Đau đớn, trầm cảm đi xóa tên người yêu vì chuyện làm giàu

Từng chần chừ vì biết việc đốt da thịt sẽ để lại sẹo vĩnh viễn trên cơ thể nhưng rồi Tố Uyên (28 tuổi, quê Tây Ninh) vẫn quyết định xóa xăm tên người yêu để có thể đi lao động ở nước ngoài.

"Cấm cửa" lao động nhiều hình xăm 

"Vị phó giám đốc công ty tại Nhật Bản chấp nhận tôi với điều kiện phải xóa hình xăm", Tố Uyên nhớ lại những ngày trước khi lên đường sang Nhật theo diện lao động phổ thông.

Ngay sau đó, cô gái đã tìm hiểu, hỏi han một vài dịch vụ xóa xăm trên các trang mạng xã hội. Cuối cùng, cô gái chọn một địa điểm với cam kết xóa một lần sạch mực hoàn toàn. Thế nhưng, Uyên phải chấp nhận vết sẹo lồi lưu lại trên cơ thể.

Đau đớn, trầm cảm đi xóa tên người yêu vì chuyện làm giàu-1
Nhiều bạn trẻ thực hiện xóa xăm ở các cơ sở thiếu uy tín, gây ra hậu quả bỏng, sẹo lồi vĩnh viễn (Ảnh: NVCC).

"Ban đầu tôi cũng đắn đo lắm bởi con gái chú trọng ngoại hình mà. Thế rồi vì kinh tế của gia đình, tôi không còn sự lựa chọn nào khác", Uyên kể.

Liệu trình xóa xăm của Uyên được thực hiện bằng công nghệ đốt laser, chi phí 15 triệu đồng. 2 tháng sau đó, nhìn vết sẹo lồi dài trên cơ thể, cô gái trẻ đã òa khóc.

"Đôi lúc bạn bè hay người thân hỏi về vết sẹo, bản thân tôi buồn lắm, thậm chí đã có thời gian rất hối hận. Lúc đó đành cố nghĩ, công việc tại Nhật có thể giúp bản thân đổi đời mà tiếp tục cố gắng", Uyên kể.

Tương tự, Nguyễn Quang Bảo (29 tuổi, hiện đang sống tại tỉnh Aichi, Nhật Bản) cho biết, từ năm 18 tuổi anh đã sở hữu một vài hình xăm ở xương quai xanh, bụng và lưng.

Đến năm 2021, khi quyết định ra nước ngoài lao động, Bảo ngỡ ngàng khi liên tục bị đánh rớt chỉ vì cơ thể có hình xăm.

"Khi vào trung tâm đào tạo để phỏng vấn, người Nhật sẽ hỏi: 'Bạn có hình xăm không?' và đòi cho xem. Nếu ứng viên có quá nhiều, người tuyển dụng thường sẽ bĩu môi, lắc đầu", Bảo kể.

Đau đớn, trầm cảm đi xóa tên người yêu vì chuyện làm giàu-2
Có hình xăm trên người nên anh Quang Bảo chỉ được nhận làm việc ở nhóm ngành xây dựng (Ảnh: NVCC).

Sau một khoảng thời gian chờ đợi, Bảo vẫn sang Nhật Bản nhưng anh chỉ được nhận cho công việc xây dựng, làm việc liên tục ngoài trời. Khối lượng công việc nặng nề, phải tiếp xúc với môi trường khắc nghiệt khiến chàng trai mỗi lần nhìn vết mực xăm lại hối hận.

"Mỗi khi mệt mỏi, chán nản tôi càng thấy hụt hẫng hơn bởi lẽ nếu như không có hình xăm, tôi đã có thể chọn những công việc đỡ vất vả hơn nhiều", Bảo nói.

Đau đớn, trầm cảm đi xóa tên người yêu vì chuyện làm giàu-3
Nhiều bạn trẻ hối hận khi xăm tên người yêu lên người (Ảnh: NVCC).

