Hà Nội: Ca mắc sốt xuất huyết lập đỉnh mới, tổng số bệnh nhân vượt mốc 10.000

Chỉ 1 tuần, thêm hơn 2.000 người ở Hà Nội mắc sốt xuất huyết, cao nhất từ đầu năm đến nay, nâng tổng số ca bệnh vượt mốc 10.000. Bác sĩ cảnh báo ai cũng có nguy cơ diễn biến nặng khi mắc sốt xuất huyết.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cuối giờ chiều 17/9 cho biết tuần qua (từ ngày 8-15/9), số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội tiếp tục tăng mạnh, với 2.010 ca tại 29 quận, huyện.

Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân trong tuần là: Phú Xuyên (163 ca), Hoàng Mai (136 ca), Cầu Giấy (134 ca), Hà Đông (132 ca), Đống Đa (125 ca), Đan Phượng (122 ca), Thanh Oai (119 ca), Thanh Trì (104 ca).

Nếu tháng 7 và tuần đầu tháng 8, số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội khoảng 500-600 ca/tuần, từ tuần thứ 2 tháng 8 trở đi, số ca mắc tăng đột biến lên 1.000 ca. Sau 3 tuần liên tiếp số ca mắc hơn 1.000/tuần, đây là tuần đầu tiên số ca mắc vượt mốc 2.000, trở thành tuần đầu tiên trong năm có số ca mắc kỷ lục.

Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội ghi nhận hơn 10.300 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 3 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số mắc tăng gần 4 lần; số ca tử vong tương đương.

3 ca tử vong được ghi nhận là nam thanh niên 19 tuổi, ở quận Hà Đông; người phụ nữ 45 tuổi, ở quận Hoàn Kiếm và cô gái 20 tuổi ở huyện Quốc Oai. 

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, ai mắc sốt xuất huyết cũng có nguy cơ diễn biến nặng, tuy nhiên mô hình diễn biến có thể khác nhau.

Ở trẻ nhỏ, thường gặp tình trạng sốc nhiều hơn trong khi ít biến chứng chảy máu nghiêm trọng. Ở người già và người có bệnh nền, có thể gặp biến chứng chảy máu nghiêm trọng hơn.

Ví dụ người loét dạ dày hành tá tràng, xơ gan có giãn tĩnh mạch thực quản, khi mắc sốt xuất huyết nếu xảy ra xuất huyết ở những vị trí này thì việc xử lý sẽ rất khó khăn.

"Hoặc với bệnh nhân tăng huyết áp, nếu huyết áp tụt về mức bình thường như người khác đã là tình trạng sốc nặng đối với họ. Nếu thầy thuốc nhận định giá trị huyết áp không đúng có thể dẫn đến xử trí không phù hợp", bác sĩ Cấp nói với VietNamNet.

Thành phố bước vào cao điểm dịch sốt xuất huyết

Cũng trong tuần này, Hà Nội ghi nhận thêm 72 ổ dịch sốt xuất huyết tại 15 quận, huyện. Trong đó, quận Đống Đa có tới 16 ổ dịch; Hà Đông, Hoàng Mai mỗi quận có 8 ổ dịch... Hiện còn 258 ổ dịch đang hoạt động tại 30 quận, huyện, thị xã. Một số ổ  dịch ghi nhận nhiều bệnh nhân như xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất có 439 ca; xã Hữu Bằng huyện Thạch Thất có 306 ca; phường Ô Chợ Dừa quận Đống Đa (29 ca)…

Số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh từng tuần, Hà Nội nhận định hiện thành phố đang bước vào cao điểm dịch và sẽ tiếp tục tăng ca bệnh. 

Trong y tế dự phòng, chỉ số BI (Breteau Index - số dụng cụ chứa nước có bọ gậy muỗi Aedes) có vai trò quan trọng để xác định tình trạng lăng quăng, muỗi vằn, các nguy cơ gây sốt xuất huyết.

Nếu điều tra ghi nhận chỉ số BI từ 30 trở lên có nghĩa là tại cơ sở giám sát đang có yếu tố nguy cơ cao với khả năng dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát. Riêng khu vực miền Bắc, chỉ số này quy định từ 20 trở lên.

Thực tế, CDC Hà Nội cho biết kết quả điều tra, giám sát trong những tuần gần đây, nhiều nơi ở Thủ đô có chỉ số BI cao 2-3 lần yếu tố nguy cơ bùng phát dịch, như: xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên (BI=60); phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm hay xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ; phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm và xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai đều có BI=40...

Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/ca-mac-sot-xuat-huyet-o-ha-noi-lap-dinh-moi-so-benh-nhan-vuot-moc-10-000-2190824.html

dịch bệnh sốt xuất huyết

Tin tức mới nhất