F0 ở Hà Nội: 'Tôi ngộ độc thông tin về thuốc điều trị Covid-19'

Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, người dân như đang rơi vào "ma trận" các loại thuốc đặc trị, thảo dược, thực phẩm chức năng phòng Covid-19.

Ba ngày trước, chồng của chị O.T.D. (26 tuổi, Hà Nội) có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV. Cả gia đình đều bất ngờ vì trước đó đã phòng dịch rất kỹ lưỡng. Một ngày sau, cả D. và con gái 5 tháng tuổi cũng trở thành F0.

Người chồng bắt đầu có biểu hiện sốt, ho, rát họng, D. bối rối, không biết cách xử trí. Người phụ nữ này tìm hiểu thông tin trên các hội, nhóm và nhận thấy rất nhiều người không phải bác sĩ, dược sĩ nhưng vẫn bán thuốc cho F0.

"Tôi bị 'ngộ độc' thông tin về các loại thuốc cần cho điều trị Covid-19. Tôi mong những ai không có chuyên môn xin đừng bán thuốc. Khi trở thành F0, rất nhiều người bị hoang mang như tôi, không có thời gian tìm hiểu và mua theo. May mắn, tôi đã liên hệ được với một bác sĩ để nhờ tư vấn", O.T.D. cho hay.

F0 ở Hà Nội: Tôi ngộ độc thông tin về thuốc điều trị Covid-19-1
Bài viết cảnh báo mạo danh bác sĩ để lôi kéo điều trị cho F0 của chị M.L.

Mạo danh bác sĩ, chèo kéo F0 chữa bệnh

Bên cạnh đó, một số người bệnh trong nhóm này phán ánh có tình trạng mạo danh bác sĩ và nhắn tin chèo kéo chữa bệnh.

M.L. (Hà Nội) cho biết có người đã trả lời bình luận, nhắn tin và tự xưng là bác sĩ Bệnh viện Lão khoa Trung ương muốn đến khám bệnh trực tiếp sau khi chị đăng bài viết hỏi về phương án điều trị cho người nhà trên nhóm "Nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà".

"Đã 0h nhưng người này vẫn nhắn tin cho tôi và hẹn ngay sáng hôm sau sẽ đến khám cho người nhà của tôi đang mắc Covid-19. Họ còn nói sẽ phải điều trị lâu dài. Sau khi thấy tôi nghi ngờ, người này đã xóa bình luận.

Có rất nhiều tin nhắn mạo danh bác sĩ, dược sĩ hướng dẫn điều trị hoặc 'mách thuốc' đều có khả năng là hành vi lừa đảo. Không tỉnh táo do đang lo lắng cho người thân mà tin lời chúng có thể gặp hậu quả khôn lường", chị M.L. nói.

Chia sẻ trên group facebook "Nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà", Ths.BS Trần Quang Phú, khoa Bỏng người lớn, Bệnh viện Bỏng Quốc gia, quản trị viên của nhóm, cảnh báo: "Hiện có nhiều bình luận lôi kéo vào thành viên vào các nhóm điều trị khác, có cá nhân lợi dụng để bán thuốc, vật tư và quảng cáo. Chúng tôi mong các thành viên thận trọng".

F0 cần chuẩn bị thuốc gì khi điều trị tại nhà?

TS Hoàng Thanh Tuấn, Viện Bỏng quốc gia, người sáng lập "Nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà", cho biết khi là F1 hoặc F0, người dân cần dự phòng một số thuốc, trang bị vật tư để đảm bảo cách ly và tự điều trị.

Về thuốc dự phòng, người dân cần chuẩn bị thuốc hạ sốt (Efferalgan, Panadol); nhóm thuốc chữa ho; thuốc tiêu chảy; nước súc miệng; cồn sát trùng; các thuốc bệnh nền (nên chuẩn bị đủ cho 4 tuần); thuốc xịt mũi; vitamin C, kẽm, thảo dược trị cảm, trị ho; nước uống, nước bù điện giải.

Nước uống và nước điện giải rất quan trọng khi bạn bị sốt và mắc Covid-19. Uống đủ lượng nước cần thiết có thể giúp duy trì sự ổn định của niêm mạc mũi, giảm kích ứng khó chịu khi ho, hắt hơi hay thậm chí là thở. Độ ẩm này giữ cho bề mặt niêm mạc dễ lành hơn và giúp chống lại sự xâm nhập thêm của vi khuẩn bên ngoài.

Đây là các thuốc cần có trong tủ thuốc gia đình, đặc biệt trong mùa dịch vì triệu chứng có thể xuất hiện bất kể lúc nào và người dân có thuốc để dùng ngay. Đặc biệt, bệnh Covid-19 hay biểu hiện vào ban đêm nên những thuốc này cần có.

