Điểm danh phim Việt trong ký ức học trò

(2Sao) - Tháng 4 gọi hè về, gọi cả những bịn rịn, quyến luyến chớm mùa chia tay.

Giữa những ngày nắng thanh trong đầy ắp kỉ niệm thời đi học như thế này, có lẽ sẽ không điều gì tuyệt vời hơn là được cùng chúng bạn thưởng thức những cuốn phim mộc mạc nói về tuổi học trò.

Không sở hữu gia tài phim học đường đồ sộ như Hàn Quốc hay Đài Loan, song điện ảnh và truyền hình Việt Nam trong hơn một thập kỷ qua cũng đã nỗ lực tạo ra những sản phẩm ý nghĩa mang dấu ấn tuổi học trò.

Cùng mượn chất liệu học đường làm đường dây chủ đạo xuyên suốt phim, những bộ phim dưới đây dù với nội dung khác nhau, cách thể hiện khác nhau, song đều phần nào phản ánh chân thực đời sống trường học trong xã hội Việt Nam.

Dành cho tháng 6
 

Mặc dù không thành công về mặt doanh thu, nhưng Dành cho tháng 6 đã phần nào chinh phục được giới làm nghề cũng như khán giả khi ra mắt. Xoay quanh câu chuyện về một đội bóng rổ trường trung học, bộ phim tái hiện sinh động những lát cắt thú vị trong cuộc sống của những cô nàng, cậu chàng ở tuổi 17 “bẻ gãy sừng trâu”, với những hoài bão, đam mê, nghịch ngợm hồn nhiên, bồng bột ấu trĩ và cả một chút rung động thuở đầu đời.


Thiên Tú và Huỳnh Anh trong một cảnh quay.

Tạo hình và tính cách nhân vật được khắc họa rất gần gũi, tạo nên tính chân thực cao cho phim và khiến mỗi khán giả đều có thể tìm thấy chính mình trong đó. Sự tung hứng nhịp nhàng của bộ ba diễn viên chính Thiên Tú, Quốc Trung và Huỳnh Anh cũng là một điểm sáng làm nên dấu ấn của Dành cho tháng 6.

Từ những khuôn hình trong veo, những cảnh quay thi đấu bóng rổ được dàn dựng tinh tế và đẹp mắt cho tới nhịp điệu hối hả và chất nhạc lạ tai , Dành cho tháng 6 truyền tải không khí sôi nổi và cuồng nhiệt của tuổi trẻ, của tính cách tò mò và khát khao chinh phục. Đạo diễn trẻ Nguyễn Hữu Tuấn đã khéo léo đưa vào tác phẩm của mình những niềm đam mê bất tận của chính anh như bóng rổ, làm phim, nhạc rock… một cách đầy trân trọng. Điều này dường như càng khiến cuốn phim 86 phút trở nên chân thực và mang đậm dấu ấn tác giả.

 Dành cho tháng 6 có nhiều khuôn hình đẹp mãn nhãn.

Đội đặc nhiệm nhà C21

Đối với thế hệ khán giả 8x và 9x đời đầu, Đội đặc nhiệm nhà C21 đã trở thành bộ phim tuyền hình kinh điển của những ngày thơ bé. Không xoay quanh câu chuyện trường lớp với mối quan hệ thầy trò, bạn học quen thuộc, bộ phim kể về những trải nghiệm mạo hiểm nhưng thú vị của nhóm đặc nhiệm nhà C21 - quy tụ năm cậu nhóc có “máu” trinh sát giống nhau.

Đội đặc nhiệm nhà C21 là cơn gió lạ của truyền hình Việt Nam gần 2 thập kỷ trước.

Mặc dù mới học đến lớp 7, song Minh “tổ cú”, Sơn “sọ”, Sáng “béo”, Tùng “quắt” và Quang “sọt” lại bộc lộ khả năng suy luận thông minh cùng những “ngón nghề” phá án điêu luyện, giúp người dân trong khu tập thể cũng như những người bạn cùng lớp tìm ra lời giải cho nhiều vụ án kỳ bí.
 
Tuy nhiên, bộ phim không vì thế mà trở nên vô lý và cứng nhắc. Bởi vì, đạo diễn Vũ Hồng Sơn đã xử lý rất khéo léo khi đưa vào phim những tính cách, tật xấu trẻ con và cả những nỗi sợ khi điều tra án của các nhân vật. Điều này vừa giữ lại cho phim tính thực tế, lại vừa mang đến cho người xem tiếng cười thú vị.


