Hành khách Việt mắng tiếp viên hàng không Mỹ vì lí do không tưởng

Thời gian gần đây, việc hành khách hất nước sôi, tát vào mặt thậm chí là xỉ vả phi hành đoàn chỉ vì những lí do không tưởng... đã chẳng còn là câu chuyện hiếm hoi.

Từ lâu, máy bay được xem là phương tiện giao thông hiện đại và sang trọng nhất. Để sở hữu một tấm vé máy bay, hành khách phải bỏ ra số tiền không hề nhỏ, điều này cũng tương đương với việc nhiều hành khách cho mình cái quyền được xem là "thượng đế". Và câu chuyện được đăng tải dưới đây chính là minh chứng cho điều này.

"Chuyến bay từ Long Beach- San Francisco (Mỹ) có một đoàn khách Việt Nam khoảng 10 người, họ ăn mặc rất đẹp (quần áo, giày dép, túi xách tay toàn đồ hiệu đắt tiền…).

Khi check-in hành lí xách tay vượt quá số cân qui định nên khi lên máy bay họ yêu cầu tiếp viên có thể giữ hành lí hộ hay không. Đáp lời, tiếp viên chỉ lên ngăn chứa bên trên rồi từ chối và bảo đây là công việc hành khách phải tự làm.

Họ lẩm bẩm chửi bằng tiếng Việt: “Bọn cà chớn, tiếp viên gì mà mất dạy, vô lễ… Ở Việt Nam mà như vậy tao tát cho...". Trước hành xử của khách, tiếp viên vẫn hoàn tất công việc của mình và yêu cầu họ ngồi xuống, cài dây an toàn và quay về vị trí để cất cánh.


Cư xử của một nhóm khách Việt khiến nhiều người phải lắc đầu ngao ngán. (Ảnh minh họa/ Internet)


Khi máy bay vừa bay ở độ cao thăng bằng, cô tiếp viên đi xuống cùng một tiếp viên trưởng (khoảng 50 tuổi) và nói chuyện với những người khách Việt. Cô ta giới thiệu bằng tiếng Việt: Tôi là người Mỹ gốc Việt, lúc nãy các anh chị lên máy bay có thái độ cư xử và ăn nói không đúng, vì vậy tôi yêu cầu tiếp viên trưởng xuống đây để nói chuyện với quí vị:

1. Chúng tôi chỉ giúp đỡ những người cần được giúp đỡ.

2. Chúng tôi không cho phép bất cứ người nào coi thường nghề nghiệp của chúng tôi.

3. Chúng tôi yêu cầu quý vị phải xin lỗi về lời nói của quý vị.

Sau khoảng 30 giây im lặng, một người trong số họ lên tiếng đính chính: “Tôi tưởng khách hàng là “thượng đế” và tiếp viên phải phục vụ “thượng đế” vì chúng tôi đã bỏ tiền ra mua vé máy bay nên chúng tôi có quyền…”.

Sau khi nghe cô tiếp viên người Mỹ gốc Việt dịch lại, tiếp viên trưởng nói: “Quý vị không phải thượng đế hay nữ hoàng. Mà quý vị là khách hàng. Quý vị phải bỏ tiền ra mua vé để được chúng tôi vận chuyển. Chúng tôi cần khách hàng, nhưng là tùy theo đó là khách hàng lịch sự hay không lịch sự và phải theo luật lệ, quy định của chúng tôi. Vì vậy chúng tôi sẽ từ chối quý vị trên những chuyến bay của chúng tôi. Nếu quý vị đã mua vé cho những chuyến bay sau, chúng tôi sẽ hoàn trả lại tiền. Quý vị sẽ liên lạc với văn phòng hãng để lấy lại tiền và đề nghị quí vị kí vào giấy tờ từ chối vận chuyển, đồng thời chúng tôi sẽ gửi thông báo và gửi tất cả các thông tin của quý vị đến tất cả các hãng hàng không của Hoa Kì”. Và 15 phút sau, tất cả 10 người đều phải kí vào biên bản.

Tất cả các hành khách xung quanh đều nhìn họ và lắc đầu. Riêng tôi cảm thấy xót xa và buồn cho họ. Tuy không còn là tiếp viên của Vietnam Airlines nhưng tôi vẫn rất buồn và mất ngủ nhiều đêm chỉ vì câu hỏi: “Các bạn của tôi ơi! Bao giờ các bạn mới có đủ can đảm, mạnh dạn và tự tin để đối đáp và cư xử như cô tiếp viên người Mỹ gốc Việt này?”

Chuyến bay MH 370 đã làm cho cả thế giới xôn xao, cầu nguyện và mong chờ cho những tin tức tốt lành mặc dù hi vọng rất mong manh. Và tôi cũng không ngoại lệ. Đó chính là nỗi xót xa, nhẫn nhục và chịu đựng của kiếp “làm dâu trăm họ” chấp nhận im lặng cam chịu những quấy nhiễu, hạch sách của những người khách vô ý thức, lại tự cho mình là “thượng đế”.


Cách cư xử của những vị khách Việt để lại ấn tượng chẳng mấy tốt trên chuyến bay quốc tế. (Ảnh minh họa/ Internet)


Bài chia sẻ từ một vị khách chứng kiến ngay khi vừa đăng tải đã thu về rất nhiều sự quan tâm từ cư dân mạng. Khi thời gian gần đây, hàng loạt vụ việc liên quan đến hành hung tiếp viên hàng không: hất li nước nóng, tát vào mặt khi không tìm thấy điện thoại di động, hay có những lời nói khiếm nhã khi không được đối đãi như "thượng đế"... xảy ra ngày càng thường xuyên.

Từ những sự việc trên lại tiếp tục dấy lên vấn đề: liệu có phải bỏ tiền thì mọi người tự cho mình cái danh xưng "thượng đế" và thỏa sức mạt sát tiếp viên. Đồng ý rằng: mọi người phải chi một khoản tiền không nhỏ để có thể trở thành hành khách trên chuyến bay, nhưng không phải vì thế mọi người cho mình quyền được cư xử vô ý thức và bắt buộc người khác phục vụ những đòi hỏi quá đáng. Như vị khách Việt trên đây đã để lại ấn tượng chẳng mấy đẹp trên một chuyến bay quốc tế.


Theo Thể thao và Văn hóa

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao