Đâu chỉ có Võ Tắc Thiên, Trung Hoa còn rất nhiều Hoàng hậu uy quyền chẳng kém trượng phu

Võ Tắc Thiên là nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Quốc. Tuy nhiên, bên cạnh bà, vẫn có nhiều vị Hoàng hậu tuy không can dự vào triều chính nhưng vẫn tạo ra quyền lực lớn.

1. Võ Tắc Thiên, hoàng hậu của Hoàng đế Đường Cao Tông

Võ Tắc Thiên (624-705), Hoàng hậu của Hoàng đế Đường Cao Tông, là nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử phong kiến Trung Quốc. Bà cũng là người lên ngôi ở độ tuổi lớn nhất (67 tuổi) và là một trong những hoàng đế thọ nhất (82 tuổi). Một tay bà lập ra vương triều Võ Chu và cũng là hoàng đế duy nhất của triều đại này. Giới học giả Trung Quốc đánh giá Võ Tắc Thiên là nữ chính trị gia, chiến lược gia kiệt xuất, có công trong việc thúc đẩy kinh tế, chính trị, văn hóa thời Đường phát triển thịnh vượng.

Vào cung từ năm 14 tuổi, Võ Tắc Thiên xuất thân từ một Tài nhân, sau lên ngôi Cửu ngũ Chí tôn, hiệu là "Tắc Thiên Đại Thánh Hoàng đế". Bà ghi dấu ấn trong lịch sử bằng việc ổn định biên cương, đóng góp cho nền kinh tế cũng như triều chính thời bấy giờ.


Tạo hình của Võ Tắc Thiên trong phim truyền hình Trung Quốc

Người ta cũng đánh giá cao Võ Tắc Thiên vì cách dùng người và góp công cho nền văn hóa đời Đường phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên, bà cũng để lại nhiều tiếng xấu trong dân gian với việc lộng hành và giết hại những người vô tội.Trong những năm cuối đời, Võ Tắc Thiên cũng nổi tiếng hoang dâm vô độ như những người đàn ông khi ở ngôi vua, tin dùng sủng nam mà làm triều chính rối ren.

2. Lữ Trĩ, hoàng hậu của Hán Cao Tổ, nhà Tây Hán

Lữ Trĩ (241-180 TCN), là người phụ nữ nắm thực quyền triều chính đầu tiên trong lịch sử phong kiến Trung Quốc, cai trị nhà Hán trong 16 năm và là người phụ nữ duy nhất được ghi vào cuốn Sử ký của Tư Mã Thiên.


Lữ Trĩ là một người phụ nữ sắc xảo, có tài kinh bang tế thế, phò trợ Hán Cao Tổ đoạt thiên hạ.

Lữ hậu giúp Lưu Bang (Hán Cao Tổ) dẹp yên các nước chư hầu, lập ra nhà Tây Hán. Sau khi Lưu Bang qua đời, Lữ hậu nắm quyền triều chính và thể hiện xuất sắc vai trò và khí chất của người an bang trị quốc. Bà kế thừa tư tưởng của Lưu Bang chăm lo cho dân để khôi phục kinh tế, trị mà không trị, từ đó khuyến khích sản xuất, sửa đổi luật lệ của nhà Hán, cổ vũ hoạt động kinh tế và thương nghiệp.

Tuy nhiên, người đời sau cũng đánh giá bà là một con người tàn bạo.

3. Âm Lệ Hoa, hoàng hậu của Hán Quang Vũ Đế, nhà Đông Hán


Âm Lệ Hoa được đánh giá là một người phụ nữ xinh đẹp, nhu mì, nhân hậu.

