Gặp cô gái chuyển giới trong bộ ảnh "Cãi mụ" gây sốt

"Rất nhiều bạn chuyển giới của tôi đã không được một công ty hay tổ chức nào nhận vào làm, họ phải bán "vốn tự có" để kiếm bữa ăn trên đất Sài Thành, một số người trở nên sa ngã và bị xã hội kỳ thị...", Trần An Vi chia sẻ.

Trần An Vi (SN 1992, tên khai sinh Trần Anh Vũ) là cái tên khá nổi trong cộng đồng LGBT từ sau chiến thắng tại cuộc thi TGT3's Next Top Angel cũng như những đóng góp của cô trong tiến trình vận động quyền cho người chuyển giới Việt Nam. Mới đây, An Vi còn khiến nhiều người xúc động qua bộ ảnh lột tả cuộc sống thật đến "trần trụi" của cô ở Sài Gòn.

Người chụp bộ ảnh cho Vi là Huỳnh Tuấn Kiệt, chàng sinh viên khoa nhiếp ảnh trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP. HCM. Tuấn Kiệt cũng là đồng hương Kiên Giang với An Vi và là người giúp đỡ Vi trong những ngày đầu cô đặt chân đến Sài Gòn.

Một bức ảnh trong bộ ảnh "Cãi mụ" do Huỳnh Tấn Kiệt thực hiện.

Hiện tại, An Vi và Jessica (một người chuyển giới khá nổi trong cộng đồng LGBT) cùng nhau làm trong một tiệm cho thuê và may phục trang biểu diễn. Sau khi nhận được học bổng nâng cao năng lực nghề nghiệp Viet Pride dành cho người LGBT, An Vi dành phần lớn thời gian để đi học và nhận các show diễn ở quán bar, nhà hàng để kiếm thêm thu nhập.

An Vi và Jessica - người bạn cùng phòng, cũng là một người chuyển giới khá nổi tiếng trong cộng đồng LGBT.

Chúng tôi có một buổi trò chuyện với cô gái xinh đẹp và nhiệt tình này vào một tối cuối tuần, khi Vi vừa may xong bộ phục trang trình diễn cho khách hàng.

Xin chào An Vi, sau khi bộ ảnh "Cãi mụ" được chia sẻ, bạn nhận được phản hồi thế nào từ mọi người?

Tôi và anh Kiệt khi bắt đầu dự án này đều mong muốn đem đến một cái nhìn trung thực về cuộc sống của người chuyển giới. Tôi mong mọi người có thể xóa bỏ định kiến khắt khe và đối xử đúng đắn hơn với những người chuyển giới. Bộ ảnh đã làm được điều đó và chúng tôi rất vui.

Vì sao bạn lại quyết định rời bỏ quê hương để lên Sài Gòn khi bạn còn chưa biết gì về thành phố này?

Gia đình tôi không khá giả, khi ấy tôi đã đủ 18 tuổi và muốn tự kiếm tiền bằng chính sức mình. Những ngày ở quê, tôi đã phải đi hát đám cưới, bán vé số, phụ quán cà phê, quán ăn, may đồ, làm đồ handmade, giúp việc cho hàng xóm. Nhưng rồi tôi thấy không thể làm mãi những công việc này nên quyết tâm lên Sài Gòn học nghề, tìm việc.

Tôi còn nhớ rõ, tối ngày 8/6/2010, tôi lên xe từ Kiên Giang đi Sài Gòn. 4 giờ sáng 9/6, tôi xuống bến xe, ngơ ngác và lo sợ, tất cả số tiền tôi dành dụm khi buôn bán cafe ở quê là 3 triệu đồng. Nhưng tôi chưa biết phải đi đâu, làm gì. Rồi tôi nhớ đến anh Kiệt - một người anh đồng hương mình từng quen biết ngày xưa, nên liên lạc với anh ấy. May mắn sao, anh Kiệt đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong những ngày đầu tiên ở Sài Gòn. Anh cho tôi ở nhờ nhà của anh, giới thiệu tôi với một công ty làm phim để tôi kết cườm, sửa phục trang cho các diễn viên. Những ngày không quay phim, tôi tranh thủ đi phụ quán cà phê.

