Thanh tra Bộ NN-PTNT phát hiện và tiêu hủy 48 tấn Soda công nghiệp tại 4 cơ sở sản xuất nước mắm, hóa chất này được sử dụng trong sản xuất thực phẩm gây hại như thế nào cho người dùng?
Theo Thanh tra Bộ NN-PTNT, tại các cơ sở được thanh tra, nguyên liệu dùng trong sản xuất nước mắm gồm dịch bột ngọt của Công ty CP hữu hạn Vedan Việt Nam (dung dịch có tính axit, công bố dưới dạng phụ gia thực phẩm) hoặc dùng dịch nước tôm, dịch bổi cá (nước đầu của việc ủ cá với muối).
Sử dụng hóa chất tẩy rửa trong sản xuất nước mắm gây nên các bệnh mãn tính, ảnh hưởng lên gan, thận, thần kinh, gây ung thư.
Về nguyên liệu Soda công nghiệp (chuyên dùng cho sản xuất xà phòng, chất tẩy rửa vệ sinh) được sử dụng để khử axit trong dịch bột ngọt.
Theo hồ sơ công bố, dịch bột ngọt có tính axit (pH từ 3 – 4), giá rất thấp, tính cả chi phí vận chuyển chỉ có 500 đồng/lít.
PGS TS Trần Hồng Côn – Giảng viên trường Đại học Khoa học tự nhiên, Hà Nội cho rằng sản xuất nước mắm làm từ con cá tươi chợp muối, nếu axit HCl dư thừa thì sẽ sử dụng soda trung hòa để tạo thành muối. Tuy nhiên, soda ở đây phải là soda thực phẩm.
Còn việc dùng soda công nghiệp để trung hòa axit trong nước mắm, PGS Côn cho rằng việc này không được phép bởi soda công nghiệp chứa rất nhiều tạp chất, nhất là các kim loại nặng.
Nếu sử dụng lâu dài, các tồn dư của những kim loại nặng sẽ tích tụ lại trong cơ thể gây nên các bệnh mãn tính, ảnh hưởng lên gan, thận, thần kinh, và nó còn là yếu tố gây ung thư. Chính vì thế người ta nghiêm cấm sử dụng soda công nghiệp trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, người ta còn sử dụng axit HCL trong sản xuất xì dầu, chúng làm phân hủy đậu tương. Khi lượng axit dư thừa thì người ta sẽ sử dụng soda để trung hòa thành muối tạo ra vị mặn và lưu ý phải là soda thực phẩm.
Theo Vietnamnet