Migingo là hòn đảo nhỏ bé nằm trên hồ Victoria, giữa biên giới của hai quốc gia Kenya và Uganda. Dù với diện tích chưa đầy 2.000 mét vuông, bằng khoảng một nửa sân bóng đá nhưng đây lại là nơi sinh sống của hơn 1.000 người.
Con số này tương đương với việc diện tích bình quân đầu người chỉ khoảng 2m2, bằng với kích thước một phòng vệ sinh thông thường.
Migingo trở thành một trong những hòn đảo đông đúc nhất trên thế giới. (Ảnh: Owlcation)
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là bởi hồ Victoria vốn nổi tiếng với nguồn thủy hải sản phong phú. Việc đánh bắt cá trên đảo Migingo thu hút đông đảo ngư dân từ khắp nơi đổ về và cũng trở thành một ngành nghề chính của họ.
Nơi này còn có vị trí địa lý gần các tuyến đường thủy quan trọng vô cùng thuận lợi cho việc giao thương cũng như buôn bán.
Ngoài ra, tính “chật chội” và văn hóa đời sống độc đáo của Migingo thu hút khách du lịch từ khắp nơi đến khám phá.
Victoria là hồ nước ngọt lớn nhất châu Phi và thứ nhì thế giới, nổi tiếng bởi sự đa dạng sinh học, có tới 500 loài cá sinh sống. (Ảnh: Yasuyoshi)
Song cũng bởi vậy mà cuộc sống người dân trên đảo gặp phải những thách thức: Diện tích hạn hẹp, nhà cửa chủ yếu được làm bằng tôn, xếp chồng lên nhau; nguồn nước sinh hoạt chủ yếu lấy từ hồ, việc tắm giặt và vệ sinh cá nhân gặp nhiều khó khăn; nguồn điện được cung cấp bởi máy phát điện nhỏ, chỉ đủ dùng cho chiếu sáng.
Những ngôi nhà san sát nhau xây dựng bằng tôn xập xệ, tạm bợ. (Ảnh: Yasuyoshi)
Đồng thời còn nhiều vấn đề khác cần giải quyết như lượng rác thải sinh hoạt cao, nguồn nước bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến hệ sinh thái của hồ; thiếu các cơ sở hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện, đường giao thông... ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Tuy nhiên hơn tất cả, người dân đảo Migingo vẫn luôn lạc quan và hướng về tương lai. Dù sống trong điều kiện khắc nghiệt nhưng họ vẫn gắn bó và tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau.
Hòn đảo chính là một minh chứng sinh động về sức sống mãnh liệt của con người. (Ảnh: Carl De Souza)
Đến nay, cuộc sống của người dân trên đảo có những chuyển biến tích cực. Năm 2016, Kenya và Uganda bắt tay vào một thỏa thuận, đó là công dân từ hai quốc gia có thể một lần nữa đến hòn đảo để đánh bắt cá và cùng cam kết sẽ bảo vệ ngư dân khỏi sự quấy phá của cướp biển.
Theo VTC News