Trần An Vi trong buổi trò chuyện.

Tôi ở nhờ nhà anh Kiệt 3 ngày thì dọn ra ở trọ với 6 bạn trai khác. Thời ấy tôi vẫn để tóc ngắn, mặc đồ con trai, nhưng 6 anh chàng kia cũng nhận ra tôi... không giống họ. May sao, họ không tỏ ra kỳ thị, soi mói, chúng tôi vẫn ở cùng nhau. Tôi đi làm ban ngày, tối về lại nằm ngủ. Tôi nhớ rõ, trong những giấc mơ, tôi vẫn luôn mong một ngày nào đó mình không phải sống trong hình hài con trai thế này, tôi cảm thấy đau khổ khi không được là chính mình nhưng tôi sợ rằng nếu để tóc dài, mặc đồ con gái, có thể tôi sẽ mất việc hoặc bị đuổi ra khỏi nhà trọ.

Tháng 2/2011, bộ phim quay xong, tôi lại rơi vào cảnh thất nghiệp, lại đi tìm việc làm tiếp. Tôi đọc thấy thông báo tuyển nhân viên kết cườm của một nhà thiết kế nổi tiếng nên nộp đơn, vào phỏng vấn, rồi được nhận làm. Đây là công việc lâu dài và ổn định nhất của tôi, tính đến nay tôi đã làm hơn 3 năm.


Thời điểm ấy, bạn có hoạt động trong cộng đồng LGBT để tìm bạn bè, những người cùng hoàn cảnh, có thể chia sẻ nỗi buồn với bạn không?

Có chứ. Những lần gặp nhau ngắn ngủi nhưng đủ để mọi người chia sẻ cùng nhau rất nhiều chuyện. Có bạn mới gặp nhau tuần trước, tuần sau đã ra đi vì gặp biến chứng sau phẫu thuật, vì tiêm hormone nữ không đúng cách, có người gặp tai nạn nghề nghiệp khi đi hát hoặc biểu diễn những trò xiếc nguy hiểm ở đám ma.

Bạn biết đấy, người chuyển giới, nhất là từ nam sang nữ, luôn bị xã hội dè bỉu bằng cách gọi "bê-đê", "bóng lộ". Khi đi xin việc, nhiều công ty hoặc tổ chức không nhận một người giấy tờ là nam nhưng ngoại hình và cách cư xử ẻo lả như một người nữ.

Bạn bè chuyển giới của tôi bị kỳ thị, họ không tìm được việc làm, không có tiền mua thuốc nội tiết tố hàng tháng, không còn tiền để sống, một số người đã phải đi bán dâm để kiếm miếng ăn qua ngày. Rồi từ đó họ ngày càng sa ngã hơn, càng bị xã hội kỳ thị nhiều hơn vì phải đi làm cái nghề không mấy đẹp đẽ này. Bản thân tôi cũng đã từng nghĩ, nếu điều xấu nhất xảy ra, nếu Sài Gòn không cưu mang mình, không cho mình một cơ hội để làm việc đàng hoàng, có lẽ mình cũng phải đi bán "vốn tự có" để tồn tại được.

"Một vài người bạn của tôi đã ra đi mãi mãi sau phẫu thuật chuyển giới".

Bạn quyết định phẫu thuật chuyển giới từ khi nào?

Từ sau khi tôi chiến thắng cuộc thi “Thế giới thứ 3 Next Top Angel 2012”. Ban đầu, tôi tìm hiểu liệu pháp hoóc-môn từ các chị chuyển giới đi trước để sử dụng. Mũi đầu tiên tiêm vào, đau lắm, xót lắm, tôi liên tục bị ói nhưng vì muốn trở thành con gái nên tôi chấp nhận. Tôi còn sử dụng thuốc ngừa thai với liều lượng cao để mau nữ tính hơn.

