Đừng bắt phụ nữ trở thành "cái máy đẻ" sau khi kết hôn!

“Đã có em bé chưa?” - Đây là câu hỏi tôi ghét nghe nhất từ sau khi lấy chồng chưa được bao lâu...

Một số bạn bè nói tôi đã phản ứng quá gay gắt về việc này, bởi đó chỉ đơn giản là một câu hỏi thể hiện sự quan tâm của người khác với tôi, về cuộc sống của tôi mà thôi. Nhưng, tất nhiên tôi vẫn luôn hoan nghênh và cảm kích trước mọi sự quan tâm dành cho mình, trừ những câu hỏi quá riêng tư kể cả từ những người không thân thiết gì cho lắm.

Xã hội chúng ta có một quan điểm khá “hay ho” đó là kết hôn luôn đi liền với việc có con. Giống như quan niệm đến tuổi thì phải lấy chồng, không lấy chồng thì quá lứa, lỡ thì, rồi không ai thèm lấy nữa. Từ quan điểm đó, khi có bất kì ai lấy chồng, họ đều hỏi: “Đã có em bé chưa?”, hoặc "Đã có gì chưa?" rồi đưa ánh mắt đầy tò mò xuống bụng của người phụ nữ.

Tôi cứ tưởng chỉ một mình tôi cảm thấy khó chịu khi nghe câu hỏi đó, nhưng hoá ra không phải vậy. Rất nhiều người không chỉ cảm thấy khó chịu mà còn cảm thấy mặc cảm khi nghe câu hỏi đó, kể cả là cặp vợ chồng đang kế hoạch lẫn khó khăn trong đường con cái.

Khi tôi kết hôn, có 2 luồng tư tưởng rõ rệt về chuyện con cái thể hiện qua lời khuyên của những người đi trước. Những bà chị có tư tưởng “Tây hoá” thì khuyên hai vợ chồng nên sống với nhau khoảng 1 – 2 năm, làm bạn với nhau đã rồi hãy sinh con. Trong khi phần đông bao gồm cô, dì, chú, bác... và những người bạn theo tư tưởng an phận thì giục tôi sinh con ngay đi, hoặc không ít trong số đó nghĩ chắc tôi đã có gì đó thì mới... cưới gấp!

Một chị bạn của tôi, cũng trong trường hợp kết hôn khá nhanh như vậy, sau hai tháng đám cưới đã nức nở với bạn bè về cuộc sống sau hôn nhân. Cô bàng hoàng nhận ra việc cưới xin được gia đình nhà chồng chấp nhận nhanh chóng vì nghĩ cô đã có bầu và mẹ chồng đã đưa ra nhận định này với họ hàng. Khi bà biết cô chưa có gì thì đã nhắc đi nhắc lại về chuyện “...nếu biết chưa có con thì chẳng cưới làm gì” và giục cô nhanh nhanh chóng chóng có cháu cho bà bế. Dù cho công việc của cô ấy đang trong quá trình chuyển giao, và hai người họ lấy nhau nhưng chưa có nhiều thời gian sống với nhau.



Cô ấy đã thốt lên tức tưởi: “Hoá ra phụ nữ lấy chồng xong chẳng khác gì cái máy đẻ sao?”

Phụ nữ sinh ra mang trong mình nhiều thiệt thòi. Lớn nhất là định kiến xã hội về việc lấy chồng, sinh con. Định kiến vô hình chung cướp đi mất nhiều dự định tương lai về công việc, ước mơ, cuộc sống mà đã được lên kế hoạch trước. Có con là một niềm hạnh phúc, tôi cũng rất mong sớm có con sau khi kết hôn với chồng. Nhưng tôi luôn nghĩ, dù có con trước, sau, hay ngay khi cưới, phụ nữ cần được tôn trọng sự lựa chọn của họ và tôn trọng cuộc sống riêng tư.

Tôi nhớ câu chuyện của cô em chồng hồi Tết. Cô ấy đưa đứa con khoảng 2 tháng tuổi về chơi với ông bà nội vì mọi người ở bên nội rất mong cháu. Về tới nơi, cô ấy nhận ra mình bị “bỏ rơi” ở nhà nội khi không có ai giúp cô ấy bế con khi cần nấu cơm, không có ai đi chợ giúp hay trông con giúp khi cô ấy cần sự giúp đỡ. Và nhận ra sự mong chờ mà ai cũng nói với cô ấy qua điện thoại hoá ra không hoàn toàn như vậy. Người ta nói là một chuyện và có thực sự mong muốn không lại là chuyên khác.

Thế nên, chuyện bà mẹ chồng của chị bạn tôi giục chị ấy có con sớm, thậm chí sẵn sàng nuôi cô con dâu trong quá trình thai sản và chăm con khoảng 6 tháng cũng chưa chắc sẵn sàng đón nhận đứa cháu và gánh nặng tài chính. Có khi bà giục như thế chỉ bởi vì sĩ diện với họ hàng, làng xóm khi bị mọi người xung quanh hỏi quá nhiều. Những sự "tọc mạch" nối tiếp nhau chỉ mang đến gánh nặng cho người nghe và khiến họ sống gấp gáp với những dự định.

Sau nhiều đắn đo, cân nhắc và cả những lời đe doạ từ mọi người, tôi quyết định tuân theo kế hoạch như đã dự định từ trước. Hai vợ chồng sẽ tìm hiểu nhau thật kĩ rồi mới có con mặc cho sự giục giã từ hai bên gia đình và họ hàng. Bởi cuối cùng, người chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình chỉ có chính bản thân mình. Không ai chịu hộ bạn hết. Họ có cái miệng, họ có quyền nói, có quyền bình phẩm và tọc mạch. Khi đưa ra một lựa chọn luôn luôn tiềm ẩn những rủi ro với lựa chọn đó, quan trọng nhất là bạn cảm thấy nhẹ nhõm với những gì đến với mình.

Theo Công luận

Tin tức mới nhất