Đừng đụng vào cái Tết của người xa quê

Trước Tết, một anh bạn học ở quê chat qua Facebook hỏi thăm "hôm nào về?", rồi bình luận: "Năm nay bạn về quê cũng nhiều nhỉ?".

Bạn cũng hiểu, giờ tôi cùng vợ con sống ở Thủ đô. Mỗi năm có vài lần về quê là nhà có việc và để thăm bố mẹ.

Cách đây hai năm, khi mẹ tôi bước vào sát tuổi bảy mươi, cụ bảo: "Giờ các con cháu có muốn gặp bố mẹ thì thỉnh thoảng về quê, chứ bố mẹ yếu rồi, không ra thăm được nữa đâu!".

Chúng tôi đều thấy là hợp lý. Tuổi các cụ, giờ đi lại rất vất vả, ra chơi thì chỉ được ngày cuối tuần con cháu ở nhà, còn trong tuần đi làm đi học cả, các cụ ở nhà thì buồn lắm.

Bạn tôi, biết tôi về tranh thủ mỗi lần chỉ 1-2 ngày, không bao giờ trách là sao không gặp bạn. Anh còn khuyên: "Bố mẹ cũng chẳng còn ở với mình bao lâu nữa, cố gắng thăm cho thường xuyên".

Bố anh bạn mới mất vài năm trước, nên lời khuyên rất chí tình. Tất nhiên, chúng tôi vẫn luôn tận dụng ngày lễ, ngày Tết, để đưa các con về chơi với ông bà cho thật nhiều. Mỗi đợt như vậy, thấy các cụ thật vui mừng và tràn đầy hạnh phúc. Các con tôi còn nhỏ, vẫn thích thú coi việc về quê với ông bà ăn Tết là một cuộc đi chơi (sau này thế nào thì chưa biết).

Nếu Tết mà không về được, không chỉ các cụ buồn, mà lòng mình cũng chẳng thấy bình yên.

Nhà tôi, cô, chú, cậu, dì… đều rất đông. Hằng năm vẫn có thể gặp gỡ ở đám hiếu, đám hỷ, nhưng Tết mới là lúc để ngồi cùng nhau chia sẻ câu chuyện vui buồn và những điều đặc biệt trong suốt một năm qua.

Gia đình chúng tôi vẫn giữ lệ gói bánh chưng chung. Mỗi nhà đôi cặp để thắp hương, đun chung một nồi, mọi người ngồi canh bánh mà trò chuyện, uống trà, cùng ôn lại những kỷ niệm đẹp của ông bà, gia đình, toàn là chuyện vui để gây ra những trận cười sảng khoái.

Đặc biệt, Tết còn là dịp gặp lại họ hàng ở tận quê hương bản xứ.

Gia đình tôi, ông bà nội ngoại có đến bốn quê, mỗi năm Tết về, rẽ vào nhà mấy đứa em lập nghiệp ở Sài Gòn, ông cậu làm ăn ở Bạc Liêu, ông chú đóng quân ở miền núi năm nay mới được nghỉ phép đón Tết với gia đình… mới thấy thời gian trôi đi thật nhanh. Lần trước chú về tóc còn xanh, nay đã hoa râm, em nhà chú cũng đã lên đại học…

Vào nhà ai cũng "bị" bắt xách về từ con gà nuôi trong vườn nhà, con cá mới đánh dưới ao, chiếc bánh vừa nấu, đến nải chuối, mấy loại quả hay bó rau trong vườn để biếu "các bác và các cháu ăn Tết", mới thấy quý tình nghĩa họ hàng mà đi đâu cũng không thể quên được.

Ngày trước Tết ở quê tôi, nơi đông vui nhất lại là… ngoài nghĩa trang. Cứ chiều ngày hai chín hoặc cả ngày ba mươi, cả làng đi tảo mộ đông như đi hội. Thường các gia đình tổ chức đi theo họ, đầy đủ anh em con cháu, trong đó rất nhiều người đi xa cả năm đến Tết mời về, ra mời các cụ về ăn Tết.

Họ hàng, láng giềng gặp nhau, tiếng chào, lời hỏi thăm nhau râm ran, cùng khói hương nghi ngút xua tan cái lạnh cuối đông, kết nối bao lớp người đã đi xa trở về đón một mùa xuân mới với gia đình.

Phải là người sống xa gia đình, mới thấy quý những phút giây tụ hội như vậy. Mới thấy yêu cảm giác cả gia đình từ nhiều miền đất nước về ngồi quây quần trò chuyện bên mâm cơm tất niên, hay đêm giao thừa ngồi lặng yên ngửi mùi hương trầm thoang thoảng mà cảm nhận đất trời đang cựa mình bước qua một năm mới.

Tôi cũng có những bạn quê mà nay bố mẹ đều ra thành phố ở với con. Ông bà nội ngoại không còn, nên Tết không về quê nữa, nhưng trước Tết, các bạn vẫn tranh thủ về tảo mộ, thắp hương nhà thờ, biếu quà cáp cho các cụ ở quê. Cũng là một nét đẹp truyền thống cần lưu giữ. Chẳng thấy ai kêu ca phàn nàn là vất vả, mệt nhọc.

Tết với chúng tôi, nó "nhiều chuyện" như thế đấy, và cần thiết như thế đấy.

Với những ai không phải xa quê, xa họ hàng, quanh năm có thể gặp nhau bất cứ lúc nào, Tết có thể không mang ý nghĩa như với kẻ như tôi. Ngày Tết có thể là dịp đi du lịch, nghỉ ngơi. Các bạn có thể đi cả vào dịp hè, vào Tết Dương lịch. Điều đó hoàn toàn hợp lý, tôi thấy chẳng có gì phải bàn cãi.

Miễn là các bạn đừng có ý kiến về cái Tết cổ truyền dành cho những người sống xa quê như chúng tôi!

 

Theo TTVN