. Sau đó, chị H.H. lấy tiền Việt của mình để chuyển cho người bán hàng.

Khi chị H.H. nói rằng không có đủ tiền thì đối tượng gợi ý chị vay mượn của bạn bè, người thân.

“Tôi im lặng, 2 phút sau anh ta nôn nóng gọi cho tôi nhờ giúp đỡ. Tôi bảo rằng tôi đang rất bận, thế là anh ta tỏ vẻ hờn dỗi nói tôi không tin anh ta. Thậm chí, anh ta bảo tôi có thể chuyển gấp đôi số tiền đó từ tài khoản của anh ta sang tài khoản của tôi”, chị H.H. kể lại.

Chị H.H. gợi ý đối tượng nhờ đồng nghiệp xung quanh nhưng đối tượng né tránh rồi tiếp tục thúc giục chị thực hiện chuyển khoản. Đến lúc này chị H.H. quyết định “lật bài ngửa”, nói với đối tượng rằng bản thân từng gặp nhiều đối tượng lừa đảo xuyên quốc gia nên sẽ không thực hiện bất kỳ giao dịch tiền bạc nào cho người chưa từng gặp.

Kịch đã hạ màn, đối tượng thu hồi hết thông tin liên quan đến ngân hàng và cắt đứt liên hệ với chị H.H.

Bài học kinh nghiệm tránh bị lừa đảo

Sau khi suýt bị lừa, chị H.H. nhận định, đối tượng có thể có đồng bọn ở cả Việt Nam, bởi thông tin người nhận tiền là của người Việt, việc định vị chính xác khách sạn P.P. có thể do ai đó hỗ trợ.

Đối tượng có thủ đoạn tinh vi và áp dụng một số thủ thuật tâm lý trong cả quá trình tương tác, nếu cô gái nào nhẹ dạ, cả tin, thiếu thốn tình cảm… thì rất dễ sập bẫy.

Đại gia rởm với kịch bản 8 ngày thực hiện cú siêu lừa-2
Lịch sử giao dịch như thật trong tài khoản ngân hàng giả mạo (Ảnh: NVCC)

Theo chị H.H, thủ đoạn lừa đảo của đối tượng có một số điểm chính như:

Tạo ra hẳn một trang web ngân hàng giả mạo với giao diện khá giống với các ngân hàng thật. Trong đó có lịch sử giao dịch, có số dư lớn để “con mồi” tin tưởng. Đây là chiêu đánh vào lòng tham sẵn có trong mỗi người.

“Hồ sơ LinkedIn của tên này được tạo từ 2013, rất có thể thông tin và ảnh đều là giả mạo, được lập theo kịch bản và công cụ bài bản để giăng bẫy những con mồi”, chị H.H nói về đối tượng mình gặp phải.

Thao túng tâm lý “con mồi” bằng kịch bản rất kỹ lưỡng: Tạo dựng hình ảnh chuẩn “soái ca ngôn tình”; Phong cách nói chuyện chừng mực, biết lắng nghe và khích lệ để đối phương tin vào duyên phận. Cao điểm nhất là ngày hạ màn, đối tượng cố tình tạo ra tình thế gấp gáp để đối phương không kịp phản ứng và phân tích, từ đó dễ sập bẫy.

Chị H.H mong rằng mọi người hãy tỉnh táo, không nên tin vào phép màu khi có người lạ làm quen. Trong tình huống gặp mặt trực tiếp đối tượng, nên rủ người đi cùng, lưu sẵn số điện thoại cảnh sát để gọi khi có tình huống nguy hiểm, cấp bách…

Quá trình trò chuyện với đối tượng, nên kiểm chứng các thông tin mà đối tượng cung cấp qua các kênh như Google. Hãy đặt ra các vấn đề logic tối thiểu như: Nếu anh ta là CEO giàu có thì mật khẩu ngân hàng sẽ không đơn giản, sẽ không bao giờ để bản thân rơi vào tình thế cấp bách…

“Chúng ta hãy tự làm mạnh chính mình, không quá mong chờ hay dựa dẫm vào ai. Luôn nhớ làm chủ bản thân, tránh để lòng tham dẫn lối, rơi vào bẫy của tội phạm”, chị H.H nhắn nhủ.

Theo VietNamNet