Âm Lệ Hoa (5-64), là hoàng hậu thứ hai của Hán Quang Vũ Đế Lưu Tú. Bà nổi tiếng trong lịch sử bởi vẻ xinh đẹp và tính cách nhu mì, nhân hậu. Khi lập triều Đông Hán, Lưu Tú vốn muốn lập Âm Lệ Hoa làm hoàng hậu, nhưng bà từ chối, cho rằng Quách Quý nhân lên làm hoàng hậu sẽ giúp củng cố sức mạnh cho vua, hơn nữa Quách Quý nhân đã sinh được hoàng tử. Với tấm lòng trọng xã tắc, không màng tư lợi, Âm Lệ Hoa chấp nhận làm vai trò "thiếp" trong suốt 16 năm.

Năm Kiện Vũ thứ 17, vua phế Quách hoàng hậu và đưa Âm Lệ Hoa lên làm mẫu nghi thiên hạ. Bà tại vị trong vòng 24 năm. Sau khi bà mất, người ta chôn bà trong lăng mộ Hoàng đế Lưu Tú. Sử sách vẫn còn ca ngợi bà "hữu ái thiên chí", nghĩa là nhân ái; lương thiện vô cùng, không muốn làm đau kẻ khác. Hậu thế đánh giá bà rất cao, không chỉ do tính tình nhân hậu đúng mực của bà, mà còn do chính bà đã đề ra quy tắc "Hậu cung không can dự chính trường", giúp các triều đại sau tránh nhiều rắc rối.

4. Trưởng Tôn Thị, hoàng hậu của Đường Thái Tông


Tạo hình của Trưởng Tôn Hoàng hậu trong phim truyền hình Trung Quốc

Trưởng Tôn Thị (601-636) là người rất khiêm tốn, hòa nhã và tiết kiệm. Nếu người đời sau đánh giá Đường Thái Tông là một minh vương biết tiếp thu những ý kiến sáng suốt thì Trưởng Tôn hoàng hậu chính là động lực của hoàng đế.

Tuy được vua sủng ái nhưng mỗi khi vua kể chuyện chính sự, Trưởng Tôn hoàng hậu không bao giờ nêu ý kiến để không ảnh hưởng tới chính sự. Trước khi mất, bà còn dặn các quan "không lập bia, không xây phần mộ, chỉ dùng gỗ và ngói để làm mộ, đưa tiễn đơn giản". Trưởng Tôn hoàng hậu là hình ảnh mẫu mực về hoàng hậu phò giúp vua trị nước. Trong lịch sử Trung Quốc, bà không phải là hoàng hậu có nhiều quyền lực nhất, cũng không phải danh tiếng nhất, nhưng là người có tiếng thơm lớn nhất.

5. Mã Tú Anh, hoàng hậu của Minh Thái Tổ

Mã hoàng hậu, tên Tú Anh (1332-1382), sinh ra trong thời kỳ phụ nữ phải bó chân mới trở thành cành vàng lá ngọc, nhưng bà kiên quyết không chịu nên người đời sau gọi bà là "Mã chân to". Bà lấy Chu Nguyên Chương năm 21 tuổi, sau đó cùng chồng trải qua 15 năm chinh chiến.


Sau khi Mã Hoàng hậu qua đời, Minh Thái Tổ không lập thêm hoàng hậu để tỏ lòng kính trọng và thương nhớ.

Bà là người nhân từ, lương thiện và giản dị. Yêu dân, bà dám lên tiếng khuyên nhủ Minh Thái Tổ khi ông tiến hành bạo chính, cứu mạng rất nhiều trung thần. Hoàng hậu cũng rất chăm lo phi tần trong hậu cung, không để các nương gia mưu tư lợi, tránh việc hậu cung và ngoại thích (gia đình bên vợ) can dự việc triều chính trong suốt đời nhà Minh. Bà cũng chăm lo con cái, khuyên nhủ chúng học tập chăm chỉ và sống giản dị. Đối với con nuôi, bà cũng yêu thương chăm sóc như con đẻ.

