Đi lễ Phật, trước tiên phải hiểu rõ, Phật là bậc Đại từ bi (muốn giải thoát chúng sinh thoát khỏi khổ đau), Đại minh triết (giáo lý nhà Phật nhân văn, sâu sắc). Ngài không “cho” (ban phát), mà chỉ “dạy” (giác ngộ).

Nhiều người Việt trong các ngày rằm, mồng một, ngày lễ tết… cùng những ngày có việc quan trọng thường đến chùa lễ Phật với tấm lòng thành kính nhờ nghiệp lực vô biên của Phật, chư vị Bồ Tát, các bậc thánh hiền mà được thiện duyên, giác ngộ, mong tâm được thanh tịnh, đạo được mở mang, tai qua nạn khỏi, cuộc sống ấm no hạnh phúc.. ước vọng chính đáng ấy được thể hiện khi chúng ta đến trước điện đài của Phật.

Từ bỏ tham – sân – si  Bởi phiền não của con người cũng từ đây mà ra. Vì thế Phật dạy: “Tri túc tâm thường lạc” (Biết đủ thì lòng mới vui). Vậy đi chùa đừng “xin” Phật quá nhiều thứ, mà nên chú ý đến việc niệm Phật và lễ Phật, bởi “Niệm Phật một câu Phước sinh vô lượng” và “Lễ Phật một lạy tội diệt hà sa”.

 

di-chua phunutoday
 Ảnh minh họa

 

Không dâng lễ mặn ở khu vực chính điện của chùa

Theo lễ nghi nhà chùa khu vực Phật điện tức là nơi thờ chính của chùa chỉ được dâng đặt lễ chay, thanh tịnh. Vì thế khi vào chùa dâng lễ, các phật tử và người đi chùa cần tránh đặt lễ mặn ở ngay chính điện. Lễ mặn chỉ nên đặt ở khu vực thờ tự các vị Đức Ông, Thánh Mẫu và chỉ dâng đặt tại ban thờ hay điện thờ.

Công đức

Chỉ cần đặt tiền vào hòm công đức, không cần lấy giấy chứng nhận công đức. Nếu có lấy cũng không nên mang về đặt lên ban thờ nhà mình để báo công mà nên hóa vàng giấy này.

Tất cả tiền thật đều nên đặt vào hòm công đức chính. Không nên đi "rải" tiền trên tất cả ban thờ hoặc đặt vào tay tượng. Một lưu ý quan trọng là thay vì đặt tiền vào hòm công đức chính giữa, bạn nên đặt tiền vào hòm công đức nằm lệch bởi hòm công đức đặt chính giữa, ngay trước ban thờ sẽ tạo ra trường khí xấu gây nhiễu loạn tại ban thờ. Đặt tiền vào đây vô tình làm trường khí xấu càng bị xáo động, bất lợi cho mọi người.

Phát tâm từ bi hỷ xả

Từ bi là lòng thương người, không chỉ thương người hoạn nạn, mà thương cả kẻ đã gây hoạn nạn cho ta. Bởi theo Luật nhân quả của đạo Phật thì “Nếu bạn gieo lòng tốt – Bạn sẽ gặp thân thiện,  Nếu bạn gieo tha thứ – Bạn sẽ gặt hòa giải”.

Hỷ xả là vui mừng và buông bỏ. Hai hành động này có tác động tương hỗ lẫn nhau. Muốn được vui mừng (hỷ) thì phải biết buông bỏ (xả).

Hiểu tác dụng của việc bố thí, cúng dường

Không phải đi chùa cứ dâng lễ lớn, đốt nhiều vàng tiền, đồ mã là được nhiều phước đức, được Phật độ cho nhiều việc, ban cho nhiều thứ. Làm như vậy, tức vẫn còn nặng lòng tham, thì phước đức rất ít.  
 

di-chua1 phunutoday

 

Vì Đức Phật đã dạy: “Phước báu nhiều hay ít là do Tâm bố thí nhiều hay ít, chứ không phải của bố thí nhiều hay ít”. Vậy chỉ cần lòng thành, tâm tốt thì việc cúng lễ dù ít, dù nhiều cũng đều được phước lớn. Cúng theo khả năng của mình, chân tâm dâng lên là được.  

Hiểu nguyên lý Nghiệp (báo), Duyên (khởi) và quy luật Nhân quả  

Triết lý Phật giáo về ác giả ác báo, có nhân ắt có quả, tạo duyên ác ắt gặp nghiệp ác ai cũng nên hiểu. Vì thế đi chùa phải song hành với thanh tâm.  

Người làm việc xấu nhận thức ra, biết hối lỗi, đi  lễ Phật, sám hối lỗi lầm, xả bỏ vô minh, làm việc thiện tránh việc ác thì chắc chắn sẽ được đức Phật chứng giám và độ cho để chuyển hóa nghiệp.  

Phật tử hay người bình thường có thể cầu Phật độ cho bản thân và gia đình được bình an, thân tâm an lạc, phước đức đủ đầy, công việc hanh thông viên mãn…hoặc sám hối lỗi lầm trước Tam Bảo để xin chuyển Nghiệp từ xấu sang tốt, từ nặng thành nhẹ.  

Hiểu được đạo Phật từ bi, công bằng, minh triết và nhân văn như vậy để làm theo lời Phật dạy thì việc đi chùa lễ Phật mới thực sự có ý nghĩa và tác dụng.

 

Theo Khỏe & Đẹp