Đèn vàng sinh ra để làm gì?

Từ ngày mai 1-8, theo nghị định 46 của Chính phủ, người chạy xe vượt đèn vàng hay đèn đỏ sẽ bị phạt tiền như nhau: với xe hơi lên tới 2 triệu đồng và xe máy là 400.000 đồng.


Ôtô và xe máy vượt đèn vàng tại giao lộ đường Bến Vân Đồn và đường Vĩnh Khánh (Q.4, TP.HCM) - Ảnh: HỮU KHOA

Tuy nhiên, mức phạt không làm cho người dân quan tâm bằng việc: phạt lỗi đèn vàng hợp lý hay không; đèn vàng sinh ra để làm gì?

Đã lấy ý kiến cả 3 miền

Tại sao có mức phạt vượt đèn vàng ngang bằng đèn đỏ? Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Thế Tùng - phó vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT), thành viên ban soạn thảo nghị định 46/2016/NĐ-CP - để hiểu thêm.


Ông Hoàng Thế Tùng

Ông Tùng dẫn luật: khoản 3 điều 10 Luật giao thông đường bộ quy định: "Tín hiệu xanh là được đi; tín hiệu đỏ là cấm đi; tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường".

Và ông giải thích: triển khai thực hiện Luật giao thông đường bộ, tại các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trước đây, đối với nội dung quy định về chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông thì đều quy định xử phạt chung một hành vi vi phạm là "không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông".

Tại nghị định 171/2013/NĐ-CP, hành vi vượt đèn vàng và đèn đỏ có mức phạt khác nhau.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng mức phạt khác nhau dẫn đến tình trạng người lái xe có xu hướng tăng tốc độ khi gần đến đèn giao lộ (thay vì giảm tốc độ), vì cho rằng nếu có đèn đỏ thì sẽ phanh xe lại để chỉ bị xử phạt ở mức thấp hơn (là vượt đèn vàng) (?).

Ngoài ra, việc tách thành hai hành vi với hai mức phạt khác nhau cũng gây khó khăn hơn cho lực lượng chức năng trong việc xác định hành vi vi phạm bị xử phạt ở mức cao hay thấp (!).

Vì vậy, đáp ứng yêu cầu của công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tại nghị định 46/2016/NĐ-CP đã gộp hai hành vi này lại thành một hành vi là "không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông".

Quá trình xây dựng nghị định cũng được làm rất kỹ, các nội dung dự thảo được đưa ra để lấy ý kiến góp ý rộng rãi của người dân và các bộ, ngành, địa phương; tổ chức hội thảo lấy ý kiến ở cả ba miền rồi mới tổng hợp để có đề xuất phù hợp nhất, trình lên Chính phủ.

 

Theo Trí Thức Trẻ


Tin tức mới nhất