Nghề xăm sôi động, nghề xóa xăm cũng "thịnh vượng"

Hiện nay, trào lưu xăm hình ngày càng nở rộ trong giới trẻ, đặc biệt tại các thành phố lớn. Và theo đó, ngày càng có nhiều người chật vật tìm đủ cách để xóa xăm.

Chị Nguyễn Hiền (40 tuổi, một thợ xóa xăm có tiếng tại TPHCM) chia sẻ, vì nhu cầu thực tế lớn, các cơ sở xóa xăm thiếu chuẩn cũng mọc như nấm, hoạt động sôi nổi, làm không hết việc, bất kể chất lượng.

Quyết định xóa xăm, ngoài vấn đề ảnh hưởng công việc còn do chuyện "trót dại" xăm tên, ảnh người yêu, hình tự chế gây mất thẩm mỹ...

"Tôi đã chứng kiến nhiều người xóa xăm ở cơ sở 'chui', để lại sẹo lớn, người bệnh rơi vào trầm cảm, không bao giờ dám mặc áo hở. Những công nghệ xóa xăm tốt, hiện đại thì người thực hiện kỹ thuật cũng phải có kiến thức, tay nghề cao, phải đầu tư, trang bị máy móc đắt đỏ", chị Hiền nói.

Đau đớn, trầm cảm đi xóa tên người yêu vì chuyện làm giàu-4
Chị Nguyễn Hiền chia sẻ mỗi tháng gặp trung bình 50 khách có nhu cầu xóa hình xăm hay sửa hình xăm bị sẹo (Ảnh: NVCC).

Chị Phạm Mai (33 tuổi, nữ thợ xăm có nhiều hình xăm nhất Việt Nam) cũng kể lần nào cũng phải cảnh báo khách hàng cân nhắc kỹ, tránh quyết định bột phát khi xăm hình để rồi phải hối tiếc sau này.

Theo quy định của Bộ Y tế (số10/2004/TTLT-BYT-BLĐTBXH), hình xăm trên da nằm trong danh mục quy định các bệnh về da liễu, một trong 13 nhóm bệnh bị loại trừ khi đăng ký đi lao động tại Nhật Bản.

Khảo sát các công ty tuyển dụng lao động đi Nhật Bản, tất cả đều cho biết, khó có cơ hội cho người có hình xăm tham gia thị trường lao động tại nước này, trừ một số ít ở nhóm ngành xây dựng.

Đau đớn, trầm cảm đi xóa tên người yêu vì chuyện làm giàu-5
Một hình xăm trên lưng sau nỗ lực xóa (Ảnh: NVCC).

Năm 2013, sau khi trượt biên chế ngành y, anh Nguyễn Quang Tri (36 tuổi, ngụ tại Bình Định) từng có ý định sang Nhật làm việc. Trước quy định không được có hình xăm, Tri mất trắng nhiều đêm suy nghĩ. 

Vài tháng sau đó, anh cắn răng đến Trung tâm da liễu Phú Yên để đăng ký xóa xăm bằng phương pháp bắn tia laser. "Việc xóa xăm rất đau vì phải đốt da, gây bỏng rát. Dù đã cố gắng chịu đựng, sau 3 lần tôi vẫn không thể nào xóa hết xăm, cơ thể còn dính sẹo", anh Tri nói.

Sau khoảng thời gian đó, anh Tri quyết định ở lại Việt Nam. 10 năm trôi qua, đến giờ anh vẫn ân hận, day dứt về việc này. 

Theo Dân Trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/dau-don-tram-cam-di-xoa-ten-nguoi-yeu-vi-chuyen-lam-giau-20230810140946264.htm?fbclid=IwAR1-mXnYsCM0EV3WEhf9_dJZsBn9bXOfN7FmsG_ZvKD0QmmlDRsslfTQeFA

người yêu

Tin tức mới nhất