Những trận tuyết đầu mùa ở Phú Sĩ thường xuất hiện ngay sau đợt leo núi mùa hè. Năm ngoái, cơ quan thời tiết Nhật Bản thông báo tuyết bắt đầu được ghi nhận từ 2/10 và trận tuyết rơi đầu tiên diễn ra vào 5/10.

Tuy nhiên, mới đây, văn phòng Khí tượng địa phương Kofu của Nhật Bản, đơn vị theo dõi thời tiết trên núi Phú Sĩ từ năm 1894 tới nay, cho biết hiện vẫn chưa xuất hiện tuyết trên núi do thời tiết ấm áp trái mùa.

Du khách mòn mỏi đợi tuyết đầu mùa trên đỉnh núi nổi tiếng-1
Đến hết 26/10, đợt tuyết đầu tiên vẫn chưa xuất hiện trên đỉnh Phú Sĩ. Ảnh: Kyoto News

"Thực tế là nhiệt độ cao ở Nhật Bản vẫn tiếp tục duy trì kể từ mùa hè năm nay và vì trời mưa nên không có tuyết rơi", ông Shinichi Yanagi, một nhân viên khí tượng tại văn phòng Kofu cho biết.

Năm nay, Nhật Bản đã ghi nhận một mùa hè nóng nhất kể từ năm 1898. Nhiệt độ trung bình từ tháng 6 đến tháng 8 cao hơn 1,76 độ C so với mức bình thường, cơ quan trên cho biết thêm.

Một nghiên cứu hồi tháng 1 cho biết, cuộc khủng hoảng khí hậu đã làm giảm lượng tuyết rơi ở hầu hết các khu vực của Bắc Bán cầu trong 40 năm qua.

Tuyết rơi muộn trên núi Phú Sĩ có thể là tín hiệu đáng lo ngại về tình hình khí hậu trên thế giới, với mùa đông ấm hơn ảnh hưởng đến tuyết, du lịch, nền kinh tế địa phương, nguồn cung cấp thực phẩm, nước,...

Du khách mòn mỏi đợi tuyết đầu mùa trên đỉnh núi nổi tiếng-2
Ảnh: Kyoto News

Nằm giữa hai tỉnh Yamanashi và Shizuoka của Nhật Bản, núi Phú Sĩ cao 3.776m là di sản thế giới và là biểu tượng của Nhật Bản.

Núi Phú Sĩ thường bị tuyết bao phủ hầu hết thời gian trong năm cho đến khi mùa leo núi bắt đầu vào tháng 7. Những năm gần đây, ngọn núi này thường xuyên phải đối mặt với tình trạng quá tải khách du lịch. 

 

Theo VietNamnet