Nhiều người bảo chúng tôi "khùng", nhưng họ không hiểu được khát khao của chúng tôi, của những người mong muốn sống với hình hài một người con gái. Bạn hãy tưởng tượng nếu bạn là con gái nhưng bị bắt cắt tóc như con trai, ăn mặc như con trai, phải hành xử mạnh mẽ như con trai, không được điệu đà trang điểm, bạn có khó chịu không? Chúng tôi cũng như vậy đấy!

Còn gia đình của An Vi thì sao, họ cóngăn cản khi bạn quyết định phẫu thuật chuyển giới?

Gia đình đã nhận ra tôi khác biệt từ năm lớp 7. Thời gian đó tôi rất thích mặc đồ con gái, thích để tóc dài, biết làm điệu, nhưng ba mẹ hoàn toàn không ngăn cấm, họ để tôi tự do phát triển và xác định giới tính thật của mình. Tôi đi học thì như con trai, nhưng khi về nhà thì ăn mặc như con gái. Năm lớp 8, gần nhà có anh bạn làm đám cưới, tôi không ngần ngại hóa thân thành con gái, xúng xính áo đầm, trang điểm thật đẹp để dự đám cưới của anh. Đó là lần đầu tiên tôi thấy làm con gái thật tuyệt!

Chàng trai Trần Anh Vũ khi chưa phẫu thuật chuyển giới.

Hôm ấy, một nhóm người chuyển giới cũng được mời đến hát đám cưới, các chị ấy mời tôi lên hát cùng. Thấy tôi hát hay, ai cũng vỗ tay khen ngợi. Sau đó, nhiều đám cưới ở quê diễn ra, họ mời tôi về hát và trả 20.000 đồng, sau lại lên 50.000 đồng. Ban đầu mẹ tôi cũng la, mẹ nói là con trai thì trai luôn, gái thì gái luôn, chứ đừng có lúc này, lúc kia, mẹ... chóng mặt (cười). Ba tôi thì im lặng hơn, chỉ dặn rằng dù làm gì cũng ráng mà sống cho đàng hoàng. Gia đình cho phép tôi trở thành một người con gái từ đấy, tôi cảm thấy hạnh phúc tột cùng.

"Ban đầu mẹ tôi cũng la, mẹ nói là con trai thì trai luôn, gái thì gái luôn, chứ đừng có lúc này, lúc kia, mẹ... chóng mặt (cười)".

Bạn là một trong các nhà lãnh đạo trẻ của cộng đồng LGBT Việt, theo bạn, khó khăn lớn nhất của người chuyển giới hiện nay là gì?

Xã hội đã có cái nhìn tốt hơn về cộng đồng LGBT, nhưng chúng tôi vẫn mong muốn được một sự "chấp nhận". “Chấp nhận” ở đây không chỉ dừng lại ở việc không kỳ thị, không xa lánh mà người LGBT cần luật pháp bảo vệ và cho người chuyển giới được đổi tên trên giấy tờ.

Tên tuổi và hình ảnh trên giấy tờ sẽ giúp người chuyển giới tự tin hơn khi giao tiếp, xin việc làm, không bị từ chối lên máy bay, họ được sống một cuộc sống hoàn toàn mới mà không bị mọi người soi mói quá khứ khi nhìn vào giấy tờ. Tôi mong một ngày nào đó, người chuyển giới cũng có thể xin được việc ở ngân hàng, bệnh viện, sân bay... một cách bình đẳng như những người khác.

Trần An Vi đại diện cộng đồng phát biểu trong tọa đàm dành cho người đồng tính, song tính và chuyển giới.

Cảm ơn An Vi và chúc bạn luôn hạnh phúc trong cuộc sống!
 

Theo Trí Thức Trẻ


Tin tức mới nhất