Ra đời đến nay đã 17 năm, song Đội đặc nhiệm nhà C21 khó lòng mà trở nên cũ kĩ trong dòng chảy phim Việt. Bởi, hình ảnh các cô cậu học trò được tái hiện trong phim dù ở thời đại nào cũng luôn chính xác.

Giải cứu thần chết
 
Là phần tiếp theo của Nụ hôn thần chết, phim điện ảnh Giải cứu thần chết giữ lại tứ truyện về cuộc gặp gỡ giữa một anh chàng thần chết và một cô gái ở dương gian, chỉ có điều, các nhân vật trong phim đã được “trẻ hóa” trở về lứa tuổi teen.


Với thể loại tình cảm giả tưởng, kịch bản của Nụ hôn thần chết thỏa sức sáng tạo với những gam màu cổ tích và phi thực tế. Tuy nhiên, bộ phim ở một chừng mực nào đó vẫn khắc họa tương đối trọn vẹn thế giới học đường đa diện và ẩn giấu nhiều điều thú vị. Anh chàng hot boy được săn đón, nữ sinh xấu xí bị “tẩy chay” hay sự đố kị nhỏ nhen của cô nàng con nhà vương giả… được lồng ghép trong phim ít nhiều đều mang dáng dấp của đời sống thực tế.

Bộ phim mang đậm dấu ấn cá nhân của đạo diễn Dũng “khùng”, với chất hài hước được gửi gắm qua lời thoại “xì tin” và hình thể có phần khoa trương của các diễn viên. Bên cạnh dàn sao trẻ đóng vai học sinh, thì sự hóa thân đầy nhiệt huyết của các nghệ sĩ tên tuổi như Hồng Nhung, Phương Thanh, Siu Black trong hình tượng các cô giáo “quái tính” cũng là điểm nhấn đặc sắc làm nên thương hiệu cho Giải cứu thần chết.

Bộ phim mang đậm dấu ấn cá nhân của đạo diễn Dũng “khùng”.

Kính vạn hoa


Chuyển thể từ bộ truyện cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Kính vạn hoa xoay quanh câu chuyện cuộc sống thường ngày của nhóm bạn thân thiết Quý “ròm”, Tiểu Long và nhỏ Hạnh. Ba nhân vật với ba tính cách khác biệt hoàn toàn đã tạo thành tổ hợp ba người hay tranh cãi mà cũng đầy ắp tiếng cười.


Mỗi tập phim là một chuyến hành trình mới mẻ với ba cô cậu thiếu niên, đưa nhân vật đối diện với nỗi sợ hãi, niềm vui mừng hoặc sự cảm động và luôn khép lại bằng những bài học giản dị nhưng hàm chứa ý nghĩa sâu xa.  

So với nhiều phim học đường ra mắt trước đó hoặc cùng thời điểm, Kính vạn hoa không những “mượn” được tiếng vang của nguyên tác văn học để gây chú ý mà còn thuyết phục khán giả bằng lối diễn xuất tài tình của dàn diễn viên thiếu niên, nhi đồng. Từ ánh mắt, cử chỉ cho tới giọng thoại, bộ ba Ngọc Trai, Anh Đào và Vũ Long đều biểu lộ trọn vẹn thần thái của nhân vật.

Chiến dịch trái tim bên phải

Ra đời vào năm 2004, Chiến dịch trái tim bên phải từng một thời làm mưa làm gió trên màn ảnh Việt, bởi câu chuyện nhẹ nhàng nhưng chứa đựng nhiều thông điệp ý nghĩa đáng để suy ngẫm.


Đúng với tên gọi nhóm “Bát quái”, những cô cậu học trò trong phim đã cùng nhau bày ra nhiều trò đùa nghịch ngợm mà cũng rất hồn nhiên, mang đến những tiếng cười cực kỳ sảng khoái. Bên cạnh đó, những xúc cảm trong lành của tình yêu học trò cũng được đạo diễn Đào Duy Phúc thể hiện khá tinh tế trong các thước phim.


Đặt lên bàn cân so sánh với các dự án phim học đường về sau này, Chiến dịch trái tim bên phải có thể thua thiệt nhiều về công nghệ làm phim hiện đại và tiên tiến, tuy nhiên, chính sự thô sơ và mộc mạc này lại làm nên cái hồn quyến rũ của phim. Bộ đồng phục áo trắng – quần xanh kinh điển hay những tà áo dài tha thướt đều là điểm nhấn lưu lại “dấu vết” của bộ phim.

Phong Kiều
Theo Vietnamnet


Tin tức mới nhất