Hàn Quốc truy tố “yêu nữ” cưỡng hiếp bạn trai

Một phụ nữ Hàn Quốc 40 tuổi vừa bị truy tố về tội tìm cách cưỡng hiếp bạn trai sau khi đánh thuốc mê nạn nhân.

Văn phòng công tố Seoul cho biết người phụ nữ - được xác định là họ Jeon – hồi năm ngoái dụ dỗ bạn trai đến nhà rồi tiêm thuốc mê cho ông ta. Sau đó, người đàn bà 40 tuổi cố gắng thực hiện hành vi cưỡng hiếp trong khi người đàn ông đang ngủ mê mệt.

Họ Jeon còn phải đối mặt thêm một tội danh nữa là hành hung người khác. Sau khi tỉnh dậy và tìm cách thoát thân, người đàn ông bị tình nhân cầm hung khí tấn công. Được biết vào thời điểm đến nhà người phụ nữ này, ông ta đã kết hôn với một phụ nữ khác.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cho đến tháng 6-2013, pháp luật Hàn Quốc không thừa nhận nam giới là nạn nhân của một vụ tấn công tình dục. Điều đó có nghĩa là chỉ phụ nữ và trẻ em gái mới được nộp đơn khiếu nại tới cảnh sát nếu bị xâm hại.

Bà Jeon được xem là trường hợp đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc bị truy tố về tội hiếp dâm và là người phụ nữ đầu tiên bị bắt vì cưỡng hiếp đàn ông.

Tại Trung Quốc, giảng viên Jia Jian đến từ Đại học Khoa học Chính trị và Luật ở TP Trùng Khánh vừa kêu gọi chính phủ sửa đổi luật để đưa nam giới vào diện nạn nhân bị cưỡng hiếp, bên cạnh nữ giới.

Ông Jian cho biết đề xuất này nhằm bảo vệ quyền lợi cho cả nam giới và nói thêm: “Quy định kể trên đã được các nước như Đức, Pháp và Ý áp dụng rộng rãi, trong đó xác định nạn nhân bị hãm hiếp là “đối tượng thứ hai”, đồng thời đảm bảo quyền bình đẳng về hành vi tình dục giữa đàn ông và phụ nữ”.

Vị giảng viên nhấn mạnh phụ nữ “cũng có khả năng cưỡng hiếp đàn ông”, trong khi chỉ có nam giới mới bị xử phạt về tội danh này. Ý kiến của ông Jian nhận được sự ủng hộ tích cực của nhiều cư dân mạng, đặc biệt là các nhà hoạt động về nhân quyền.

Giáo sư ngành Luật Liu Junhai, thuộc Đại học Renmin của Trung Quốc, cho rằng thay đổi Luật hình sự về việc xác định đối tượng bị cưỡng hiếp có thể giải quyết vấn đề phân biệt đối xử giới tính. Giáo sư Liu cho biết thêm Luật Hình sự của Trung Quốc đã lỗi thời và cần được sửa đổi để theo kịp nếp sống hiện đại.

Theo Người lao động

Tin tức mới nhất