Mã hoàng hậu xử lý quan hệ với mọi người rất khéo léo. Bà luôn dựa vào quy tắc "Khoan với người, nghiêm với mình" để làm mọi việc. Hành động của Mã hoàng hậu khiến cho hoàng đế hết mực tôn trọng. Sau khi bà mất, Chu Nguyên Chương không lập thêm hoàng hậu nào nữa để tỏ lòng kính trọng và nhớ thương. Sách "Minh sử" cũng tán dương Mã hoàng hậu, gọi bà là "Mẫu nghi thiên hạ, từ đức nổi tiếng".

6. Từ Nghĩa Hoa, hoàng hậu của Minh Thành Tổ


Từ thị Hoàng hậu là người có công giúp xây dựng cơ nghiệp cho Minh Thành Tổ.

Từ Nghĩa Hoa (1362-1407) là con dâu của Mã Tú Anh hoàng hậu. Vì Từ Thị tính tình ôn hòa nhân hiếu nên Mã hoàng hậu thường khen con dâu trước mặt mọi người. Năm 1381, bà theo Minh Thành Tổ - Chu Đệ về ấp Bắc Bình. Năm 1399, Chu Đệ lên kế hoạch cướp ngôi. Trong lúc Chu Đệ đang đi nơi khác mượn binh, 50 vạn quân đến vây thành Bắc Bình. Đích thân bà cùng thái tử Chu Cao Chí lên thành điều quân, bảo vệ thành công thành Bắc Bình. Năm 1402, Thành Tổ tấn công kinh thành, lên ngôi vua, phong Từ thị thành hoàng hậu.

Khi Chu Đệ đang cố gắng xây dựng tính "chính danh", năm 1403, Từ hoàng hậu cho ban hành trong cả nước sách "Nội huấn" và "Khuyến Thiện Thư", chủ yếu để giảng công đức cho nữ giới, khuyến khích tu đức tích thiện, từ đó giúp chồng lấy lòng dân.

Ngoài ra, bà còn nhờ Chu Đệ tập hợp phu nhân của các quan thần trong triều, giảng giải cho họ rằng, phụ nữ không nên chỉ quan tâm chăm sóc cơm nước quần áo cho chồng, mà còn phải chú ý đến những điều có ích cho sự nghiệp tiền đồ của chồng, phải tìm cách khuyên nhủ chồng những điều có lợi. Từ hoàng hậu không sống lâu. Bà chỉ ở ngôi hoàng hậu 4 năm và mất vào năm 1407. Chu Đệ phong cho bà hiệu Nhân Hiếu. Sau đó, ông không lập thêm hoàng hậu nào.

7. Từ Hi Thái hậu, phụ nữ quyền lực nhất trong lịch sử Trung Quốc


Từ Hi Thái hậu hỗ trợ ba vị hoàng đế liên tiếp là chồng và con trai của bà, đồng thời nắm giữ, kiểm soát triều đại nhà Thanh ở Trung Quốc trong suốt 47 năm từ năm 1861 đến khi qua đời năm 1908.

Thái hậu Từ Hi (1835 -1908) là một trong những phụ nữ quyền lực nhất trong lịch sử của Trung Quốc. Bà hỗ trợ ba vị hoàng đế liên tiếp là chồng và con trai của bà, đồng thời nắm giữ, kiểm soát triều đại nhà Thanh ở Trung Quốc trong suốt 47 năm từ năm 1861 đến khi qua đời năm 1908.

Bà cùng với Võ Tắc Thiên được xem như là hai người phụ nữ nắm quyền lực cao nhất của đế quốc Trung Hoa, trong một thời gian dài. Tuy nhiên, giai đoạn cầm quyền của Từ Hi Thái hậu được coi là giai đoạn yếu nhất của triều đại nhà Thanh và dẫn tới sự sụp đổ vào năm 1911, chỉ 2 năm sau khi bà qua đời.


Theo Helino


thâm cung bí sử lịch sử Trung Hoa võ tắc thiên

Tin tức mới nhất