Phó bí thư Hà Nội: Giãn cách thủ đô 2 tháng là chưa có tiền lệ

Ông Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh 15 ngày giãn cách tiếp theo, TP xác định quyết tâm rất cao, siết chặt hơn nữa việc giãn cách trong khu vực nội thành, hạn chế lượng người ra đường.

Chiều 3/9, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chủ trì hội nghị thông tin báo chí, công bố về chi tiết phân vùng giãn cách theo mức độ nguy cơ trên địa bàn từ 6/9 đến 6h ngày 20/9.

Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng và tình hình thực tiễn, Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất với đề xuất của Ban Cán sự Đảng UBND thành phố Hà Nội về tiếp tục thực hiện giãn cách sau thời gian ngày 6/9; giao Ban Cán sự Đảng UBND TP hoàn thiện để ban hành chỉ thị mới về công tác phòng chống dịch.

Giãn cách theo 3 vùng, vùng 1 có nguy cơ rất cao tiếp tục thực hiện theo Chỉ thị 16, còn lại 2 vùng sẽ áp dụng các biện pháp theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng. "Phương án cụ thể sẽ được UBND TP thông qua sớm nhất để công bố rộng rãi cho nhân dân biết", ông Phong thông tin.

Siết chặt hơn nữa việc giãn cách

Theo Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, việc kéo dài giãn cách theo Chỉ thị 16 ở nội đô Hà Nội 2 tháng là việc chưa có tiền lệ nên TP xác định quyết tâm rất cao, siết chặt hơn nữa việc giãn cách trong khu vực nội thành, hạn chế lượng người ra đường. Công an Hà Nội chủ trì việc cấp giấy đi đường, trên cơ sở tham khảo các tỉnh, thành khác và căn cứ vào thực tiễn của thủ đô.

"Vùng xanh tăng lên, ca nhiễm trong cộng đồng ngày càng giảm, ổ dịch mới xuất hiện đã được kiểm soát", Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong

Phó bí thư Thành uỷ nói trong đợt giãn cách thứ 3 vừa qua, TP đã nỗ lực cố gắng thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, bước đầu đã đạt được hiệu quả, kiềm chế lây lan dịch bệnh.

Thành phố đã tập trung nâng cao năng lực của ngành y tế, đầu tư trang thiết bị cho các bệnh viện, mở rộng các khu điều trị, thu dung F0 có triệu chứng nhẹ, nâng công suất lên 20.000 và 70.000 chỗ cách ly...

"Vùng xanh tăng lên, ca nhiễm trong cộng đồng có tỷ lệ ngày càng giảm, các ổ dịch mới xuất hiện có quy mô lớn, phức tạp đã được kiểm soát, nhất là ổ dịch ở Thanh Xuân Trung", ông Phong nói.

Phó bí thư Hà Nội: Giãn cách thủ đô 2 tháng là chưa có tiền lệ-1
Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong tại buổi làm việc. Ảnh: Đ.X.

Theo đánh giá của ngành y tế, tuy đạt được kết quả ban đầu, nguy cơ vẫn còn rất cao, trong đó có một số ổ dịch phát sinh có nguy cơ lây nhiễm rất lớn. Dịch bệnh xuất hiện trong chuỗi cung ứng, lái xe đường dài phía nam ra Hà Nội, đội ngũ giao hàng, chợ dân sinh,…

“Lượng người ra đường khi giãn cách vẫn còn rất đông, không đáp ứng được mục tiêu của việc giãn cách, vì vậy nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trên địa bàn vẫn còn rất cao”, Phó bí thư nhấn mạnh.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó bí thư cho biết Hà Nội sẽ tập trung giãn cách xã hội thực chất, hiệu quả hơn; tăng cường xét nghiệm diện rộng, nhất là đối với khu vực có nguy cơ cao. Hà Nội cũng tận dụng thời gian này để đẩy nhanh tiêm vaccine.

