Truyền thuyết có thật

Vài tháng nay, người dân miền Tây xôn xao về trang trại của lão nông Nguyễn Tấn Đẹp (65 tuổi, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) có gà chín cựa giống như trong truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh. Chúng tôi cảm thấy nghi ngờ nên đến tận nơi tìm hiểu sự thật.

Ông Đẹp thấy người lạ đến tỏ ra khá đề phòng. Sau một hồi trò chuyện, thấy tin tưởng, ông ngại ngần: “Xin lỗi mấy anh chị. Vì tôi từng gặp nhiều người lừa đảo, đến xem rồi tìm cách trộm gà nên phải cẩn thận”.

Ông Đẹp bên con gà chín cựa.

Lão nông thừa nhận, trang trại của mình hiện có một con gà chín cựa. Ông dẫn chúng tôi dạo quanh trang trại rồi dừng lại ở một chiếc chuồng, chỉ vào con gà có bộ lông đen tía cười: “Nó đấy”. Ông bồng con gà lên, chìa cặp chân ra chỉ: “Ngoài 3 ngón chân còn có 9 cựa”.

Ông kể, chừng 4 năm trước, ông nghe mọi người bàn tán ở vùng đất Tổ (tỉnh Phú Thọ) có giống gà chín cựa. Ngày ấy, ông bán tín bán nghi vì trước giờ chỉ nghe gà chín cựa trong truyền thuyết. Ông bắt xe ra tỉnh Phú Thọ, lang thang hơn nửa tháng, hỏi về giống gà này và ai cũng lắc đầu. Ông nghĩ: “Gà chín cựa chẳng có thật đâu”.

Đôi chân gà có 9 chiếc cựa.

Ông định quay về thì lại được một người dân tiết lộ: “Gà chín cựa là có thật”. Người này chỉ ông đến nhà một lão nông ở xã Xuân Sơn (huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ). Ông mừng rỡ khi tận mắt nhìn thấy đàn gà có 6, 7 cựa. Tuy nhiên, không có con nào được 9 cựa như trong truyền thuyết. Chủ trang trại chia sẻ: “Đàn gà ấy là là gà nhiều cựa. Trong đó, gà trưởng thành thường có 5, 6 cựa. Cực kì hiếm sẽ có con 9 cựa”.

Ông Đẹp ngỏ ý muốn mua giống để vào nuôi nhưng bị từ chối. Ông ngồi đồng suốt một ngày, với quyết tâm phải được chia sẻ giống đưa về nuôi. Sau cùng, ông nói: “Tôi thấy đây là giống gà quý, muốn mua vào nuôi để bảo vệ gen”. Sau cùng, ông cũng được bán một cặp gà.

Mang về, ông chăm sóc kĩ lưỡng như con của mình. Sau khoảng thời gian nuôi, trong đàn gà của mình, ông may mắn có một con có 9 cựa. Nhiều người nghe tin, đến hỏi mua, sẵn sàng bỏ ra vài chục triệu, để về làm sính lễ cưới hỏi như trong truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh nhưng ông luôn từ chối. “Đây là con gà quý, nếu bán, lỡ họ làm thịt ăn thì tiếc vô cùng”, ông nói.

Theo ông, gà chín cựa khá dễ nuôi vì quen sống trong môi trường hoang dã, sức đề kháng cao. Tuy nhiên, khi chăm sóc vẫn phải tạo môi trường sạch sẽ, thông thoáng để gà có thể sinh trưởng tốt, không phát sinh bệnh.

Nhiều năm săn lùng hàng độc

Ông Đẹp kể, gia đình có truyền thống làm nông trên mảnh vườn hơn 1 ha. Cách đây hơn 10 năm, chính quyền thu hồi đất để làm khu công nghiệp. Gia đình ông được đền bù 100 triệu đồng. Nhiều đêm mất ngủ vì không biết từ nay sẽ làm gì để sống.

Một lần, ông xem ti vi, nghe bảo, ở miền Bắc có giống gà Đông Tảo giá đắt đỏ. Ông suy tính rồi quyết định bắt xe ra làng Đông Tảo (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Ngày ấy, ở làng này có nhiều người nuôi giống gà quý nhưng chủ yếu là gà lai. Rất vất vả, ông mới có thể mang về giống gà thuần chủng.

Gà tuyết.

Sau đó, ông lại nghe tại tỉnh Bắc Ninh có giống gà Hồ dùng để tiến vua một thời. Ông lại lên đường, ra thôn Lạc Thổ (thị trấn Hồ, tỉnh Bắc Ninh). Ông bất ngờ với giống gà có con trưởng thành nặng tới 10 kg. Suốt nhiều ngày liền lưu lại nơi đây, ông mới có thể thuyết phục người dân bán cho 30 con gà giống với giá 50 triệu đồng.

Ông đưa gà về nhà, vợ và các con nghi ngờ việc ông bị lừa bởi: “Làm gì có loại gà nào con giống mà gần 2 triệu đồng”. Ông phân tích kĩ càng cho người thân. Sau hơn nửa tháng, người thân mới tạm tin để ông tiếp tục đeo đuổi ý thích nuôi gà quý.

Theo thời gian, cuộc sống ổn định dần. Mỗi khi nghe nơi nào có giống gà quý, lạ ông lại mò mẫm đi tìm. Có khi, ông lặn lội sang tận Thái Lan mua 20 con gà lông xù về nuôi. Lần ấy, mỗi con có giá hơn 10 triệu đồng.

Ông nhẩm tính, trong trang trại của mình có rất nhiều loại gà độc lẫn đẹp như gà Tiến Vua, gà Hồ, gà 9 cựa, gà lông xù, gà mặt quỷ, gà lông nhím… Những giống gà này, ông bán cho người nuôi làm cảnh với giá từ 1 triệu đến 5 triệu một con. Ước tính, mỗi tháng ông thu nhập gần trăm triệu nhờ nuôi các giống gà độc này.

Ông không ngần ngại cho biết, các giống gà nhập hay gà của miền Bắc đưa vào Nam thường có kháng thể kém. Do đó, phải che chắn, vệ sinh phòng dịch cẩn thận. Nhiều người nuôi xem thường chuyện phòng dịch, nhưng nếu lơ là,c hỉ cần trúng dịch là không thể trở tay kịp. 

Hồ Nam

Theo Vietnamnet