F0 ở Hà Nội: Tôi ngộ độc thông tin về thuốc điều trị Covid-19-2
Khi là F1 hoặc F0, người dân cần dự phòng một số thuốc và trang bị vật tư để đảm bảo cách ly, tự điều trị. Ảnh: Straits Times.

Vật tư y tế cần có bao gồm nhiệt kế, máy đo SpO2, que test nhanh, khẩu trang, găng tay, các máy theo dõi bệnh nền. Những vật tư này cần thiết để người dân tự cách ly, theo dõi cho mình và người thân.

Ngoài ra, TS Hoàng Thanh Tuấn cho hay người dân không nên dự phòng và tự điều trị các thuốc như kháng sinh, kháng viêm, kháng virus. Mọi điều trị, chỉ định của bác sĩ cần cá thể hóa và phù hợp với từng bệnh nhân nên người dân không tự mua và dùng thuốc, sẽ có nhiều biến chứng nguy hiểm.

Bên cạnh đó, người dân cũng nên chuẩn bị đủ lương thực cho thời gian cách ly (nếu ở một mình); dung dịch vệ sinh nhà cửa và khử khuẩn; giấy vệ sinh, khăn giấy, quần áo thoải mái; nơi cách ly đảm bảo quy định; phương tiện giải trí tại nhà; số điện thoại của các cơ sở y tế trong khu vực và phòng cấp cứu; tài liệu, hướng dẫn cập nhật nhất về phòng, chống dịch.

Những lưu ý khi tự điều trị Covid-19

Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy Cao áp Việt - Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc phòng, người dân hiện nay như rơi vào "ma trận" về các loại thuốc đặc trị, thảo dược, thực phẩm chức năng phòng Covid-19.

Ông cho hay trong quá trình điều trị, người dân nên cân nhắc việc có dùng kháng virus hay không. Hiện nay, Favipiravir đã được Bộ Y tế hướng dẫn đầy đủ về cách dùng. Thuốc Molnupiravir đã bắt đầu được bán tại một số nhà thuốc. Người dân nên lưu ý các chống chỉ định và dùng thêm bổ gan thảo dược.

Khi bị sốt, F0 cần uống thuốc hạ sốt, bù đủ nước và điện giải. Bị ho khan, người dân nên dùng thuốc giảm ho. Trường hợp ho có đờm nên hỏi bác sĩ. Nếu mất ngủ, F0 có thể dùng Melatonin, Magne-B6 và thảo dược an thần như Mimosa.

Với các thuốc đang điều trị dài ngày, người bệnh vẫn dùng bình thường, không bỏ thuốc. Với vitamin tổng hợp, F0 chỉ sử dụng một viên mỗi ngày là đủ. Ngoài ra, bệnh nhân cần đảm bảo ăn uống và nghỉ ngơi tốt, vận động nhẹ nhàng, không đọc nhiều tin tức tiêu cực.

Các loại thảo dược, thực phẩm chức năng để tăng đề kháng, F0 có thể không dùng. Nếu vẫn có thể ăn uống, đa dạng thực phẩm, chúng sẽ tốt hơn việc sử dụng thực phẩm chức năng.

"Trong quá trình tư vấn, điều trị cho F0, tôi nhận thấy rất nhiều người chỉ ho khan cũng sử dụng kháng sinh, thậm chí kết hợp nhiều loại. Đau họng do virus chỉ cần mật ong, giảm ho bổ phế thảo dược hoặc thuốc Alpha Choay.

Nếu ho khan kéo dài gây mệt mỏi, khó ngủ, thậm chí đau bụng, ngoài dùng mật ong, bổ phế, người bệnh chỉ cần dùng thuốc hoặc siro có một trong 2 thành phần: alimemazin hoặc diphenhydramin.

Ngoài việc ảnh hưởng gan, thận, về mặt vĩ mô, lạm dụng kháng sinh sẽ khiến tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam trở nên tồi tệ hơn", bác sĩ Huy Hoàng nói.

Với thuốc kháng đông, kháng viêm, theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, chỉ khi Sp02 dưới 96, nhịp thở trên 20 lần/phút, bác sĩ mới kê đơn cho dùng một ngày, trước khi nhập viện.

Vì vậy, theo bác sĩ Hoàng, F0 tại nhà không cần quan tâm đến thuốc kháng đông, kháng viêm corticoid. Nếu tình hình chuyển biến nặng, người bệnh cần nhập viện để được điều trị đúng cách.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/f0-o-ha-noi-toi-bi-ngo-doc-thong-tin-ve-thuoc-dieu-tri-covid-19-post1298152.html

SARS-CoV-2 COVID-19

Tin tức mới nhất