Cùng với đó, Hà Nội chuẩn bị cao hơn một bước, trước một bước về năng lực thu dung, điều trị, trang thiết bị ngành y tế và đào tạo, củng cố lực lượng y bác sĩ, chủ động đáp ứng diễn biến dịch ở mức cao hơn. Tăng cường đảm bảo an sinh xã hội bằng nguồn lực của thành phố và xã hội hóa để chăm lo tốt hơn cho người dân, đặc biệt những hộ còn khó khăn.

Ngoài các công việc thường xuyên, thành phố tiếp tục quyết liệt hơn, tăng cường kiểm tra giám sát, nâng cao ý thức kỷ luật, kỷ cương trong phòng chống dịch từ thành phố tới tận thôn, tổ dân phố. Thành phố sẽ kiên quyết xử lý đơn vị chủ quan, lơi lỏng.

Hơn 30% dân số Hà Nội được tiêm vaccine

Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết TP đã thành lập 3 tổ công tác chuyên trách do các phó chủ tịch UBND TP làm chỉ huy, phụ trách từng lĩnh vực công tác như: Xét nghiệm, cách ly, tiêm vaccine, thu dung điều trị, hậu cần, cơ sở vật chất phục vụ các khu cách ly tập trung…

Về điều trị, Hà Nội đã kích hoạt 2.000 giường bệnh cho 8 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế, trong đó có 500 giường bệnh cho bệnh nhân nặng, nguy kịch, 1.500 giường điều trị cho các bệnh nhân trung bình. Sở Y tế cũng đã nâng quy mô điều trị, cơ sở thu dung cho 20.000 bệnh nhân nhẹ.

Tính đến nay, TP đã tiếp nhận và điều trị 3.428 F0; hiện, còn hơn 1.000 bệnh nhân được điều trị và 53 bệnh nhân nặng. Hà Nội đã ký hợp đồng với các bệnh viện trên địa bàn tham gia xét nghiệm, nâng công suất xét nghiệm lên 200.000 mẫu/ngày.

Phó bí thư Hà Nội: Giãn cách thủ đô 2 tháng là chưa có tiền lệ-2
Tỷ lệ người dân được tiêm vaccine ở Hà Nội mới đạt trên 30%. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Những ngày qua, thành phố đã tổ chức xét nghiệm tất cả khu vực phong tỏa 2-3 ngày/lần, khu vực nguy cơ cao 5-7 ngày/lần. Ngoài ra, ngành y tế xét nghiệm cho các đối tượng nguy cơ như: Shipper, lái xe công nghệ, người tiếp xúc với nhiều người, người bán hàng ở chợ, siêu thị…

Về tiêm vaccine, bà Hà cho biết TP đã tiêm được 2,18 triệu liều, trong đó hơn 200.000 người được tiêm 2 mũi. Ngoài ra, các bệnh viện tuyến Trung ương trên địa bàn đã tiêm cho khoảng hơn 700.000 người (hơn 100.000 mũi 2). Tổng cộng, xấp xỉ 2,7 triệu người đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19, đạt 32,7%.

Theo số liệu từ CDC Hà Nội đến chiều 3/9, Hà Nội còn 6 ổ dịch phức tạp là: Văn Chương (Đống Đa - 89 ca nhiễm), Văn Miếu (Đống Đa - 109), Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân - 393), chợ Ngọc Hà (Ba Đình - 16), Tân Lập (Đan Phượng - 16), ngõ 24 Kim Đồng (Hoàng Mai - 46).

Hà Nội bắt đầu giãn cách xã hội từ 6h ngày 24/7 đến 6/9, Hà Nội sẽ kết thúc đợt giãn cách xã hội thứ 3 trong đợt dịch lần này với tổng cộng 45 ngày. Diễn biến dịch trên địa bàn còn phức tạp sau 5 tuần giãn cách với số ca nhiễm mới khoảng 50-60 ca/ngày.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/pho-bi-thu-ha-noi-gian-cach-thu-do-2-thang-la-chua-co-tien-le-post1258778.html?fbclid=IwAR3qTbZbyMN2A_i45MFVVT1Xn4k2U9fPyndsdLOMHBcxjnSR9kiefYhb-7E

giãn cách xã hội COVID-19 Hà Nội

Tin tức mới nhất